Ký ức về những ngày đấu trí căng thẳng
Cuộc đàm phán Hiệp định Paris là dấu son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, lịch sử nền ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Riêng với những người trực tiếp tham gia vào thành công của Hiệp định, đó là những ngày tháng luôn in đậm trong ký ức.
“Khoảng thời gian đấu trí vô cùng căng thẳng”
Sau thất bại Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ buộc phải ngừng ném bom từ Ninh Bình trở ra phía Bắc và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam, đọ sức trên mặt trận ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”. Nhớ lại những ngày tháng đấu trí cam go, quyết liệt ấy, nhà ngoại giao Phạm Ngạc, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao, thấy mình may mắn khi lúc đó là một trong những người trẻ nhất đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi phục vụ tại Hội nghị Paris, làm nhiệm vụ phiên dịch tiếng Anh và ghi biên bản các cuộc họp kín và công khai trong 5 năm đàm phán và ký kết Hiệp định.

Nhà ngoại giao Phạm Ngạc kể lại, bấy giờ căng thẳng ngay từ việc hai bên cùng đưa ra địa điểm để lựa chọn cho cuộc thương lượng. Trái với đề xuất của Mỹ chọn một thủ đô ở Đông Nam Á, thì Việt Nam lại chọn Paris, nơi không những xa mà còn là một trong những thủ đô đắt đỏ nhất thế giới. “Ta đồng ý đàm phán ở Paris có ý nghĩa khác. Ngay lúc đó chính Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã lên án Mỹ trong chính sách tại Việt Nam. Ngoài ra, Pháp là nơi có lực lượng Đảng Cộng sản rất mạnh, Việt kiều rất đông và cũng là nơi Cụ Hồ khởi sự ra cuộc đấu tranh quốc tế”.
Theo ông Phạm Ngạc, thời gian đàm phán là khoảng thời gian đấu trí vô cùng căng thẳng. Sự không cân sức trong ngoại giao thể hiện rất rõ. Việt Nam không có kinh nghiệm ngoại giao, chưa có chuyên gia luật pháp quốc tế, trong khi Mỹ rất thành thạo việc này. “Phía Mỹ có những nhà ngoại giao rất giỏi như Henry Kissinger, cùng với một bộ máy hậu thuẫn hùng hậu. Ngay việc thông tin trong nước cũng rất nhanh, họ có thể đàm phán nửa chừng, ra ô tô là liên lạc về nước được. Trong khi chúng ta dùng điện đài đánh móc, mã hóa gửi về. Muốn về nước xin chỉ thị thêm thì đồng chí Lê Đức Thọ phải mất 3 ngày từ Paris bay qua Moscow rồi mới về Việt Nam. Nhưng khi đó, Việt Nam có đồng chí Trần Quang Cơ, người tham gia rất nhiều cuộc đàm phán và nhớ toàn bộ các điều khoản, hay đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, người nhớ từng câu trong Hiệp định. Và rõ ràng, đường lối, chiến lược đấu tranh đúng đắn đã giúp chúng ta giành thắng lợi”.
Bảo vệ thành quả
Sau gần 5 năm với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng trăm cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, ngày 27.1.1973, Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa các bên. Tuy nhiên, Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu luôn tìm cách phá hoại tiến trình thực hiện Hiệp định. Công tác đấu tranh bảo đảm thi hành những điều kiện quân sự của Hiệp định Paris, hỗ trợ hoạt động quân sự của quân giải phóng trên các chiến trường cho đến ngày 30.4.1975 gắn liền với cái tên Ban Liên hợp quân sự trại Davis.
Đại tá Đào Chí Công, người lính từ mặt trận Quảng Trị được lệnh tham gia Ban Liên hợp quân sự với vai trò sĩ quan liên lạc, phụ trách đối ngoại, kể về thời kỳ hoạt động ở trại Davis. Trại Davis là trụ sở của Ban Liên hợp quân sự 4 bên, sau là trụ sở Ban Liên hợp quân sự 2 bên, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa từ 28.1.1973 - 30.4.1975. Đây nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía tây nam sân bay Tân Sơn Nhất đặt theo tên của một quân nhân Mỹ tử trận. Trong bối cảnh Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tìm cách phá hoại tiến trình thực hiện Hiệp định, tại trại Davis, 2 phái đoàn ta dựa trên các điều khoản đã được ký kết của Hiệp định để đấu tranh giành thắng lợi trên lĩnh vực ngoại giao pháp lý quân sự và trận địa dư luận, đồng thời biến trại thành “trận địa tiền tiêu” ngay giữa Sài Gòn.
“Sau nửa thế kỷ, mỗi khi nói đến Hiệp định Paris, chúng ta không thể không nói đến một điều rất quan trọng là thi hành Hiệp định, bảo vệ thành quả thắng lợi to lớn về chính trị, quân sự, ngoại giao của Việt Nam lúc bấy giờ. Có thể nói, Hiệp định Paris đã trở thanh căn cứ pháp lý quan trọng và là tiền đề để ta tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, Đại tá Đào Chí Công nhấn mạnh.