Hiểu văn hóa để xóa định kiến
Bình đẳng giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số đang gặp ý kiến trái chiều. Một số quan niệm, tập tục được cho là rào cản trong việc xóa bỏ bất bình đẳng mà xã hội đang hướng tới. Tuy nhiên, không ít trường hợp do chưa hiểu văn hóa của đồng bào mà tạo ra định kiến, từ đó dẫn đến sự phân biệt đối xử.
Không nên áp đặt góc nhìn của người ngoài cuộc
Hiện nay, khái niệm “bình đẳng giới” trong các diễn ngôn đại chúng gắn liền với sự tiến bộ, phát triển, và là một trong số những tiêu chuẩn của xã hội hiện đại. Những gì đi ngược giá trị của bình đẳng giới được xem là cổ hủ, lạc hậu.
Chẳng hạn, gần đây, nhiều thông tin trên mạng xã hội, truyền thông đưa hình ảnh về tập tục kéo vợ của người Mông, khơi mào cho các thảo luận. Nhiều người cho đây như một thực hành thô bạo với người phụ nữ, thậm chí còn gọi là hành động “cướp dâu” - một từ mang nghĩa tiêu cực. Trong phần lớn đối thoại về thực hành kéo vợ, quan điểm chủ đạo cho đây là hủ tục, phải loại bỏ. Quan điểm này chủ yếu đến từ người ngoài cộng đồng dân tộc Mông.
Tuy nhiên, tập tục này không phải lúc nào cũng thô bạo, vi phạm quyền con người như truyền thông,mạng xã hội mô tả. Đôi khi, đó chỉ là một cách đón dâu thông thường, hoặc là thực hành mang tính tượng trưng có sự đồng thuận của cả người con trai và con gái. Cũng có trường hợp người phụ nữ ý kiến rằng mình không thích bị kéo, và bày tỏ nên có sự thay đổi. Sự thay đổi này, theo nhiều nhà nghiên cứu, nếu có, phải đến từ thảo luận của những người trong cuộc, chứ không phải điều mà người ngoài cộng đồng có thể quyết định thay.

Ảnh: lyluanchinhtri.vn
Nhiều dự án về bình đẳng giới cũng như các lĩnh vực khác đang được triển khai ở các cộng đồng dân tộc thiểu số. Dưới góc nhìn người ngoài cuộc hiểu sai về thực hành văn hóa tộc người dẫn đến việc triển khai các dự án mang tính áp đặt, hoặc sai sót trong quá trình truyền thông, vô tình tạo thêm định kiến giới đối với cộng đồng dân tộc thiểu số.
Anh Sohaniim, thành viên nhóm Tiên Phong dân tộc Chăm - Ninh Thuận phân tich: chẳng hạn khi làm dự án hỗ trợ bình nước cho người Mông, nhưng truyền thông tập trung vào hình ảnh phụ nữ cõng bình nước, đưa đến mọi người là hình ảnh phụ nữ Mông giỏi giang, chịu khó, đàn ông Mông chỉ biết uống rượu... Do đó, làm dự án về các dân tộc thiểu số cần không để cộng đồng hiểu sai về văn hóa, thậm chí tạo định kiến mới.
Bình đẳng không có nghĩa cào bằng
Rất dễ dàng để nhìn vào một thực hành văn hóa khác với những gì chúng ta quen thuộc và cho rằng nó lạc hậu, để rồi qua đó, hình thành một định kiến bao quát rằng cả cộng đồng tộc người là những nhóm người có suy nghĩ kém văn minh, thiếu kiến thức về các vấn đề của xã hội, đặc biệt là vấn đề về giới.
Theo chị Trương Thị Thủy - dân tộc Mường (Bá Thước, Thanh Hóa). “từ xưa tới nay, phân chia công việc nặng nhọc là người nam gánh vác, còn chăm sóc việc nhà thuộc trách nhiệm của phụ nữ. Phụ nữ làm việc nhỏ và phải dành nhiều thời gian cho gia đình hơn. Tuy nhiên, khi nghe tuyên truyền trong những cuộc họp, mọi người nói đến bình đẳng giới, tôi chưa hiểu rõ lắm, là phải cân bằng hay cào bằng? Ở địa phương, mọi người nói nam - nữ phải được làm công việc như nhau. Tuy nhiên, điều này thực tế lại thêm gánh nặng cho phụ nữ. Vì làm việc ngoài xã hội như nhau, nam giới chỉ giúp một phần nhỏ việc nhà, trong khi phụ nữ phải làm thiên chức của người mẹ, chăm sóc con cái nhiều hơn”.

Ảnh: baohagiang.vn
Xã hội luôn có sự phân chia vai trò, trong văn hóa tộc người cũng vậy. Nhiều ý kiến cho rằng, không thể yêu cầu phụ nữ cũng phải làm việc nặng thay cho đàn ông, rồi đàn ông làm việc của phụ nữ. Bình đẳng giới không phải là cào bằng, mà là sự thấu hiểu khó khăn từ các phía, và sự sẵn sàng thay đổi, điều chỉnh lẫn nhau. Chẳng hạn, trong cộng đồng dân tộc Thái, đàn ông thường làm việc yêu cầu sức lực, trong khi phụ nữ làm việc nhẹ nhưng thường tốn nhiều thời gian hơn. Và vì những việc nặng tốn ít thời gian, nên người đàn ông sẽ đảm nhận cả phần nấu ăn. Hầu hết, đàn ông Thái sẽ là người nấu ăn chính...
Anh Inra Jaka, người Chăm - Ninh Thuận chia sẻ: Nhiều phụ nữ Chăm hiện nay thắc mắc tại sao nữ không được đánh trống, có sự bất bình đẳng ở đây không? Nhưng điều này ngoài quan niệm về tâm linh, còn xuất phát từ nguyên nhân thể chất. Người nào đã đánh trống phải tập cho thành thạo. Ngày xưa, muốn tập đánh trống phải đi cùng thầy vào rừng tập, nhiều khi đi 5 - 7 ngày, vác trống rất nặng. Điều này không phù hợp với nữ. Thực tế, trong xã hội hiện đại, phụ nữ Chăm đã bắt đầu có người tập đánh trống, nhưng không phải phục vụ cho lễ tục với yêu cầu cao. Điều đó cho thấy đồng bào cũng đã đặt ra vấn đề thay đổi và có cách giải quyết của riêng mình...
Văn hóa được hình thành và phát triển bởi những ý niệm của cộng đồng thông qua quá trình tri nhận bởi những trải nghiệm về đời sống. Bởi vậy, khi xây dựng các chính sách về bình đẳng giới, cũng như truyền thông cho các dự án, cần cẩn trọng, lắng nghe tiếng nói của tộc người, hiểu nền văn hóa của họ, từ đó có cách tiếp cận đúng đắn, để những câu chuyện về bình đẳng giới không mâu thuẫn với ý niệm văn hóa tộc người.