Đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn

Ninh Hà 08/01/2023 06:10

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra là dự kiến thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) - lẽ ra đã được thông qua tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua.

Lý do chưa xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế nhưng vẫn bảo đảm thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024 như dự kiến của Quốc hội và Chính phủ...

Được đánh giá là một luật tương đối khó, phức tạp, có nhiều vấn đề lớn, quan trọng, có chuyên môn sâu của ngành y tế, đồng thời liên quan đến nhiều ngành khác. Đặc biệt, những nội dung thay đổi trong dự án Luật sẽ có tác động trực tiếp đến nhiều cán bộ y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và hàng triệu người dân nên sự thận trọng này là cần thiết.

Cũng bởi vậy mà sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh trình tại Kỳ họp bất thường này đã được điều chỉnh tăng 3 chương và 30 điều so với dự thảo dự án Luật cũ. Dù vậy, khi thảo luận vào chiều ngày 6.1 vừa qua, có ý kiến cho rằng, có thể do thời gian ngắn (từ Kỳ họp thứ Tư đến Kỳ họp bất thường này chỉ cách nhau khoảng 1 tháng) nên “lượng” chưa đủ để chuyển thành “chất”. Nhiều chính sách đã được sửa đổi, bổ sung mới nhưng chưa có hồ sơ đánh giá tác động, chưa thực hiện đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, dù dự án Luật liên quan đến nhiều luật khác nhưng chưa rõ tính tương thích, đồng bộ. Một số chính sách đối với cơ sở, nhân viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người bệnh chưa phù hợp và chưa tháo gỡ khó khăn. Các điều khoản về tài chính chưa tách khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và khám bệnh, chữa bệnh bình thường để xác định nguồn thu, chi, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Quy định tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhất là tự chủ về tài chính chưa rõ ràng. Mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cũng như cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ… chưa được xử lý thỏa đáng.

Vậy nên, cho dù khi phát biểu ở cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nêu các lý do mong muốn Quốc hội thông qua Luật tại Kỳ họp bất thường này, đồng thời nhấn mạnh rằng với quan điểm, mục tiêu là "lấy người bệnh làm trung tâm" và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của người dân; đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế, cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra tích cực tiếp thu đầy đủ trên tinh thần cầu thị ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật đạt chất lượng cao nhất. Rằng về lâu dài, chúng tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ có một luật liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập để giải quyết căn cơ, triệt để các vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan đến các đơn vị sự nghiệp công lập - nên đòi hỏi cần có sự thận trọng là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng cũng như "tuổi thọ" của luật.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh có vai trò đặc biệt quan trọng bởi liên quan đến vốn quý nhất của con người là sức khỏe. Nên những vấn đề mới hoặc còn có ý kiến khác nhau như kiểm soát chất lượng người hành nghề; hội đồng y khoa quốc gia; giấy phép hành nghề, thời hạn giấy phép hành nghề; vấn đề tự chủ; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chắc chắn phải được giải quyết thấu đáo trước khi thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Ninh Hà