Tập trung đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số
Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, các chính sách về tăng cường kỹ năng chuyển đổi số cho nhân lực là một mắt xích quan trọng để thực hiện hiện số hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực
Mới đây tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" do Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chủ trì đã đề cập đến rất nhiều vấn đề của nền kinh tế Việt Nam trong đó có nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, “Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong đó, về phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao...”
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đối với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để hiện thực hóa các thủ tục phát triển chuyển đổi số, cũng như chuyển đổi cơ chế, ngành sẽ tập trung cao cho vấn đề phát triển nguồn nhân lực.
"Đối với lực lượng lao động trong nước, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 06 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, bền vững và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, Bộ sẽ ban hành những chuyên đề đột phá về khoa học công nghệ, gắn với thực tiễn đời sống.
Về đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nòng cốt chúng tôi lấy nguồn nhân lực từ hệ thống giáo dục, trong các trường đại học, trường đào tạo nghề chất lượng cao để thực thi", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Cũng theo Bộ trưởng, đối với lực lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam, 3 đối tượng cần quan tâm là chuyên gia, quản lý và người lao động trình độ cao bởi đây là lực lượng rất quan trọng. Chủ trương của Chính phủ Việt Nam là luôn trân quý và sử dụng có hiệu quả, vừa phục vụ yêu cầu trong nước, vừa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển.

Giáo dục nghề nghiệp phải đi trước một bước
Nói về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng chuyển đổi số phải lấy con người làm trung tâm, không chỉ thiết bị, máy móc mà chính những lao động cần được trang bị đầy đủ kỹ năng để thích ứng với quá trình chuyển đổi số. Điều này yêu cầu công tác đào tạo cần đi trước một bước vừa để tạo tiền đề ban đầu, vừa là nơi giúp lao động cập nhật kiến thức về chuyển đổ số trong quá trình làm việc.
Nắm bắt được yêu cầu đó, Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số được đẩy mạnh, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Tổng cục sẽ xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, phần mềm quản lý phục vụ công tác quản lý, điều hành về giáo dục nghề nghiệp; điều hành hoạt động giáo dục nghề nghiệp dựa trên hệ thống thông tin thông qua Trung tâm thông tin thích hợp (IOC); xây dựng và phát triển công cụ và triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng, kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghề thông qua môi trường số.
Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sẽ tập trung phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nền kinh tế và hội nhập quốc tế; xác định đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản và nâng cao đối với người lao động trên môi trường số, lồng ghép vào chương trình đào tạo các môn học liên quan tới kỹ năng số để sau khi ra trường người học có thể tiếp cận ngay với các công việc cần kỹ năng số.
Đặc biệt, chú trọng phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng các phương pháp dạy và học mới cho nhà giáo và người học. Cùng với đó, số hóa hoạt động nhà trường, trong đó chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chất lượng; phát triển chương trình, quản lý nhà giáo, quản lý học sinh, sinh viên, kết nối doanh nghiệp; đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến kết hợp triển khai đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số; tăng cường vận động sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế.
Trong khi đó, Tiến sỹ Phạm Hùng Dũng, Trường Cao đẳng Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chuyển đổi số được xem là xu thế tất yếu, giải pháp mang tính đột phá để nâng chất nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc thúc đẩy chuyển đổi số đối với giáo dục nghề nghiệp cũng đang gặp nhiều thách thức. Cụ thể, các chuyên gia đưa ra một số dự báo mang tính thách thức như ước tính rằng trong 15 năm tới, trên thế giới 14% lực lượng lao động có nguy cơ cao sẽ bị tự động hóa thay thế và 30% khác phải đối mặt với những thay đổi về kỹ năng được sử dụng trong cách đào tạo lực lượng lao động.
Thực tế này đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi cùng với những giải pháp phù hợp. Ví dụ như phải trang bị cho sinh viên các kỹ năng để có thể đối mặt với những mô hình việc làm thay đổi nhanh chóng, khuyến khích người học tự học tập suốt đời; tái trang bị hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ thông tin cho chuyển đổi số bao gồm phần cứng như máy tính, mạng kết nối internet, các ứng dụng hỗ trợ dạy học, nguồn học liệu mở, hệ thống phần mềm hỗ trợ kiểm tra, đánh giá.
Bên cạnh đó, người học và giảng viên cũng cần thích nghi với công nghệ mới, sẵn sàng cho hoạt động nghiên cứu, kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Đồng thời, giảng viên cần trang bị cho mình những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, duy trì sự chú tâm của người học, tổ chức các hoạt động dạy học cho người học trên không gian ảo được hiệu quả.