Kinh tế thế giới đứng trước cuộc khủng hoảng của tính không chắc chắn

10/04/2023 15:12

Phản ứng của chính phủ các quốc gia đối với các cuộc khủng hoảng ngân hàng mới nhất một lần nữa cho thấy một số quốc gia đang hành xử một cách bất quy tắc. Cách phản ứng này không chỉ bất lợi cho việc lập kế hoạch dài hạn của các quốc gia đó mà còn là mối đe dọa đối với chủ nghĩa đa phương. Đây là nhận định của Harold James – Chuyên gia về toàn cầu hóa; Giáo sư Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton trên Project Syndicate.

Một cuộc khủng hoảng ngân hàng quy mô tương đối nhỏ gần đây đã đủ để chứng minh sự mong manh của chủ nghĩa đa phương ngày nay. Thất bại của các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu đã đi ngược lại kỳ vọng, bởi vì các chính phủ thậm chí không giả vờ tuân theo bất kỳ quy tắc chung nào khi xử lý hậu quả. Mặc dù hệ thống ngân hàng thế giới đang ở tình trạng tốt hơn so với trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng các cơ chế được thiết lập trong 15 năm qua để đối phó với căng thẳng tài chính đã tỏ ra không đủ.

Xu hướng bảo hộ trở lại

Cuộc khủng hoảng mới nhất cho thấy cái nhìn rộng hơn về cách thế giới có thể và nên giải quyết các vấn đề tập thể. Xét cho cùng, chủ nghĩa đa phương đang rơi vào thời kỳ khó khăn. Mặc dù sau cuộc khủng hoảng năm 2008, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhiều lần khẳng định thế giới không thể quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ, nhưng từ đó đến nay, Tổ chức Thương mại Thế giới đã không có khả năng ký kết các thỏa thuận mới hoặc thậm chí phân xử các xung đột trên cơ sở các thỏa thuận hiện có. Tất cả các nền kinh tế lớn - từ Mỹ, Trung Quốc đến EU - đều đã áp dụng nhiều hình thức bảo hộ khác nhau.

Một bài học quan trọng của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 là trước một hệ thống quản lý tài chính rời rạc có vấn đề, cần có các quy tắc rõ ràng trong trường hợp xảy ra cú sốc hoặc sụp đổ bất ngờ. Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SBV), ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ sụp đổ và là vụ sụp đổ ngân hàng lớn đầu tiên kể từ năm 2008, cơ quan quản lý của bang California đã đưa ra quyết định đóng cửa ngân hàng vào giữa ngày giao dịch, dẫn đến việc các ngân hàng nhỏ hơn phải tháo chạy.

Sau một ngày cuối tuần hỗn loạn, Bộ Tài chính Mỹ cuối cùng đưa ra một thông báo bảo đảm cho tất cả các khoản tiền gửi tại SVB, không chỉ các khoản tiền gửi được bảo hiểm lên tới 250.000 USD. Nhưng thông báo này ngay lập tức đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Trên thực tế, các cơ quan tài chính của Hoa Kỳ có đảm bảo cho tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng khác hay không? Kho bạc ngầm hiểu là không, nhưng lại cần người gửi tiền tin rằng câu trả lời là có.

Một bài học khác từ năm 2008 là các tổ chức tài chính quan trọng trong hệ thống phải tuân theo các cơ chế xử lý đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng điều này đã không được tuân thủ khi các chính phủ lại muốn thử nghiệm các chế độ mới. Chỉ hai tuần sau khi thị trường tài chính còn choáng váng với vụ phá sản SVB ở Mỹ thì Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ảrập Xêút, cổ đông lớn nhất của Credit Suisse tuyên bố sẽ không tiếp tục cung cấp thêm thanh khoản cho ngân hàng này. Trước nguy cơ rối loạn mới, Chính phủ Thụy Sĩ và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã nghĩ ra cách phản ứng đặc biệt của riêng họ, tổ chức một vụ mua lại gây tranh cãi Credit Suisse trong khi tất cả các kế hoạch thương lượng quốc tế vẫn còn trong ngăn kéo. Theo đó, ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ là UBS mua lại Credit Suisse với giá 3.2 tỷ USD và ​​các cổ đông của Credit Suisse nhận được 1 cổ phiếu UBS cho mỗi 22,48 cổ phiếu Credit Suisse mà họ nắm giữ.

