Chung sức "Vì một Việt Nam xanh"

Thanh Điểu 07/12/2022 06:48

Theo Kế hoạch trồng rừng và cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu trồng 10 triệu cây xanh các loại, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, cần sự chung tay của mọi người dân, sự ủng hộ của mọi nguồn lực xã hội, góp phần tạo thêm cảnh quan, bóng mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ sức khỏe người dân. 

Mỗi người dân trồng 1 cây xanh

Thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, toàn thành phố hiện có 508,561ha đất công viên, chỉ tiêu đất công viên công cộng của thành phố chỉ đạt bình quân 0,55m2/người (quy mô dân số 9 triệu người). Con số này thấp hơn nhiều so với đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 với tổng diện tích cây xanh khoảng 6.259ha, tương ứng với chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3m2/người. 

Hiện nay, công viên cây xanh trên địa bàn Thành phố cũng phân bố không đều và bất hợp lý giữa các huyện ngoại thành và khu vực nội thành. Theo đó, khu vực nội thành (gồm 16 quận và TP. Thủ Đức) có diện tích 495,82ha công viên cây xanh, chiếm gần 99% tổng diện tích công viên cây xanh, trong khi khu vực ngoại thành (gồm 5 huyện) chỉ có 47,13ha, chiếm khoảng 1%.

Vì vậy, theo kế hoạch trồng rừng và cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu trồng 8.341.750 cây xanh các loại, thông qua phát triển công viên, mảng xanh, cây xanh đường phố và cây xanh trong các công sở, trường học, khu dân cư; tạo được 1.658.250 cây rừng thông qua phát triển rừng, trồng rừng tập trung, cải tạo chăm sóc, làm giàu rừng trên diện tích 1.140ha. 

Để thực hiện mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh triển khai một số giải pháp như phát động phong trào mỗi người dân trồng 1 cây xanh. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực về kinh phí, lao động, việc tình nguyện tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân. Các sở, ban, ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn rà soát, bổ sung, bố trí các diện tích đất công thích hợp cho công tác trồng, phát triển cây xanh trên địa bàn quản lý; diện tích các công trình công cộng, đường giao thông, bờ kênh mương thủy lợi; diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức và hộ gia đình.

UBND huyện Bình Chánh triển khai xây dựng quy hoạch, lập dự án trồng rừng do huyện quản lý; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hồi, bàn giao đất cho triển khai dự án trồng, phát triển rừng đã được phê duyệt theo kế hoạch. UBND huyện Củ Chi đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ việc triển khai dự án trồng rừng, mở rộng vườn thực vật theo chủ trương, kế hoạch của UBND Thành phố...

Đồng lòng hưởng ứng phong trào

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch, bình quân mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh sẽ trồng 2 triệu cây xanh, tăng gấp 2 so với giai đoạn 2016 - 2020 (5 triệu cây xanh). Kế hoạch thực hiện trồng 10 triệu cây xanh phần lớn là trồng trên đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp; cây xanh trong chương trình được hiểu là cây phân tán, trồng lâu năm, không tính các cây cảnh nhỏ. Những loại cây được lựa chọn ưu tiên những loại cây dễ trồng, đa mục đích như cây gỗ quý, cây bóng mát, tạo cảnh quan… Tại khu vực nội thành, cây xanh được trồng ở công viên, mảng xanh, đường phố, trường học, công sở, doanh trại, nhà ở và các khu vực công cộng khác; đối với khu vực ngoại thành, phát động trồng cây ven sông, bờ kênh mương, đất chưa sử dụng...

Theo lãnh đạo UBND Quận 12, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề hết sức quan trọng, cấp thiết cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội. Điều này càng quan trọng hơn với những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, chỉ tiêu cây xanh trên đầu người đang thiếu. Việc trồng cây xanh, tạo mảng xanh trong khu dân cư luôn được hệ thống chính trị Quận 12 quan tâm hàng đầu, phát động thành phong trào thường xuyên, vận động đông đảo người dân tham gia, góp phần cải thiện môi trường sống và sức khỏe cộng đồng.

Ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cũng nhấn mạnh, TP. Thủ Đức đang trong tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ; luôn phải đối mặt thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn nạn về rác thải. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn hệ thống thoát nước mà còn làm trầm trọng hơn tình trạng ngập lụt những đợt triều cường và mưa lớn; đời sống của người dân ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, ngay từ khi thành lập, chính quyền TP. Thủ Đức đã xây dựng kế hoạch phát triển mảng xanh trên địa bàn. TP. Thủ Đức cũng xây dựng chương trình trồng 1 triệu cây xanh đến năm 2025; nhằm vận động người dân không xả rác; vì thành phố xanh, sạch, giảm ngập nước. Đồng thời, phổ biến đến người dân ý nghĩa của việc trồng cây xanh, trồng rừng; góp phần xây dựng thành phố xanh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để quản lý, phát triển mảng xanh trong đô thị, TP. Hồ Chí Minh cần siết chặt kiểm soát diện tích công viên đang sử dụng sai mục đích để trả lại không gian công cộng tại các công viên. Đồng thời, thanh tra, giám sát các chủ đầu tư dự án khu dân cư, khu đô thị buộc phải thực hiện nghiêm túc các cam kết xây dựng diện tích công viên cây xanh theo đúng quy định, để không gian sống của cộng đồng dân cư được hài hòa, thân thiện với môi trường.

Thanh Điểu