Hội chữ Xuân Quý Mão 2023: Gìn giữ truyền thống, lan tỏa đạo hiếu người Việt
Với niềm đam mê thư pháp, nhiều ông đồ trẻ, trong đó có cả “ông đồ ngoại”, dịp này khăn xếp, áo the xuống phố góp phần gìn giữ truyền thống cho chữ của người Việt ngày Xuân.
Mỗi con chữ là một niềm vui

Jean Sebastien Grill (nghệ danh Trường Giang), ông đồ đến từ Pháp vừa nắn nót từng nét chữ, vừa chia sẻ, từ bé viết chữ đã là điều gì đó rất quan trọng đối với anh vì các chữ viết ra khó kiểm soát, cứ “tùm lum tùm la”. Lớn lên, anh học mỹ thuật và chú ý đến thư pháp.
“7 năm trước, tôi học thư pháp từ chữ Hàn Quốc, sau đó thật may mắn tôi được gặp một thầy giáo dạy thư pháp tại Việt Nam. Sẵn tình yêu với nghệ thuật truyền thống Việt Nam, yêu đất nước Việt Nam, tôi học và thấm dần đam mê thư pháp Quốc ngữ. Khi học thư pháp, tôi thấy tinh thần mình vững hơn, kiên nhẫn hơn trong công việc. Đặc biệt, được ăn Tết cổ truyền Việt Nam, lại tham gia và cho chữ tại Hội chữ Xuân Quý Mão, tôi rất vui và vinh dự, cũng thấy lo lắng, hồi hộp chờ xem người Việt Nam thích hay không thích chữ mình viết ra”, Jean Sebastien Grill nói.
Với nhiều ông đồ tại Lễ Khai mạc Hội chữ Xuân Quý Mão sáng 15.1, niềm vui lớn nhất là sau hai năm tạm dừng hoạt động, họ lại có dịp đóng khăn xếp, áo the, sắm sửa mực tàu giấy đỏ tập trung tại khu vực hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám viết chữ, cho chữ.

Các ông đồ thường nhìn vào mỗi người rồi cho chữ. Các cụ già thường được cho chữ thọ; người kinh doanh được cho chữ lộc; học sinh cho chữ trí, tài, đức; các cháu nhỏ cho chữ lễ; nhiều người lại được cho chữ nghĩa, cát tường, bình an… “Mỗi con chữ là một niềm vui. Chúng tôi mừng tuổi mọi người bằng các nét chữ với tất cả tấm lòng”, ông đồ Nguyễn Văn Hải cho biết.
Tri ân người thầy
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, Hội chữ Xuân năm nay Quý Mão 2023 được tổ chức sau hai năm đại dịch Covid-19 phải tạm dừng hoạt động, dự án phục dựng Phương đình và tôn tạo Gò Kim Châu hoàn thành, tạo nên diện mạo mới của không gian hồ Văn. Thực hiện chủ trương của Thành phố Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa và hưởng ứng tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 đã được chuẩn bị chu đáo nhằm tạo ra một sân chơi lành mạnh để 50 người viết thư pháp Hán - Nôm và Quốc ngữ sáng tạo, mang đến cho công chúng những bức thư pháp đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành.
Với chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm”, Hội chữ Xuân năm nay mang ý nghĩa tôn vinh đạo của người thầy, tri ân thế hệ những người thầy mẫu mực của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử, truyền thông điệp tới các bạn trẻ biết quý trọng giá trị truyền thống, đạo hiếu tốt đẹp của cha ông, trong đó có tôn sư trọng đạo.

Trực tiếp biểu diễn viết chữ “Sư đạo tôn nghiêm” tại sự kiện, ông đồ Trường Thịnh bày tỏ mong muốn nhắc nhở thế hệ trẻ về sự tôn trọng, kính yêu những người thầy, người cô đã truyền dạy kiến thức, giúp cuộc sống mỗi người thêm ý nghĩa.
Còn tác giả Nam Long thì muốn truyền tải thông điệp tới các bạn trẻ phải phấn đấu, học hỏi hơn nữa, kính trọng người thầy để thêm tiến bộ trong học thuật. Thư pháp vừa là bộ môn nghệ thuật nhưng cũng đòi hỏi sự rèn luyện công phu, bài bản. "Chính vì vậy, trong việc học nói chung, cần tôn kính các bậc thầy, bậc tiền nhân trong trau dồi, phát triển việc học”.
Tại Hội chữ Xuân Quý Mão còn có sự góp mặt của nhiều làng nghề thủ công truyền thống (giấy dó, tơ lụa, sơn mài, gốm sứ…) cùng nhiều trò chơi dân gian; chương trình biểu diễn hát nghệ thuật truyền thống và lễ hội thả đèn Hoa Chữ tại hồ Văn.
Đặc biệt, du khách còn được chiêm ngưỡng triển lãm thư pháp gồm 40 tác phẩm đẹp sáng tác theo chủ đề “Sư đạo tôn nghiêm” nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, khích lệ tinh thần học tập, vươn lên của thế hệ trẻ và góp phần từng bước nâng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về nghệ thuật thư pháp của người viết chữ cũng như công chúng Thủ đô.