Cởi trói chính sách visa để du lịch cất cánh

Trúc Oanh 05/01/2023 06:47

Năm 2023, ngành du lịch phấn đấu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc định vị thương hiệu du lịch, đổi mới sản phẩm, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực... điều quan trọng là phải sớm "cởi trói" chính sách thị thực (visa).

Đi trước nhưng về sau

Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2022 du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, ước đạt trên 101 triệu lượt khách. Nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vọt, doanh nghiệp lữ hành bắt đầu quay lại thị trường… Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch.

Ngược lại, dù Việt Nam mở cửa sớm sau đại dịch nhưng du lịch quốc tế chưa tận dụng được lợi thế. Cả năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,66 triệu lượt người, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 5 triệu lượt; doanh thu khoảng 4,5 tỷ USD.

Tại sao khách quốc tế ít “chọn” Việt Nam? Theo Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) Hoàng Nhân Chính có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là do chiến tranh Nga - Ukraine làm mất khách du lịch Nga, Ukraine; đồng thời tác động đến giá xăng dầu, năng lượng, an ninh... khiến khách du lịch hạn chế đi lại. Bên cạnh đó, Trung Quốc chưa mở cửa, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn áp dụng biện pháp cách ly hoặc yêu cầu giấy xét nghiệm trước khi đi du lịch.

Về chủ quan là do chính sách miễn thị thực của Việt Nam chỉ có 15 ngày (tương đương trước Covid-19), trong khi khách Mỹ, EU, Australia đi du lịch nước ngoài thường trong 18 - 21 ngày. 

Theo Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss Lê Lưu Dũng, dù doanh nghiệp du lịch nỗ lực thế nào nhưng nếu chính sách visa mãi chưa được giải quyết thì đây vẫn là rào cản lớn khiến khách quốc tế không mặn mà với Việt Nam. Trong khi nhiều nước trong khu vực nới lỏng chính sách miễn thị thực với nhiều quốc gia, thời hạn lưu trú từ 30 - 45 ngày, thậm chí 90 ngày, thì Việt Nam chỉ miễn thị thực cho 24 nước và thời hạn lưu trú chỉ có 15 ngày. Thực tế, nhờ chính sách thị thực thông thoáng mà Thái Lan dù mở cửa muộn nhưng năm 2022 đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu khoảng 14 tỷ USD. Việt Nam dù mở cửa sớm nhưng chính sách thiếu cởi mở, khiến du lịch quốc tế chật vật phục hồi, đi trước nhưng về sau.  

Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 không quá khó khăn
Mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 không quá khó khăn
Nguồn: ITN

Sớm thành lập tổ công tác phát triển du lịch

Năm 2023, ngành du lịch phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế; khách nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, mục tiêu 8 triệu khách quốc tế là hợp lý và khả thi, bởi trước dịch Việt Nam đã đón được 18 triệu lượt khách quốc tế (năm 2019). Những ngày qua, nhiều địa phương đã đón các lượt khách quốc tế đầu tiên, mang theo nhiều kỳ vọng một năm tăng trưởng tích cực. Tại ga đến quốc tế, Đà Nẵng đã đón hơn 170 hành khách từ Incheon (Hàn Quốc). Tổng số chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng trong dịp Tết Dương lịch 2023 (30.12.2022 - 2.1.2023) khoảng 159 chuyến bay với khoảng 21.000 lượt khách. Cũng trong ngày đầu năm, tại TP. Hội An (Quảng Nam) đã tổ chức đón khách Mông Cổ, Hàn Quốc xông đất. Tại Hà Nội, chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, khách quốc tế ước đạt 38.000 lượt, chủ yếu đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc...

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, mục tiêu đạt 8 triệu lượt khách quốc tế sẽ trong tầm tay nếu ngành sớm định vị thương hiệu sản phẩm du lịch Việt một cách rõ nét, có giải pháp khôi phục các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới. Ngoài ra, đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng với tiềm năng, quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực... Quan trọng là sớm tháo gỡ chính sách về thị thực, các cơ quan cần có trách nhiệm nghiên cứu nghiêm túc, đưa ra giải pháp thỏa đáng.

Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng, việc mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa và kéo dài thời hạn từ 15 lên 30 hoặc 45 ngày sẽ là động lực lớn đối với ngành, thu hút nhiều khách quốc tế đến với Việt Nam. Ông Hoàng Nhân Chính kiến nghị, Bộ Công an cần tham khảo cải thiện việc cấp thị thực điện tử thuận lợi hơn. Bỏ rào cản kỹ thuật không cần thiết (mua bảo hiểm du lịch phải có nội dung chi trả chữa trị Covid-19). Hiện, công tác truyền thông vẫn chưa tốt so với các nước khu vực xung quanh, cho nên phải tăng cường phối hợp với Đại sứ quán để cải thiện công tác này. Đặc biệt, thành lập tổ công tác có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện cho khối doanh nghiệp, Hiệp hội thông tin mới để nắm bắt và giải quyết nhanh chóng, bao gồm Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (IV) và TAB. 

Năm 2023, Tổng cục Du lịch cho biết sẽ tập trung nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giải pháp phục hồi thị trường du lịch quốc tế, các vấn đề liên quan đến chính sách xuất nhập cảnh, kết nối thị trường. Tổng cục và các địa phương cũng tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như biển đảo; văn hóa; sinh thái; nghỉ dưỡng… Phối hợp với Hiệp hội du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, địa phương và các doanh nghiệp tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm ASEAN, Đông Bắc Á, EU, Bắc Mỹ...

Trúc Oanh