Xanh - sạch nhờ camera giám sát

Thanh Điểu 01/01/2023 06:30

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, hành vi xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định thường có đặc thù xảy ra nhanh và khó phát hiện, trong khi đó, lực lượng chức năng kiểm tra tại địa phương còn hạn chế. Do đó, sử dụng camera giám sát để ngăn chặn, xử lý vi phạm về môi trường là một trong những giải pháp để đối phó nạn xả rác trên địa bàn nhằm cải thiện môi trường đô thị; giúp hình thành thói quen tốt cho người dân. 

42.366 camera an sinh được lắp đặt

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày, TP. Hồ Chí Minh thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, một lượng lớn bị thải bỏ sai quy định ra đường phố, kênh rạch và các miệng cống, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm tắc nghẽn các đường thoát nước, dẫn đến ngập cục bộ mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường. Từ thực tế đó, TP. Hồ Chí Minh đã lắp đặt 42.366 camera an ninh tại khu dân cư kết hợp theo dõi, giám sát chất lượng vệ sinh môi trường. Những "mắt thần" này có tác dụng lớn trong phát hiện hành vi xả rác không đúng nơi quy định. 

Đoạn kênh Hy Vọng, chạy qua phường 15, quận Tân Bình đã được UBND phường lắp camera quan sát vào cuối năm 2020, nhờ đó, hành vi xả rác không đúng nơi quy định đã giảm thiểu đáng kể. Theo người dân khu phố số 4, phường 15, trước đây, nhiều người ngang nhiên chở rác đến kênh để thải bỏ, gây tắc nghẽn dòng chảy khiến khu vực này thường xuyên ngập mỗi khi gặp mưa lớn; đoạn kênh cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ khi phường lắp camera giám sát, những trường hợp xả thải bừa bãi nhanh chóng bị cơ quan chức năng phát hiện và nhắc nhở.

Đại diện tổ 82, khu phố 4, phường 15 chia sẻ, đến nay, tổ 82 đã phát hiện được hàng chục vụ đổ rác trộm nhờ trích xuất camera, sau khi xác định rõ các thông tin liên quan như thời gian vi phạm, đặc điểm nhận dạng, biển số xe; thông tin được chuyển đến lực lượng chức năng của phường để nhanh chóng truy tìm và xử phạt người vi phạm. 

Hay tại quận Gò Vấp, nhờ các hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, lực lượng chức năng cũng xác định được nhiều đối tượng thường xuyên dùng xe máy thải rác sinh hoạt cá nhân tại nhiều tuyến đường trên địa bàn; từ đó bố trí lực lượng theo dõi, lập biên bản xử phạt các đối tượng thực hiện hành vi xả rác không đúng nơi quy định.

TP. Thủ Đức cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc sử dụng camera an ninh để ngăn chặn hành vi xả rác từ nhiều năm nay. Trong đó, riêng phường Trường Thọ từng là “điểm nóng” về nạn xả rác đã được lắp hơn 200 camera, vừa để phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản, vừa hỗ trợ phát hiện các hành vi xả rác bừa bãi. Tại một số khu vực như kênh Ba Bò… trước đây vốn là những điểm thường xuyên bị đổ trái phép rác thải nay đã được cải thiện đáng kể sau khi thực hiện nghiêm việc giám sát qua camera.

Việc tăng cường sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera, phương tiện ghi hình để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng được nhiều địa phương, người dân đánh giá là có hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác xử lý hành vi xả rác thải ra môi trường vẫn chưa thể bao quát hết, do lực lượng tại phường mỏng. Tại quận Gò Vấp, hệ thống camera không thể lấp đầy tất cả điểm nóng về rác; ở những đoạn không có đèn đường không thể lắp camera theo dõi được.

Phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường qua camera giám sát. Nguồn: ITN
Phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường qua camera giám sát
Nguồn: ITN

Bổ sung lắp đặt camera tại trạm trung chuyển

Xuất phát từ thực tế trên địa bàn TP. Thủ Đức và một số quận, huyện ghi nhận nhiều xe rác từ các địa bàn khác chuyển rác về các trạm trung chuyển; không ít ý kiến cho rằng, cần bổ sung camera tại những địa điểm này, để nhanh chóng phát hiện và xử lý.  

Chia sẻ về nội dung này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, công tác kiểm soát, quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải từ tỉnh khác về TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn tồn tại một số khó khăn nhất định. Cụ thể, trong quá trình phối hợp giám sát, Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải của Thành phố ghi nhận hệ thống camera lắp đặt tại các trạm trung chuyển và hệ thống giám sát hành trình (GPS) lắp đặt trên phương tiện vận chuyển trên địa bàn một số quận, huyện, phục vụ công tác giám sát đã hư hỏng không truy cập được. 

Để tăng cường quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét chỉ đạo UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện rà soát toàn bộ hoạt động của các hệ thống camera lắp đặt tại các trạm trung chuyển, điểm tập kết. Ngoài ra, lắp đặt bổ sung số lượng camera, thiết bị GPS và nâng cấp cơ sở hạ tầng cần thiết (máy tính, lưu trữ, đường truyền dữ liệu...) để hệ thống được vận hành ổn định, liên tục. Bên cạnh đó, phối hợp với Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP. Hồ Chí Minh để truyền dữ liệu, từ đó có cơ sở phục vụ công tác phối hợp với UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện giám sát, cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường đô thị trên địa bàn.

Từ những đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản chỉ đạo UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện rà soát toàn bộ hoạt động của các hệ thống camera lắp đặt tại các trạm trung chuyển, điểm tập kết; lắp đặt bổ sung số lượng camera và nâng cấp cơ sở hạ tầng cần thiết như máy tính, thiết bị lưu trữ, đường truyền dữ liệu… để phục vụ cho công tác quản lý, giám sát rác thải sinh hoạt.

Kiến nghị về thẩm quyền xử phạt

Tại buổi làm việc mới đây giữa đoàn công tác của UBND TP. Hồ Chí Minh với Bộ Tài nguyên và Môi trường về các kiến nghị cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất cho phép UBND các cấp được sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ để giám sát tình hình an ninh trật tự và làm căn cứ để xử lý đối với hành vi vi phạm an ninh trật tự và vệ sinh nơi công cộng tại địa phương.  

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo Nghị định 135/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định 165/2013) quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính; có 33 phương tiện, thiết bị nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó có thiết bị ghi âm, ghi hình, dữ liệu đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng; dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp.

Cơ quan tiếp nhận, thu thập dữ liệu phản ánh vi phạm về môi trường gồm cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, công an xã, thanh tra chuyên ngành… Người, cơ quan có thẩm quyền xử phạt tiếp nhận dữ liệu phản ánh vi phạm để xử lý từ các nguồn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đến đề nghị kiểm tra, xác minh. Như vậy, chưa có quy định, UBND cấp huyện, cấp xã được sử dụng thiết bị ghi hình để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh nơi công cộng, mà chỉ sử dụng hình ảnh ghi nhận để đấu tranh buộc đối tượng thừa nhận vi phạm. Trường hợp đối tượng vi phạm không đồng ý sẽ không xử phạt được. 

Theo các chuyên gia, đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh nếu được chấp thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng thành phố sạch, đẹp, văn minh. Tại mỗi vị trí, cần gắn bảng nơi này có camera giám sát để xử phạt hành vi xả rác, giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Tuy nhiên, việc này cần làm quyết liệt, khoa học và kết hợp tuyên truyền vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo đảm phát huy hiệu quả vai trò của những "mắt thần" đô thị.

Thanh Điểu