Hội thảo Văn hóa 2022: Thiết kế và thực hiện chính sách giải phóng tiềm năng văn hóa
Tham luận về chủ đề "Kinh nghiệm quốc tế trong các chính sách văn hóa và đo lường văn hóa trong sự phát triển bền vững", Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đánh giá cao Việt Nam đã đặt văn hóa vào trọng tâm của phát triển bền vững. Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị cần thiết để Việt Nam tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, thể hiện văn hóa là trung tâm các chính sách phát triển.

2021 là năm đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và UNESCO. Trong quá trình hợp tác, UNESCO đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc ghi danh nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vào các danh mục di sản của UNESCO, đồng thời hỗ trợ về mặt chuyên môn trong nhiều lĩnh vực trọng tâm của UNESCO. Những năm 1980, UNESCO hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo tồn di sản hoàng thành Huế bằng cách tổ chức một chiến dịch tầm cỡ quốc tế để quảng bá vẻ đẹp của Huế cũng như của đất nước Việt Nam tới bạn bè thế giới.
Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO, đóng góp vào sự thành công của UNESCO trong các nỗ lực vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chính là một thành tựu đáng kể của quốc gia trong việc phê chuẩn Công ước của UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (Công ước năm 2005).
Hiện nay, thách thức đặt ra đối với các nước đang phát triển, như Việt Nam, là làm thế nào để giải phóng tiềm năng văn hóa, thiết kế và thực hiện các chính sách công về văn hóa để thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa, công nghiệp sáng tạo, để hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đặt văn hóa vào trung tâm của quy hoạch phát triển quốc gia sẽ bảo đảm phát triển bao trùm, bình đẳng và bền vững. UNESCO đánh giá cao vì Việt Nam đã đặt văn hóa vào trọng tâm của sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực. Hội thảo Văn hóa 2022 là minh chứng cho thấy Việt Nam đã đi trước nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam xây dựng Kế hoạch phát triển bền vững cấp quốc gia với trọng tâm là phát huy các giá trị văn hóa và áp dụng các chỉ số trong lĩnh vực văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Phấn đấu đạt những mục tiêu chung, Việt Nam có thể chia sẻ dữ liệu thông tin, học hỏi từ nhiều nước trên thế giới, chứ không nhất thiết phải phát minh ra các sáng kiến.
Trong chiến lược, chính sách về văn hóa, khuyến nghị quan trọng dành cho Việt Nam là hỗ trợ nghệ sĩ, người làm ngành sáng tạo, có quy định rõ ràng để hỗ trợ họ, thúc đẩy tốt hơn công việc sáng tạo. Việt Nam cũng cần có những chính sách hỗ trợ lĩnh vực thương mại trong văn hóa, đa dạng hình thức tài trợ cho ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, nhất là trong bối cảnh số.
Đồng thời, xem xét việc khuyến khích hỗ trợ tài chính cho các viện văn hóa được chọn hay cho các ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc áp dụng các cơ chế giảm thuế cho các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân hay các tổ chức. Cách làm này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia và được cho là có tác dụng đáng kể trong việc phát triển văn hóa của quốc gia đó, do mang lại nhiều nguồn đầu tư bổ sung và cần thiết...
Để hiện thực hóa những chính sách này, UNESCO sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ Việt Nam, với mục đích cao nhất là làm thế nào Việt Nam đưa văn hóa vào trung tâm của các chính sách phát triển.