Dinh dưỡng trong khám chữa bệnh bao gồm chỉ định điều trị và can thiệp điều trị

Hoàng Ngọc 06/01/2023 18:44

Phát biểu tại Hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều nay, 6.1, ĐBQH TRẦN KHÁNH THU (Thái Bình) lưu ý, quy định tại Điều 67, dự thảo Luật còn chưa thống nhất. Theo đó, ngay tại Khoản 2, điều này đã loại bỏ chỉ định điều trị và can thiệp dinh dưỡng. Trong khi đó, can thiệp dinh dưỡng đã và đang được thực hiện, là liệu pháp điều trị được thực hiện bởi các chuyên gia dinh dưỡng. Hoạt động điều trị dinh dưỡng trong bệnh viện là hoạt động ngăn ngừa làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng bệnh viện để giảm tỷ lệ biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong, giảm ngày điều trị và giảm chi phí điều trị cho người bệnh chứ không chờ người bệnh suy dinh dưỡng mới điều trị.

 Loại bỏ chỉ định điều trị, can thiệp dinh dưỡng?

Theo ĐB Trần Khánh Thu, Điều 67, dự thảo Luật đang còn mâu thuẫn, thiếu thống nhất. Cụ thể, ngay tại Khoản 1 quy định: Dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh là hoạt động dinh dưỡng lâm sàng. Nhưng tại Khoản 2, Điều này lại quy định: Nội dung của hoạt động dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Khám, đánh giá, phân loại mức độ suy dinh dưỡng, tư vấn, hướng dẫn dinh dưỡng và theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh…” Không bao gồm hoạt động “chỉ định điều trị hay can thiệp điều trị”.

Dinh dưỡng trong khám chữa bệnh bao gồm chỉ định điều trị và can thiệp điều trị -0
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu

Trong khi đó, theo hướng dẫn của Hội đồng Dinh dưỡng lâm sàng và chuyển hóa Châu Âu ESPEN thì dinh dưỡng lâm sàng là tổng hợp các hoạt động khám, đánh giá, chẩn đoán, chỉ định điều trị, can thiệp điều trị, theo dõi, tiên lượng về dinh dưỡng trên 1 người bệnh và đã được biên soạn thành guideline áp dụng ở các bệnh viện từ trên 20 năm nay.

Tại nước ta, khi chưa có Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì hoạt động dinh dưỡng lâm sàng (trong đó chỉ định chế độ ăn cho người bệnh) đã được quy định tại quy chế hoạt động khoa Dinh dưỡng Bệnh viện trong mục 28 phần 5 Quy chế Bệnh viện do Bộ Y tế ban hành năm 1997. Và gần đây nhất Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 18/2020 có hiệu lực từ 1.1.2021 thay thế Thông tư 08 quy định về Hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện bao gồm: “Sàng lọc yếu tố nguy cơ dinh dưỡng, tư vấn, chỉ định chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ngoại trú...; Khám, chẩn đoán, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chỉ định điều trị và theo dõi tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh nội trú”.

Như vậy, nếu theo Khoản 1 của dự thảo Luật quy định thì được hiểu đầy đủ như trong Thông tư của Bộ Y tế đã hướng dẫn, nhưng tại khoản 2 lại loại bỏ hoạt động chỉ định điều trị dinh dưỡng, can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh.

Can thiệp dinh dưỡng đã và đang được thực hiện và là liệu pháp điều trị

Đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh, suy dinh dưỡng trong cộng đồng đã ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe thể chất của người Việt Nam, nhưng suy dinh dưỡng trong bệnh viện còn đáng báo động hơn rất nhiều. Theo nghiên cứu từ các bệnh viện trong nước, suy dinh dưỡng bệnh nhân trong bệnh viện chiếm từ 40 - 50% (gặp cả ở người trưởng thành và trẻ em); nên việc điều trị suy dinh dưỡng không chỉ thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất, vi chất, vitamin, acid amin, potein, lipid, glucid… mà người bệnh thiếu hụt. Trong thực tế, có những người bệnh không bị suy dinh dưỡng, không bị thiếu hụt các chất mà vẫn rất cần chế độ dinh dưỡng phù hợp bệnh lý.

Đại biểu Trần Khánh Thu dẫn chứng, một bệnh nhân trẻ, nghề nghiệp công nhân, được chẩn đoán loét bỏng thực quản do uống nhầm thuốc tẩy rửa. Người bệnh được mở thông dạ dày ra để nuôi ăn qua ống thông. Bệnh nhân này đang khỏe mạnh, thể trạng rất tốt, không bị suy dinh dưỡng. Bác sĩ điều trị/ bác sỹ dinh dưỡng vẫn phải chỉ định dinh dưỡng qua ống thông dạ dày bằng chế độ ăn lỏng xay nhuyễn, được tính toán giá trị dinh dưỡng (calo, protid, lipid, glucid… từ thực phẩm) để đáp ứng với bệnh lý nặng và ngăn ngừa suy dinh dưỡng, giúp người bệnh được nuôi dưỡng đầy đủ, sớm hồi phục.

Hay đặc biệt ở những người bệnh bị nhiễm độc và nhiễm khuẩn thở máy nằm ở các trung tâm ICU không có người nhà chăm sóc, nếu chỉ dừng ở tư vấn và hướng dẫn thì không đủ cơ sở, căn cứ pháp lý cho cán bộ y tế làm nhiệm vụ (Tình huống xảy ra: Người hành nghề vẫn chỉ định nuôi dưỡng người bệnh trong khi Luật không cho phép, khi có xảy ra sự cố không mong muốn với người bệnh thì việc xác định nguyên nhân và xử lý theo đúng Luật, đúng quy định sẽ như thế nào cho người hành nghề?) Điều này có phù hợp với quy định tại Điều 45 về nghĩa vụ của người hành nghề là chịu trách nhiệm về việc khám bệnh, chữa bệnh của mình; khi việc chỉ tư vấn và hướng dẫn người bệnh có thực hiện hay không người hành nghề không thể kiểm soát được được?

Nhấn mạnh, dinh dưỡng lâm sàng thực sự là một ngành khoa học có tác dụng trực tiếp tới nhiều căn bệnh có nguyên nhân. Can thiệp dinh dưỡng đã và đang được thực hiện, là liệu pháp điều trị thực hiện bởi các chuyên gia dinh dưỡng được đào tạo. Hoạt động điều trị dinh dưỡng trong bệnh viện là hoạt động ngăn ngừa làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng bệnh viện để giảm tỷ lệ biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong, giảm ngày điều trị và giảm chi phí điều trị cho người bệnh chứ không chờ người bệnh suy dinh dưỡng mới điều trị. Chính vì vậy, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị chỉnh lý Điểm a, Khoản 2 Điều 67 như sau: Khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, phân loại mức độ suy dinh dưỡng, tư vấn, chỉ định chế độ dinh dưỡng điều trị phù hợp bệnh lý, tình trạng dinh dưỡng, tiêu hóa và hấp thu, theo dõi tình trạng dinh dưỡng của người bệnh nội trú trong quá trình điều trị.

Hoàng Ngọc