Chuyện kể về nơi giúp Người yên giấc ngàn thu

Diễm Hằng 28/02/2023 07:03

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là nơi từng 3 lần đón và gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Ký ức lịch sử vẻ vang đó cùng với nhiều câu chuyện cảm động trong những năm tháng cuối đời của Người được các thế hệ y, bác sĩ của bệnh viện mãi ghi lòng tạc dạ, trở thành động lực to lớn để họ vững tâm cống hiến vì đất nước, vì sức khỏe của Nhân dân.

Hồi ký của vị “Tổ trưởng Tổ y tế đặc biệt”

Trong những ngày cuối tháng 2 - tháng tri ân các y, bác sĩ, thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi có dịp trò chuyện với GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Mai Hồng Bàng (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Qua lời kể của ông chúng tôi được biết, Bệnh viện Trung ương Quân đội được thành lập ngày 1.4.1951 trong những ngày bom đạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với tên gọi đầu tiên là Bệnh viện Trung ương Yên Trạch. Trong những năm tháng cách mạng gian khổ của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, bệnh viện có nhiệm vụ tiếp nhận điều trị cho các thương bệnh binh từ các mặt trận chuyển về. Bên cạnh đó, nhiều đoàn cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện tham gia chi viện, phục vụ tại các chiến trường. Đặc biệt, khi Bác ra đi, chính Viện Quân y 108 tiếp tục được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đặc biệt là tham gia bảo quản, gìn giữ lâu dài thi hài của Bác.

Nhắc đến những kỷ niệm về Bác, Trung tướng Mai Hồng Bàng xúc động chia sẻ, được chăm sóc sức khỏe cho Bác từ những năm còn làm việc cho đến khi Bác yếu mệt đó là niềm vinh dự và trọng trách lớn lao của bệnh viện. Đặc biệt hơn, PGS.TS. Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Gia Quyền (1923 - 1998) - nguyên Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý, Viện Quân y 108 lúc bấy giờ là một trong những người đảm nhiệm vị trí trọng yếu của Tổ y tế đặc biệt thực hiện nhiệm vụ gìn giữ thi hài Bác Hồ ngay từ những ngày đầu tiên do Bộ Chính trị giao phó.

Lật giở những trang hồi ký của cố Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Gia Quyền, Trung tướng Mai Hồng Bàng chia sẻ với chúng tôi, năm 1967 khi sức khỏe của Bác có dấu hiệu giảm sút nghiêm trọng, bác sĩ Quyền cùng với bác sĩ Lê Ngọc Mẫn - Chủ nhiệm Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Lê Điều - Chủ nhiệm Khoa Ngoại, Bệnh viện Việt - Xô là 3 cán bộ y tế xuất sắc được Trung ương tin tưởng cử sang Viện Lăng Lênin ở Liên Xô (Liên bang Nga) học tập kỹ thuật ướp bảo quản thi hài. Trong hồi ký để lại, bác sĩ Quyền viết: “Nhiều hôm chúng tôi phải làm việc suốt ngày trong phòng kín, không khí ngột ngạt, khó thở bởi mùi hóa chất xông lên nồng nặc, nhưng điều chúng tôi lo lắng nhất là có điều chẳng lành xảy ra với Bác trong khi chúng tôi chưa nắm hết kỹ thuật. Cho đến ngày cuối cùng, lúc đã ngồi trên con tàu liên vận trở về Tổ quốc, nghe đài phát thanh Hà Nội báo tin chiến thắng, gặp lại các đồng chí ra đón chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì đã không về muộn và Bác của chúng ta vẫn mạnh khỏe”.

Thế nhưng, dù không muốn nhưng không ai có thể tránh được quy luật của cuộc sống: Bác mất!!! Ngay sau đó, bác sĩ Quyền cùng các chuyên gia bắt tay ngay vào các công việc cần thiết bảo quản các mô, tế bào để lưu giữ thi hài Bác. Dù là một bác sĩ thường xuyên tiếp xúc với các thi thể nhưng lúc thực hiện các thao tác kỹ thuật trên thi thể của Bác, bác sĩ Quyền không cầm nổi nước mắt. Bảo quản thi hài xong phải cất giữ ở nơi an toàn vì Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thời điểm đó chưa xây xong và máy bay Mỹ còn đang bắn phá. Đây là thời kỳ khó khăn nhất!

Trung tướng Mai Hồng Bàng giọng xúc động đọc cho chúng tôi nghe đoạn hồi ký của bác sĩ Quyền: “Lúc 10h45’, chúng tôi đưa thi hài Bác về Viện Quân y 108. Lúc 12h45’, công việc bảo quản bắt đầu. Sau đó, đưa Người lên nhà Quốc hội để toàn dân và bạn bè đến viếng rồi lại chuyển về Viện và cuối cùng đưa thi hài Bác tới địa điểm tập kết đã được chuẩn bị từ trước mang bí danh K84. Suốt thời gian đó, lúc nào tôi cũng ở đơn vị không về nhà riêng mặc dù chỉ cách nhà có vài trăm mét”.

Theo lời kể của Trung tướng Mai Hồng Bàng, Từ năm 1969, bác sĩ Quyền được giao là Đoàn trưởng Đoàn 69, giữ gìn thi hài Bác ở K84 (nay là K9). Trong những năm tháng đó, do ảnh hưởng của chiến tranh cũng như môi trường không bảo đảm, thi hài của Bác đã 6 lần phải di chuyển. Mỗi lần đó, bác sĩ Quyền đều cũng túc trực bên cạnh. Trong xe, xung quanh chất đầy đá lạnh nên thiếu không khí, chuyên gia Nga có lần lên ngồi, vừa đi một lúc đã phải xuống không chịu được vì quá lạnh và ngột ngạt. Có lần, sau khi làm nhiệm vụ, bác sĩ Quyền bị mất tiếng, phải nửa ngày sau ông mới nói lại được.

