Thái Nguyên thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Đào Cảnh thực hiện 24/12/2022 16:19

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Lê Kim Phúc chia sẻ, hiện tỉnh Thái Nguyên đang tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình). Chương trình đang được kỳ vọng giải quyết toàn diện, căn cơ nhiều vấn đề cấp thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh.

Quyết liệt từ bước đi đầu tiên

- Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình) có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn. Tỉnh Thái Nguyên đã bắt tay vào triển khai Chương trình này như thế nào, thưa ông

- Trước tiên, tôi xin khẳng định, Quyết 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 là một quyết sách lớn; đã cụ thể hóa chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS. Đối với tỉnh Thái Nguyên, Chương trình này được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi; từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế hợp lý, tổ chức các hình thức sản xuất phù hợp, góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng thời, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm ổn định an ninh, quốc phòng; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Thái Nguyên thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc -0
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Lê Kim Phúc (thứ 2 từ trái sang) đi khảo sát thực tế  các mô hình kinh tế của đồng bào DTTS

Nhận thức được tầm quan trọng đó, tỉnh Thái Nguyên đã thể hiện quyết tâm thực hiện hiệu quả Chương trình ngay từ những bước đi đầu tiên. Tỉnh Thái Nguyên quán triệt, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với việc tập huấn kỹ thuật, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tiêu biểu, từ đó hình thành ý thức tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống của đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo và tổ chức quán triệt đến từng đối tượng, thành phần, từng cấp, từng ngành hiểu rõ về chương trình nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nắm vững, hiểu rõ những dự án, tiểu dự án thành phần của Chương tình để tổ chức, triển khai, hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức. Trong đó cần chú trọng lồng ghép có hiệu quả các Dự án, tiểu dự án của chương trình với các dự án, chính sách hỗ trợ khác của Trung ương, của tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; thường xuyên kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện trên địa bàn.

- Tính đến thời điểm này, tỉnh Thái Nguyên đã được những kết quả nổi bật nào, thưa ông?

- Tính đến thời điểm hiện nay, về cơ bản tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành hoàn thiện cơ chế chính sách để cụ thể hoá từng nội dung của Chương trình tại địa phương và bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình tại cơ sở; các cấp, các ngành và địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án đối với các địa bàn, đối tượng được thụ hưởng. Kết quả, tính đến 30.11.2022, tỉnh Thái Nguyên đã giải ngân được 68.696/287.408 triệu đồng (đạt 23,9%). Dự ước kết quả giải ngân năm 2022: Vốn đầu tư đạt trên 90%, vốn sự nghiệp 70%. Để đạt được kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các địa phương ngay từ khi chương trình được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách

- Trong quá trình triển khai Chương trình, tỉnh Thái Nguyên đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

- Bên cạnh những kết quả đã đạt được ở trên, trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình, tỉnh Thái Nguyên cũng gặp phải một số khó khăn vướng mắc như: Trung ương còn chậm ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình hoặc ban hành nhưng chưa đầy đủ, đồng bộ, kịp thời dẫn đến việc triển khai thực hiện tại địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: Bộ Y tế chưa hướng dẫn về chuyên môn của nội dung giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 9: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có Thông tư hướng dẫn đối với nội dung “Hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tại UBND cấp xã để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự” thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 10. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;  Ủy ban Dân tộc chưa có hướng dẫn cụ thể quy định, định mức hỗ trợ đất sản xuất của Đối với dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các địa phương để làm căn cứ pháp lý triển khai thực hiện,…

Thái Nguyên thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc -0
Phát triển các mô hình sản xuất, đời sống của đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên ngày càng khởi sắc

 Cùng với đó, năm 2022, Trung ương chậm phân bổ vốn cho các địa phương, do đó các địa phương phân bổ vốn bị muộn dẫn đến tiến độ giải ngân các nguồn vốn được giao chậm, ảnh hướng đến việc thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025 cũng bị ảnh hưởng. Nhiều nội dung cơ chế, chính sách trong các Thông tư do các Bộ, ngành Trung ương ban hành hướng dẫn còn chưa rõ hoặc giao về cho các địa phương quyết định cơ chế, chính sách nên cần nhiều thời gian để xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đúng trình tự quy định nên cũng ảnh hướng đến tiến độ triển khai các nội dung Dự án, Tiểu dự án tại địa phương.

- Trước những khó khăn đó, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra những định hướng và giải pháp cụ thể nào để tháo gỡ khó khăn và thực hiện hiệu quả Chương trình, góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

- Trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết các vấn đề an sinh cấp thiết của người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; thực hiện các dự án, tiểu dự án có khả năng giải ngân nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình MTQG một cách đồng bộ, kịp thời để địa phương triển khai thực hiện không làm chậm tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân các dự án. Đề nghị Uỷ Ban Dân tộc sớm có hướng dẫn đối với các xã, thôn vùng DTTS và miền núi sau khi sáp nhập (không có tên theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 04/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Uỷ ban Dân tộc) hoặc sau khi sát nhập thì thực hiện các chính sách dân tộc nói riêng và các chính sách khác nói chung như thế nào để địa phương có căn cứ thực hiện phân bổ vốn và triển khai thực hiện Chương trình cũng như áp dụng các chính sách khác có liên quan.

Ở góc độ địa phương, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách dân tộc nói chung và Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của người dân; tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương và người dân thực hiện Chương trình; huy động mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình, trong đó tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách Nhà nước là quyết định.

Song song với đẩy mạnh thực hiện Chương trình, chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá quá trình triển khai thực hiện từ khâu chuẩn bị đến thực hiện dự án; nhằm bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu để kịp thời giải quyết, xử lý, khắc phục những hạn chế, sai sót, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Có biện pháp xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm. MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phát huy và thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong thực hiện các công trình và mô hình cụ thể.

- Xin cảm ơn ông!

Đào Cảnh thực hiện