Quảng Bình: Phát triển kinh tế tập thể bằng nội lực và cách làm sáng tạo

Thảo Anh 25/11/2022 10:06

Những năm qua, lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có bước chuyển đáng kể cả về chất và lượng. Nhiều hợp tác xã (HTX) có những cách làm hay, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động và thành viên HTX.

60 HTX kiểu mới sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị

Hiện, toàn tỉnh Quảng Bình có 628 tổ hợp tác và 393 HTX đang hoạt động trong các lĩnh vực, như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, vận tải, xây dựng, thương mại, dịch vụ, nước, môi trường và quỹ tín dụng... với 131.821 thành viên, giải quyết việc làm cho 4.594 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân đạt 4,25 triệu đồng/người/tháng.

Phát triển kinh tế tập thể bằng nội lực và cách làm sáng tạo -0
Nhiều HTX phát triển chuyên canh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị

Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, hiện Quảng Bình có 175 HTX xếp loại khá tốt, hoạt động hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng, chiếm 52,66%, trong đó có 60 HTX kiểu mới sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Gia Thởi cho biết, để kinh tế tập thể, trọng tâm là HTX khắc phục hạn chế, tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phù hợp, sát thực tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với liên kết chuỗi giá trị, HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX. Hỗ trợ các HTX về ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng hệ thống liên minh ngày càng vững mạnh.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo

Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh mặc dù mới thành lập, có ít thành viên nhưng đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phát triển chuyên canh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình chuỗi giá trị. Nhiều HTX làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, giúp các thành viên thực hiện tốt cơ giới hóa, nâng cao năng suất cây trồng, gia tăng sản lượng hàng hóa nông-lâm-thủy sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nhiều HTX có đội ngũ cán bộ trẻ, nhiệt huyết làm chủ, phát huy được thế mạnh của địa phương, tổ chức tốt khâu sản xuất cũng như tiêu thụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

 Điển hình như HTX Sinh thái Sông Son (xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch). Xác định chất lượng sản phẩm là “chìa khóa” để nâng cao sức cạnh tranh, chinh phục người tiêu dùng, ngay sau khi thành lập từ năm 2018, HTX đã liên kết các hộ dân để xây dựng vùng nguyên liệu sạch, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm chất lượng, như miến dong, miến gạo, miến gạo sâm Gavina.

Không chỉ chú trọng đầu vào, HTX còn tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm nhằm ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm miến của HTX được phân phối tại các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh, các siêu thị Co.opmart khu vực miền Nam, trang thương mại điện tử Lazada…

Đến nay, miến dong Sông Son là sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia 2021 và miến gạo sâm Gavina là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh 2020. Đặc biệt, nhằm tiếp cận với thị trường quốc tế, HTX đang đầu tư nâng cấp xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế ISO 22000.

HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy) là điểm sáng của huyện Lệ Thủy trong phát triển kinh tế tập thể bằng nội lực và cách làm sáng tạo. HTX thực hiện tốt 8 khâu dịch vụ: giống cây trồng, vật tư phân bón, thủy nông, làm đất, bảo vệ thực vật, bảo vệ ruộng đồng, tín dụng nội bộ và bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Với diện tích canh tác gần 300 ha, mỗi năm, sản lượng lúa HTX khoảng 2.700 tấn; trong đó, số lúa gạo dùng để ăn và tiêu thụ trên địa bàn chỉ khoảng 1.000 tấn, số còn lại được bán ra thị trường nhưng nhiều lúc giá bấp bênh.

Vì thế, HTX đã xây dựng thương hiệu gạo sạch để nâng cao giá bán, giúp nông dân ổn định đầu ra. Hiện, sản phẩm "Gạo sạch Lệ Thủy" của HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng được đăng ký nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý nên có điều kiện mở rộng ở thị trường trong nước. Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng Võ Văn Thắng cho biết, thời gian qua mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng sản phẩm "Gạo sạch Lệ Thủy" vẫn được tiêu thụ ổn định trên thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, đồng thời mang lại nguồn thu nhập khá đều cho xã viên vượt qua khó khăn do đại dịch. 

Thảo Anh