Người trẻ giữ gìn bản sắc trang phục dân tộc
Nhiều thanh niên còn ngại, thiếu tự tin khi mặc trang phục của dân tộc mình trước đám đông, đặc biệt là thế hệ thanh niên học tập ở các đô thị. Để khắc phục thực trạng đó, cần tác động sâu sắc đến nhận thức, ý thức từ phía chủ thể văn hóa, nhất là người trẻ về gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
“Mất tự tin khi mặc trang phục dân tộc”
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những nguyên nhân, thách thức trong bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, bên cạnh sự giao thoa về văn hóa, tác động của kinh tế thị trường, sự biến đổi của trang phục truyền thống các dân tộc, có một nguyên nhân là nhiều người trẻ ngại mặc trang phục dân tộc mình.

"Hiện tại, trường chúng tôi luôn thực hiện mặc trang phục truyền thống. Trước đây chỉ mặc vào sáng thứ Hai, bây giờ tăng lên nhiều ngày trong tuần, học sinh hưởng ứng, thực hiện rất tốt. Có điều, khi ra khỏi trường, hay nhiều em xuống miền xuôi trở thành sinh viên đại học, cao đẳng, các em lại không mặc trang phục truyền thống nữa".
Chị Vi Thị Ái lý giải, để làm ra được một bộ trang phục đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian, nhưng đáng buồn là khi mặc lên cũng không được các dân tộc khác tiếp nhận cởi mở và tôn trọng. "Có một thực tế nếu tôi là người Mông, mặc bộ quần áo bình thường ra ngoài đường thì không ai nhìn tôi, không ai ồ à. Nhưng nếu tôi mặc bộ quần áo của dân tộc mình đi trên phố ở Hà Nội chẳng hạn, thì dường như tôi rất lạ. Mọi ánh mắt nhìn vào cũng là một lý do để những người trẻ mất tự tin khi mặc trang phục truyền thống của mình".
Nâng cao nhận thức từ trong nhà trường
Là người dân tộc Tày, Nguyễn Thị Uyên, khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đang trăn trở tìm ra giải pháp để các bạn trẻ ý thức hơn về gìn giữ, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc, trước thực tế nhiều người trẻ không hề sở hữu bộ trang phục truyền thống nào.
"Như ngay tại khoa tôi đang theo học, khi các thầy cô yêu cầu mặc trang phục truyền thống, các bạn mới đi tìm mà không có sẵn để trưng diện khi cần. Trang phục dân tộc Tày mặc đơn giản vậy nhưng nhiều bạn cũng không biết mặc, không biết thắt đai, càng không biết ý nghĩa của các phụ kiện trên trang phục. Thậm chí, nhiều bạn có suy nghĩ là trang phục dân tộc không đặc sắc", Nguyễn Thị Uyên chia sẻ.

"Việc giáo dục, nâng cao nhận thức của các bạn trẻ về trách nhiệm trong bảo tồn trang phục truyền thống đặc biệt quan trọng. Hiện nay, các bạn dành thời gian cho mạng xã hội rất nhiều, nên bên cạnh giáo dục trong nhà trường, cũng nên có nhiều chương trình đăng tải trên các mạng xã hội như facebook, tiktok… quảng bá nét đẹp văn hóa các dân tộc, trong đó có trang phục, để giúp mọi người hiểu biết nhiều hơn, từ đó trân trọng và tự tin khi mặc trang phục của dân tộc mình", Nguyễn Thị Uyên nói.
Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, nhìn từ phía người trẻ, thấy được thực trạng, nguyên nhân, từ đó tìm ra giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc thiểu số một cách bền vững.
"Ngày nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công nghệ 4.0 đang tạo ra thách thức với công tác bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số. Chúng ta nên tính tới việc áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 để lưu giữ, bảo tồn trang phục, nhất là trong giới trẻ, từ đó lan tỏa sự biểu đạt đa dạng của trang phục các dân tộc, tạo nên sự tôn trọng bản sắc đa dạng các dân tộc khác nhau".