Trong khi các cổ đông của Credit Suisse được trả bằng cổ phiếu của UBS, thì những người nắm giữ trái phiếu cấp 1 bổ sung (additional tier-one bonds, AT1) của Credit Suisse có nguy cơ mất trắng 17 tỷ USD. Cơ quan giám sát tài chính Thuỵ Sỹ FINMA cho biết trái phiếu AT1, vốn được xem là một loại tài sản tương đối rủi ro, của Credit Suisse sẽ bị bút toán về 0 như một phần trong thương vụ sáp nhập. Tuyên bố của nhà chức trách khiến các trái chủ AT1 của Credit Suisse nổi giận, vì họ đối mặt khả năng mất trắng tiền trong khi cổ đông nắm giữ cổ phiếu Credit Suisse được trả trong thuơng vụ giải cứu nói trên. Thông thường, cổ phiếu bị xếp sau trái phiếu AT1 trong những vụ như thế này. Quyết định của FINMA “có thể được xem là đặt trái chủ AT1 sau cổ đông” - một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs nhận định. “Đây cũng là vụ mất tiền nhiều nhất của nhà đầu tư trái phiếu AT1 kể từ khi loại tài sản này ra đời sau khủng hoảng tài chính. Điều này giống như một sự vi phạm gây sốc về hệ thống cấp bậc của các yêu cầu bồi thường.

Nhìn vào bất kỳ khu vực nào của cuộc khủng hoảng hiện nay – châu Âu hay Mỹ, người ta đều thấy các chính phủ khăng khăng rằng không có mối đe dọa mang tính hệ thống nào, ngay cả khi họ hiểu rằng họ đang phản ứng với những gì rõ ràng là mối đe dọa mang tính hệ thống. Cách phản ứng thay đổi liên tục đã trở thành nguồn gốc của tính thiếu chắc chắn. Tất cả mọi thứ - sự an toàn của tiền gửi ngân hàng, thâm niên của các yêu cầu tín dụng và khả năng xảy ra các đợt rút tiền mới - dường như đều trở nên mông lung.

Rủi ro của hành động đơn phương

Giờ đây, “chủ nghĩa tân tự do” đã không còn được ưa chuộng. Chủ nghĩa này nhấn mạnh đến cách quản lý kinh tế theo các quy tắc rõ ràng, có thể dự đoán được và có thể áp dụng chung, nếu không có các quy tắc này sẽ luôn tạo ra tính thiếu ổn định và khả năng gây hoảng loạn. Hơn nữa, trong một thế giới không có luật lệ, sẽ luôn là kẻ mạnh chiến thắng kẻ yếu.

Nhớ lại các gói cứu trợ năm 2008, các nước lớn như Mỹ (hoặc Trung Quốc) luôn có thể can thiệp để giải cứu hệ thống ngân hàng của họ, trong khi các nước nhỏ hơn không có khả năng như vậy. Trong khi Iceland và Ireland ghi nhớ bài học này, Thụy Sĩ dường như đã quên. Thoát khỏi một cuộc khủng hoảng trong gang tấc bằng cách tạo ra một “siêu ngân hàng” mới với tài sản lớn gấp đôi GDP của Thụy Sĩ, thậm chí còn tạo ra nhiều rủi ro hệ thống hơn.

Việc nhận ra rằng một số quốc gia chơi theo các quy tắc khác với các quốc gia khác là một mối đe dọa sâu sắc đối với chủ nghĩa đa phương. Sau đại dịch Covid-19 thảm khốc và cuộc khủng hoảng Ukraine với tất cả những tác động tiêu cực toàn cầu của nó – liệu các nước có nên quay lại với đàm phán quốc tế nhằm theo đuổi các khuôn khổ và quy tắc chung?

Một lĩnh vực mà cách tiếp cận đa phương tiêu chuẩn có thể được cải thiện là ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong nhiều năm, các nhà kinh tế và hoạch định chính sách đã nghiên cứu các cơ chế định giá carbon hoặc mua bán khí thải, và người châu Âu đã tìm cách dẫn đầu bằng cách phát triển thị trường carbon trong nước. Nhưng Mỹ đã từ bỏ cách tiếp cận này với Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022. Thay vì đàm phán với bất kỳ chính phủ nào khác, Washington chỉ đơn giản là ban hành chương trình đầu tư lớn của riêng mình để hỗ trợ sản xuất trong nước và năng lượng tái tạo.

Không rõ rằng một cuộc chạy đua có lợi lên vị trí dẫn đầu sẽ tốt hơn chủ nghĩa đa phương truyền thống hay không. Nhưng tính không chắc chắn trong hành động và những tín hiệu không rõ ràng thường dẫn đến hành vi phá hoại, bởi vì chúng định hướng mọi người theo hướng ngắn hạn và gieo mầm cho sự vỡ mộng. Các chiến lược dài hạn hiệu quả đòi hỏi khả năng dự đoán và tính minh bạch dựa trên các quy tắc đơn giản, rõ ràng. Các quy tắc trong lĩnh vực ngân hàng có thể được làm cho ít phức tạp hơn, ít dễ bị tổn thương hơn và ít cần điều chỉnh liên tục hơn không? Trả lời câu hỏi đó sẽ là một bài kiểm tra về quản trị đối với không chỉ lĩnh vực ngân hàng.

Quốc Đạt

Theo Project Syndicate