Chung tâm sức khuyến đọc

Thảo Nguyên 06/04/2023 07:12

Cùng với việc đưa đến độc giả những cuốn sách phong phú, đa dạng về nội dung, thể loại, nhiều đơn vị xuất bản cũng đẩy mạnh hoạt động khuyến đọc, lan tỏa thói quen đọc sách rộng hơn tới bạn đọc.

Vừa làm sách vừa khuyến đọc

“100 tủ sách cộng đồng đã được xây dựng tại các trường học, cơ quan, tổ chức cộng đồng… Những cây ATM tủ sách xuất hiện từ Bắc vào Nam, mang những cuốn sách lên cả vùng cao, tiếp nối và lan tỏa tri thức cùng những giá trị tới đông đảo bạn đọc toàn quốc” - bà Phạm Thủy - Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông của Thái Hà Books cho biết kết quả sau một năm đơn vị này phát động và triển khai dự án Khuyến đọc Việt Nam. Cùng với đó, 100 chương trình “Reading Books Together” được tổ chức để kết nối tới các độc giả, người tham gia cùng nói chuyện khuyến đọc, hướng dẫn đọc và ứng dụng việc đọc vào cuộc sống. Đặc biệt, Phiên chợ Khuyến đọc được tổ chức thành công tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đóng góp kinh phí hàng chục triệu đồng cho Quỹ Khuyến đọc Việt Nam...

Để khuyến khích độc giả đóng góp, chia sẻ những cuốn sách hay tới người yêu mến sách, vừa qua, đơn vị này đã tổ chức Ngày hội Khuyến đọc với các hoạt động như chương trình giao lưu truyền cảm hứng đọc sách cũng như các phiên chợ khuyến đọc, tặng sách, chương trình Đổi sách lấy cây, không gian quyên góp sách... Toàn bộ số sách nhận được chuyển cho hoạt động “Sách đến tay em”, xây dựng tủ sách tại chùa An Lễ, Vụ Bản, Nam Định. Trong khuôn khổ dự án Khuyến đọc Việt Nam, được triển khai từ cuối tháng 7.2022 đến nay, “Sách đến tay em” đã trao tặng 10 đợt sách đến các tỉnh như Lào Cai, Bắc Giang, Hòa Bình, Vĩnh Long…

Phát triển văn hóa đọc cũng là mối quan tâm của nhiều đơn vị xuất bản thời gian qua. Bên cạnh ATM tủ sách, nhiều thư viện sách 0 đồng, không gian đọc cộng đồng liên tiếp có mặt tại nhiều nơi. Năm vừa qua, dự án tích hợp chuỗi Nhà văn hóa và Không gian văn hóa đọc cộng đồng được Tân Việt Books triển khai, xây dựng được các điểm tại Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam...

Ưu tiên đưa sách trực tiếp tới độc giả thông qua chương trình Khuyến đọc và Quỹ sách, đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ cho biết: chương trình tặng sách cho các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; các không gian đọc cộng đồng do người khuyết tật quản lý, các nhà văn hóa cấp thôn, xã chưa có điều kiện để trang bị sách cho người dân, các điểm đọc nhỏ lẻ… giúp người dân dễ tiếp cận nhất với sách. Sau 5 năm (2017 - 2022), chương trình Khuyến đọc và Quỹ sách của Nhà xuất bản đã tặng hơn 13 triệu cuốn (thông qua chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, các mô hình không gian đọc, điểm đọc, đưa sách đến các trường học, trại giam…). Nhà xuất bản cũng tổ chức chương trình khuyến đọc tại nhiều địa phương, trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình khuyến đọc...

Những ngày đầu tháng 3 vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng cùng gia đình nhà văn Sơn Tùng đã tổ chức khai trương thư viện Búp Sen Xanh tại Trường THCS Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An và trao tặng 1.500 cuốn sách. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ: “Khai trương thư viện Búp Sen Xanh tại quê hương nhà văn Sơn Tùng, Nhà xuất bản hy vọng sẽ giúp các em học sinh được tìm hiểu, thêm yêu quý và tự hào về nhà văn Sơn Tùng của quê hương Diễn Kim. Thư viện Búp Sen Xanh sẽ khơi gợi trong các em tình yêu với việc đọc sách...”.

Cần triển khai sâu rộng và thường xuyên

“Thứ nhất phải có sách hay, chất lượng, nội dung tốt. Thứ hai là phải có cảm hứng để đọc sách. Thứ ba là phải biết chọn sách và đọc sách để biết chọn sách có nội dung chuẩn và ứng dụng vào cuộc sống. Đó là kiềng ba chân, chúng ta phải làm sâu rộng và thường xuyên” - TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books chia sẻ về tầm quan trọng của việc khuyến đọc, bên cạnh đưa sách tới công chúng.

Thực tế, hoạt động tặng sách tới các điểm trường, vùng sâu, vùng xa... đã có nhiều đơn vị thực hiện, nhưng có ý kiến cho rằng, các hoạt động chưa được thực hiện một cách bài bản, tổng thể, hoặc không được duy trì thường xuyên, nên phong trào đọc sách cũng giảm dần. Hầu hết các trường hợp hiện nay là thấy nơi nào thiếu, hay mong muốn có tủ sách, các đơn vị sẽ tặng sách, kêu gọi xây dựng thư viện, tủ sách, nhưng sau đó tại cơ sở lại thiếu hoạt động gắn với sách, nếu có cũng ít được duy trì lâu dài.

Bà Phạm Thủy nêu ví dụ: bạn đọc nhỏ tuổi ở vùng sâu, vùng xa không được tiếp cận nhiều với sách, nên khi mới có tủ sách, các em rất phấn khởi, nhưng nếu không có các hoạt động tiếp sau, việc đọc sách sẽ mai một. Bởi vậy, chương trình “Sách đến tay em” hướng tới mục tiêu phát triển theo chiều sâu văn hóa Đọc sách - Ứng dụng sách vào đời sống. Ngoài tặng sách đến các không gian đọc, điểm trường, nhà văn hóa… ở vùng ít tiếp cận văn hóa đọc sách, chương trình còn có những buổi hướng dẫn đọc sách, có cuộc thi để các em chia sẻ kiến thức đọc được trong cuốn sách. Việc bổ sung đầu sách mới và có các hoạt động tích cực sẽ kích thích nhiều bạn nhỏ đến với sách.

Tuy nhiên, để làm được như vậy, kinh phí chỉ là một phần rất nhỏ, khó khăn về nhân lực duy trì các hoạt động hàng tháng cho hoạt động khuyến đọc là vấn đề được quan tâm. Thái Hà Books đã xây dựng Câu lạc bộ Yêu sách Thái Hà, quy tụ các bạn trẻ mong muốn được cống hiến, hỗ trợ triển khai hoạt động hướng dẫn đọc sách. Bà Phạm Thủy cho biết: “Thái Hà Books tiếp tục kêu gọi mọi người đến với khuyến đọc Việt Nam, ai cũng có thể góp sức, góp kinh phí để triển khai hoạt động. Chúng tôi hy vọng các đơn vị sẽ chú ý tới khuyến đọc bằng các hành động cụ thể, trong thời gian dài, và không nản”.

Theo Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo, việc tổ chức các hoạt động khuyến đọc trong cộng đồng, lan tỏa tình yêu với sách thực sự có ý nghĩa để hoàn thành mục tiêu của ngành xuất bản, tăng số lượng bản sách mỗi người đọc trung bình một năm, phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập.

Thảo Nguyên