Gương sáng ở Sín Thầu

Thái Minh 25/11/2022 08:03

Tiếng lành đồn xa về một già làng Pờ Dần Xinh, dân tộc Hà Nhì, thôn Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên. Ông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn giúp bà con ở Sín Thầu xóa bỏ dần cảnh đời sống tăm tối bởi cái đói, cái nghèo. 

Dám nghĩ dám làm

Đối với bà con ở xã Sín Thầu, ông Pờ Dần Xinh không chỉ là nguyên Chủ tịch, Bí thư xã mà còn là điểm tựa vững chắc để bà con noi gương trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Là một trong những người được đi học trung học phổ thông đầu tiên của bản, trở về quê hương, ông đã áp dụng kiến thức được học vào thực tế, đi đầu trong các phong trào làm kinh tế ở địa phương.

Ông Pờ Dần Xinh luôn mạnh dạn tiên phong học hỏi, áp dụng kỹ thuật máy móc vào sản xuất - Ảnh: Minh Nhật
Ông Pờ Dần Xinh luôn mạnh dạn tiên phong học hỏi, áp dụng kỹ thuật máy móc vào sản xuất. Ảnh: Minh Nhật

Ông Pờ Dần Xinh cho biết: "Mình là người đầu tiên trong bản làm nhà mái ngói, người đầu tiên mang máy tuốt lúa về, rồi mua xe máy, người đầu tiên đào ao thả cá, người đầu tiên có con trai tốt nghiệp đại học". Ấy vậy ít người biết những điều người con Hà Nhì này đã phải trải qua để có những "lần đầu tiên" ấy.

Ông Pờ Dần Xinh thủng thẳng kể, chuyện là năm 1994, nghe đâu có cách làm ngói bằng xi măng, ông liền bán 4 con trâu đổi lấy 2 cái máy dập ngói, 4 con ngựa thồ về bản. Cả bản kéo nhau đến xem, không ai hiểu về việc làm lạ đời ấy. Mẻ ngói đầu tiên mang ra phơi chưa đầy một tiếng, có người lấy tay bẻ, ngói vụn như cám, bảo "Ngói này làm sao lợp được nhà?". Nửa tin nửa ngờ, Pờ Dần Xinh tức tốc cưỡi ngựa mấy ngày xuống Điện Biên hỏi cho ra lẽ. Thì ra, xi măng cát phải để 7 ngày mới đông cứng. Ông về cùng vợ con hì hụi làm ngói, và rồi có ngói lợp nhà đầu tiên.

Rồi một lần đi thăm người bạn ở huyện Sa Pa, Lào Cai, ông thấy người dân ở đây nuôi cá rất nhiều, ít chi phí chăm sóc, đầu ra ổn định. Trở về, thấy nguồn nước ở khe suối gần nhà chảy quanh năm, nghĩ nếu nuôi cá thì nhất định không thiếu nước, ông quyết định đào 4 ao thả cá. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc ao cá, ông bỏ chi phí mời các chủ trang trại cá giống huyện Mường Nhé về hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật chăm sóc và phòng chống dịch bệnh; đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các ao và trang trại nuôi cá ở tỉnh Lào Cai, Lai Châu. Người trong bản rỉ tai nhau bảo ông dại dột, ai lại đào ao nuôi cá trên núi cao, cá đầy suối vừa ngon vừa nhiều. Nhưng rồi cá suối bắt mãi cũng cạn kiệt, lúc này người ta mới vỡ lẽ quay sang học tập kinh nghiệm nuôi cá từ ông Xinh.

Rồi ông làm trang trại nuôi trâu bò, gia cầm, lợn thịt thay vì thả trên nương như trước. Ông còn nhận khoán và bảo vệ hàng chục ha rừng. Nhìn thấy cách làm của Pờ Dần Xinh đem lại kinh tế khá giả, bà con Hà Nhì ở Sín Thầu dần dần làm theo.

Phát triển đời sống bền vững

Làm thế nào cho đời sống khấm khá lên được? Ông Pờ Dần Xinh tìm ra câu trả lời bằng cách mạnh dạn tiên phong học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, làm cho đời sống có của ăn của để. Từ các hoạt động kinh tế này, gia đình ông Pờ Dần Xinh có nguồn thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm, trở thành tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi ở Sín Thầu. 

Mô hình nuôi cá trong ao trên núi cao được ông Pờ Dần Xinh áp dụng, đem lại thu nhập cao cho gia đình - Nguồn: trangtraiviet.danviet.vn
Mô hình nuôi cá trong ao trên núi cao được ông Pờ Dần Xinh áp dụng, đem lại thu nhập cao cho gia đình. Nguồn: trangtraiviet.danviet.vn

"Không thể đèn nhà ai nhà ấy rạng, mình ăn nên làm ra thì chia sẻ, giúp đỡ người khác. Mình nghĩ không chỉ làm giàu cho nhà mình mà còn phải phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho các hộ đồng bào trong xã. Mình cứ đi trước thử nghiệm, thấy hiệu quả thì bà con mới nghe theo", Pờ Dần Xinh chia sẻ.

Đến nay, bộ mặt xã nghèo vùng biên giới đã thay da đổi thịt. Sín Thầu là một trong những xã điểm của huyện Mường Nhé về phát triển kinh tế, ổn định dân cư. Nhận thấy đời sống bà con đã có của ăn của để, ông Pờ Dần Xinh lại trăn trở vấn đề khác. "Từ hơn chục năm trở lại đây, mình nhận thấy nét văn hóa của người Hà Nhì đang mai một. Mình được học hành, được hiểu về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước nên biết rằng kinh tế và văn hóa phải đi cùng với nhau thì đời sống của Hà Nhì mình mới phát triển bền vững được".

Nghĩ vậy, ông Pờ Dần Xinh bắt tay vào công cuộc giữ gìn văn hóa người Hà Nhì, từ công cuộc sưu tầm những câu chuyện kể truyền miệng của đồng bào dân tộc. "Người Hà Nhì có tiếng nói riêng, nhưng không có chữ viết, mình đến những bản có người am hiểu sâu sắc nét đẹp văn hóa để nghe những câu hát, tập quán tốt đẹp, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, đan lát của người Hà Nhì, rồi ghi lại vào một cuốn sổ". Cứ vậy, dần dà chính ông trở thành người nắm giữ kho tư liệu văn hóa dân gian của bà con Hà Nhì nơi đây. 

Năm 2016, ông Pờ Dần Xinh được Chủ tịch Nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa dân gian vì có công nắm giữ, truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống... Giờ đây, bà con Sín Thầu vẫn nhắc đến ông Pờ Dần Xinh như một minh chứng sống vừa bảo tồn và phát huy văn hóa cộng đồng, vừa biết sản xuất, chăn nuôi giỏi. 

Thái Minh