Thu nhập của người lao động làm công hưởng lương bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/tháng

Lê Hùng 16/12/2022 15:52

Sáng 16.12, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 12 (khoá XII).

Doanh nghiệp trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội gần 14.600 tỷ đồng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022; Chương trình công tác công đoàn năm 2023 và một số vấn đề quan trọng khác.

Thu nhập của người lao động làm công hưởng lương bình quân khoảng 7,5 triệu đồng -0
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Từ thực tiễn công tác tại đơn vị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu đóng góp, bổ sung các nhận định, đánh giá về tình hình, các kết quả đã đạt được, phân tích chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022. Đồng thời, dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến vào chương trình công tác năm 2023 nhất là về các nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để từ những năm tiếp theo Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn sẽ ban hành chương trình công tác hàng năm nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời là cơ sở để tham mưu cấp ủy chỉ đạo sát và hiệu quả hơn hoạt động công đoàn.

Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2022 cho biết, tình hình việc làm, thu nhập của người lao động được cải thiện: Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên cả nước gần 178,5 nghìn doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm mới cho hơn 800 ngàn lao động. Thu nhập của người lao động làm công hưởng lương bình quân khoảng 7,5 triệu đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 805 nghìn đồng), chủ yếu do tăng lương tối thiểu vùng và thu nhập ngoài lương trong dịp Tết Nguyên đán. 

Thu nhập của người lao động làm công hưởng lương bình quân khoảng 7,5 triệu đồng -0
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn

Bên cạnh kết quả đạt được, có 122,1 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, nhiều người lao động mất việc làm. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư với số lượng lớn; nhiều người lao động phải chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để tìm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Chất lượng cuộc sống của người lao động có sự chuyển biến, nhưng những vấn đề bức xúc ở các khu công nghiệp tập trung chưa có sự thay đổi rõ nét, như: Nhà ở, nhà lưu trú, dịch vụ khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, công tác quản lý nhà trẻ, nhà mẫu giáo dành cho con công nhân...

Ngoài ra, doanh nghiệp chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động chưa nghiêm, nhất là các quy định về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, cá biệt có những doanh nghiệp mặc dù sản xuất kinh doanh tăng trưởng vẫn lợi dụng ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nhằm không tăng hoặc cắt giảm các phúc lợi đã thỏa thuận dẫn đến những bức xúc trong công nhân lao động. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) là gần 14.600 tỉ đồng, chiếm 3,4% số phải thu.

Ngừng việc tập thể có xu hướng tăng

Báo cáo cũng cho thấy, tình hình ngừng việc tập thể có xu hướng tăng: Năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể , tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số 98.375/182.131 người lao động tham gia; tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngừng việc tập thể là do người lao động trải qua thời gian vô cùng khó khăn, giảm sút thu nhập, tích lũy sau hơn 2 năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19; tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh trong năm 2020, 2021; nhiều doanh nghiệp không tăng lương, thậm chí còn cắt giảm các khoản trợ cấp, phụ cấp, phúc lợi của người lao động; một số doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH của người lao động; người lao động đề nghị doanh nghiệp điều chỉnh mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp theo mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Khi xảy ra ngừng việc, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực tham gia ổn định tình hình, phối hợp với liên ngành hỗ trợ các bên giải quyết, qua đó đa số các đề xuất, kiến nghị chính đáng của người lao động đã được doanh nghiệp đồng thuận và cam kết thực hiện.

Về tai nạn lao động, trên địa bàn cả nước xảy ra 2.848 vụ, trong đó có 424 vụ tai nạn lao động chết người. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như tai nạn giao thông (được coi là TNLĐ), chủ yếu là nguyên nhân chủ quan do ý thức tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động còn thấp, chưa chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn lao động...

Lê Hùng