Kỳ vọng sức bật lớn!
Theo Sở Du lịch Hà Nội, với chính sách mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch, bao gồm du lịch quốc tế và nội địa, uớc cả năm 2022, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt, tăng gấp 1,87 lần so với kế hoạch và 4,7 lần so với năm 2021, bằng 64,7% lượng khách năm 2019.
Du lịch nội địa khởi sắc sau mở cửa
Trong đó, khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng gấp 2,15 lần so với kế hoạch, bằng 78,5% lượng khách du lịch nội địa năm 2019; khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,68 lần so với kế hoạch và 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019.

Về hoạt động lưu trú, Hà Nội hiện có 3.650 cơ sở lưu trú du lịch với 65.400 phòng. Năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 41,2%, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, thành phố Hà Nội đặt chỉ tiêu đón 9-10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế. Kết quả của cả năm cho thấy, với khách du lịch nội địa, Hà Nội đã vượt xa chỉ tiêu đề ra. Còn với khách quốc tế tuy còn gặp khó khăn nhưng du lịch Thủ đô cũng đã đạt được mốc của kế hoạch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021 và bằng 57,8% tổng thu từ khách du lịch năm 2019.
Sở Du lịch Hà Nội đã nỗ lực nhằm phục hồi sau khi được mở cửa với nhiều hoạt động trong năm 2022 như: Tổ chức triển khai hơn 28 lớp tập huấn với hơn 2.000 người tham gia nhằm tăng cường, nâng cao năng lực quản lý du lịch trên địa bàn thành phố; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực du lịch; các lớp ứng xử văn minh và du lịch cộng đồng tại các điểm du lịch trọng điểm của các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Thường Tín, Đông Anh, Sóc Sơn... Cùng với đó, Sở Du lịch đã phối hợp với Tổng cục Du lịch thường xuyên tuyên truyền nhãn xanh ASEAN cho các cơ sở lưu trú và nhãn du lịch bền vững ASEAN cho các công ty lữ hành; triển khai hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch.
Đa dạng các sản phẩm du lịch hấp dẫn
Theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố hiện có 28 khu, điểm du lịch được công nhận đạt chuẩn cấp thành phố. Đáng chú ý, nhiều điểm đã xây dựng những sản phẩm riêng, có sức hút với du khách, như: Sản phẩm tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, di sản Hoàng thành Thăng Long; sản phẩm du lịch nông nghiệp tại làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), khu sinh thái Đan Phượng (huyện Đan Phượng); du lịch nghỉ dưỡng tại khu du lịch Ao Vua (huyện Ba Vì), điểm du lịch sinh thái Hoàng Long (huyện Thạch Thất); du lịch làng nghề tại điểm du lịch làng nghề khảm trai - sơn mài Chuyên Mỹ, làng nghề may Vân Từ (huyện Phú Xuyên); làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín)…
Hà Nội đã vinh dự được Tổ chức Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) bình chọn là: “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022” (Worlds Leading City Break Destination 2022). Chuyên trang du lịch TripAdvisor đã xếp thành phố Hà Nội đứng thứ 13 trong danh sách Top 25 điểm đến được yêu thích nhất châu Á 2022; đứng thứ 22 trong danh sách Top 25 điểm đến cho người mê ẩm thực; xếp hạng phố cổ Hà Nội lọt Top những điểm du lịch hàng đầu khu vực châu Á năm 2022 với vị trí thứ 12.
Đón năm mới 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, nhiều khu, điểm du lịch đã chuẩn bị sản phẩm du lịch mới, nâng cấp dịch vụ để đón khách tốt hơn. Tháng 1.2023, khu di sản Hoàng thành Thăng Long ra mắt tour đêm phục vụ khách nước ngoài với tên gọi “Đêm hoàng cung Thăng Long” với nhiều đổi mới phù hợp với khách quốc tế. Làng sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín) cũng chuẩn bị nhiều mô hình hợp tác xã hoa tươi, giới thiệu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) để phục vụ du khách đến trải nghiệm. Làng nghề lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín) đã tập huấn cho các gia đình kỹ năng giới thiệu, trưng bày sản phẩm, hướng tới việc mở rộng sản phẩm lược sừng tại nhiều điểm du lịch trên địa bàn. Tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” ra mắt vào trung tuần tháng 12.2022 tại Bảo tàng Văn học Việt Nam mang đến cho du khách một không gian cảm xúc về những tác giả văn học nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có nhiều cây “đại thụ” văn học, từ văn học cổ trung đại tới hiện đại.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, việc hình thành các sản phẩm du lịch mới cùng với sự nâng cấp chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch sẽ tạo dấu ấn cho du lịch Thủ đô ngay từ đầu năm 2023. Cùng với đó, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục hướng dẫn các địa phương làm hồ sơ xét duyệt các khu, điểm du lịch đạt chuẩn. Bên cạnh đó, khuyến khích các địa phương xây dựng sản phẩm “độc, lạ” có tính đặc thù, phù hợp với điều kiện và địa hình từng địa phương.