Nói đến đây, đôi mắt của Trung tướng Mai Hồng Bàng ánh lên niềm tự hào: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã có 3 lần được đón thi hài của Bác về bảo vệ và chăm sóc. Từ 2.9.1969 - 5.9.1969, thi hài Bác được chuyển về Viện Quân y 108. Tổ y tế đặc biệt và các chuyên gia Liên Xô đã tập trung tiến hành từng thao tác kỹ thuật thận trọng, tỉ mỉ, chính xác để giữ nguyên những nét trên khuôn mặt, đôi tay, làn da, râu tóc của Bác đúng như lúc sinh thời. Từ 9.9.1969 đến 23.12.1969, sau lễ truy điệu, thi hài Bác được đưa về công trình 75A (ở ngay sau Nhà tang lễ Quân y viện 108) để chuẩn bị cho việc gìn giữ lâu dài. Từ 4.12.1970 đến 19.8.1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định di chuyển thi hài Bác về công trình 75A ở Hà Nội để bảo đảm an toàn. Vào mùa thu năm 1971, miền Bắc xảy ra những trận mưa lớn, Hà Nội có nguy cơ ngập lụt nên thi hài Bác được di chuyển từ công trình 75A lên K84.

Viết tiếp trang lịch sử vẻ vang

Đến thời điểm 20h ngày 18.7.1975, sau 6 năm với 6 lần di chuyển, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã được đưa về Quảng trường Ba Đình. Năm 1981, bác sĩ Quyền được bổ nhiệm là Phó Tư Lệnh, Bộ Tư lệnh Lăng. Sau đó, ông đã xây dựng một viện nghiên cứu với tên gọi là Viện 69, mục đích là để Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được khoa học kỹ thuật giữ gìn lâu dài thi hài Bác.

Có thể khẳng định, “nhiệm vụ đặc biệt” gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh một chủ trương đúng đắn, thể hiện lòng Dân ý Đảng, với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn và tình cảm, lòng kính yêu vô hạn của các thế hệ người dân Việt Nam đối với Bác. Nhiệm vụ này được thực hiện thành công có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ y tế Viện Quân y 108 lúc bấy giờ.

Những câu chuyện lịch sử và ký ức về Bác ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục được Trung tướng Mai Hồng Bàng kể trong lúc dẫn chúng tôi tới khu vực Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà tưởng niệm được xây dựng tại một vị trí rất trang nghiêm và yên tĩnh trong khuôn viên bệnh viện, dưới những tán tre yên bình. Bước qua cánh cửa thép dày 20cm, có lẽ bất kỳ ai cũng cảm thấy một cảm giác thiêng liêng, giống như Người vẫn luôn hiện hữu nơi đây. Trung tướng Mai Hồng Bàng chia sẻ: “Ba nơi chính thức gìn giữ thi hài Bác đó là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, K9 (K84) và Lăng Bác (Ba Đình, Hà Nội). Vì vậy, khu vực nhà tưởng niệm của bệnh viện được coi là một nơi để thờ Người. Với mong muốn bảo vệ và giữ nguyên những chứng tích lịch sử nên bệnh viện đã quyết định xây thêm một lớp bao trùm lên ngôi nhà cũ. Cánh cửa thép dày 20cm để chống bom đạn thời chiến tranh vẫn giữ nguyên”.

Hiện nay, mỗi năm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám trung bình trên 1 triệu bệnh nhân, khám cấp cứu trên 65.000 bệnh nhân, thu dung điều trị gần 90.000 bệnh nhân, phẫu thuật gần 40.000 bệnh nhân, thực hiện trên 25 triệu xét nghiệm. Bệnh viện đã cứu chữa, điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng hiểm nghèo, bệnh nan y phức tạp lập nên những kỳ tích cho nền y học nước nhà.

Đã trở thành truyền thống, vào đêm giao thừa hàng năm, sau khi thăm chúc Tết các bệnh nhân, Ban Giám đốc, trưởng các bộ phận, các y bác sĩ trong bệnh viện sẽ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo cáo những công việc mà bệnh viện đã làm được trong năm vừa qua và nhiệm vụ trong năm mới. “Khoảnh khắc các y bác sĩ mặc quân phục, xếp hàng ngay ngắn hô 'nghiêm' và dâng hương trước ngôi nhà tưởng niệm Bác là một điều vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa. Mọi công việc, kế hoạch lớn của bệnh viện chúng tôi đều báo công với Bác. Việc làm này không chỉ tạo niềm tin, động lực cho các y bác sĩ, cán bộ của bệnh viện, mà còn giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn tới các thế hệ kế cận, để các y bác sĩ tiếp tục nỗ lực xây dựng bệnh viện phát triền bền vững, vì sức khỏe của Nhân dân” - Trung tướng Mai Hồng Bàng khẳng định.  

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng những câu chuyện lịch sử vô cùng đắt giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm làm nghề của các y bác sĩ gắn liền với tên tuổi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khiến tôi càng thêm trân trọng hình ảnh của những “chiến sĩ áo trắng”. Dù trong quá khứ hay ở hiện tại, họ vẫn luôn có vai trò to lớn trong nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, đóp góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Diễm Hằng