Cần cách tiếp cận tổng hợp

Nguyễn Thúy 07/12/2022 06:44

Với số lượng dân sinh sống trên địa bàn lớn, nhiều đô thị mới hình thành cùng rất nhiều khu công nghiệp đang hoạt động, Đồng Nai đang chịu áp lực lớn trong quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường ở tất cả các mặt về nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và cả chất lượng không khí. Theo kết quả quan trắc mới nhất do Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai thực hiện, tại một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thông số bụi đã vượt quy chuẩn cho phép. 

Tần suất phát hiện ô nhiễm tăng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh tại 54 vị trí trong 26 khu công nghiệp mới đây cho thấy, nồng độ bụi TSP tại tất cả các khu công nghiệp đều đạt so với QCVN 05:2013/BTNMT; song có 5 vị trí tại các khu công nghiệp (Bàu Xéo, Dầu Giây, Long Đức, Nhơn Trạch và Khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học) có nồng độ bụi vượt quy chuẩn từ 1,02 - 3,91 lần tại một vài thời điểm đo. So với đợt quan trắc trước, tần suất phát hiện ô nhiễm tăng nhẹ từ 1,39% (đợt 5) so với 5,09% (đợt 6). 

Giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các nút giao thông trọng điểm ở Đồng Nai. Nguồn: ITN
Giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các nút giao thông trọng điểm ở Đồng Nai. Nguồn: ITN

Kết quả quan trắc chất lượng không khí tại 4 điểm dân cư tại TP. Biên Hòa (phường Long Bình, Hiệp Hòa, Trung Dũng, An Bình) tháng 9.2022 có chất lượng tương đối ổn định, với 80/98 số giờ quan trắc cho chất lượng tốt, chiếm 82% số giờ quan trắc. Tuy nhiên, so với thời điểm tháng 7.2022, số giờ có chất lượng trung bình đến nguy hại tăng nhẹ tại 2 vị trí phường An Bình và Trung Dũng.

Kết quả thực hiện quan trắc tại 14 cụm công nghiệp cũng cho thấy, có 3 vị trí khu vực cụm công nghiệp (cụm công nghiệp Vật liệu xây dựng Tân An, cụm công nghiệp Thiện Tân và cụm công nghiệp Thiện Tân - Thạnh Phú) phát hiện thông số bụi vượt so với QCVN 05:2013/BTNMT tại một vài thời điểm đo. Cụ thể, cụm công nghiệp Tân An nồng độ bụi vượt 1,19 lần (1/4 mẫu không đạt); cụm công nghiệp Thiện Tân hàm lượng bụi vượt 1,45 (1/4 mẫu không đạt); cụm công nghiệp Thiện Tân - Thạnh Phú hàm lượng bụi vượt từ 1,96 - 5,20 lần (4/4 mẫu không đạt). Tuy nhiên, so với đợt quan trắc trước (có 4/14 cụm công nghiệp phát hiện ô nhiễm bụi), chất lượng không khí đợt này, tại các cụm công nghiệp đã được cải thiện, giảm về tần suất phát hiện ô nhiễm.

Theo Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, kết quả thực hiện quan trắc tại 15 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đợt tháng 9.2022 với 362 giờ quan trắc cho thấy, có 205/362 giờ có kết quả không khí tốt (chiếm 57% số giờ quan trắc), 121/362 giờ quan trắc có chất lượng không khí chỉ ở mức trung bình (chiếm 33% số giờ quan trắc), có 36 giờ có chất lượng không khí từ kém đến rất xấu.

So với kết quả quan trắc trong tháng 7.2022, nồng độ ô nhiễm không khí tại các điểm giao thông tháng 9.2022 có phần tăng nhẹ; chất lượng không khí ở mức độ tốt đã giảm từ 215 số giờ quan trắc xuống còn 205 giờ; chỉ số chất lượng không khí ở mức độ kém - nguy hại tăng từ 30 giờ lên 36 giờ...  

Duy trì các biện pháp giảm ô nhiễm

Trên cơ sở kết quả quan trắc chất lượng không khí xung quanh trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đề nghị Công an tỉnh và Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng từ khi ra khỏi mỏ khai thác khoáng sản đến các cung đường vận chuyển, khu vực sân bay Long Thành; nghiêm cấm và xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển quá khổ, quá tải, không che chắn kín làm hư hỏng tuyến đường, phát sinh ô nhiễm bụi tác động đến sức khỏe người dân. 

Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp yêu cầu các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp duy trì các biện pháp kiểm soát lượng phương tiện ra vào các khu công nghiệp; thực hiện quét dọn, vệ sinh các tuyến đường trong khu công nghiệp và bổ sung diện tích cây xanh xung quanh khu công nghiệp, nhằm giảm thiểu bụi phát sinh ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh khu công nghiệp.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, giám sát hoạt động của các cụm công nghiệp thuộc địa bàn quản lý, có biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh trong quá trình hoạt động; tăng cường vệ sinh các tuyến đường giao thông và điều tiết phương tiện giao thông, nhằm giảm hàm lượng bụi trong không khí, bảo đảm sức khỏe người dân.

Theo các chuyên gia, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, cần có cách tiếp cận tổng hợp. Ngoài việc ban hành các văn bản đôn đốc, Đồng Nai cần thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật về kiểm soát bụi, khí thải tại các cơ sở công nghiệp, hoạt động giao thông, xây dựng thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, thực hiện mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn, bảo đảm liên tục cập nhật thông tin về chất lượng không khí. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo dõi dữ liệu quan trắc tự động chất lượng khí thải của các đơn vị được kết nối về Sở, từ đó kịp thời cảnh báo, đề xuất xử lý các trường hợp xả khí thải vượt chuẩn quy định. 

Nguyễn Thúy