Giải phóng Sơn La - khởi đầu cho hành trình 70 năm xây dựng và phát triển

PV 22/11/2022 21:41

Tòng Thị Phóng - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Sơn La là tỉnh miền núi cao, biên giới, nằm ở phía Tây Tây Bắc của Tổ quốc, có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa đặc trưng, có truyền thống đoàn kết cùng chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ quê hương. Đặc biệt, từ khi có Đảng, có Chi bộ đảng nhà tù Sơn La, người dân Sơn La đã được các chiến sĩ cộng sản giác ngộ về tinh thần yêu nước, về độc lập, tự do, về đấu tranh giải phóng dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù, phong trào cách mạng tại Sơn La phát triển nhanh chóng, tạo tiền đề vững chắc về tổ chức, xây dựng lực lượng, tiến tới giành chính quyền thắng lợi năm 1945.

Mốc son lịch sử

Thực hiện đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng, với sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương, Ban Tỉnh ủy Sơn La đã lãnh đạo, lập khu căn cứ cách mạng, xây dựng bộ đội địa phương và phát triển rộng rãi lực lượng du kích, thành lập các đội xung phong vũ trang tuyên truyền, đẩy mạnh đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, cản phá các cuộc khủng bố, đàn áp của địch vào các khu căn cứ.

Trong thời kỳ này, Sơn La đã thực hiện tốt chủ trương của Trung ương về việc giúp đỡ Ban xung phong Lào Bắc do đồng chí Kaysone Phomvihane chỉ huy, làm căn cứ tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu để triển khai nhiệm vụ tiến vào vùng Bắc Lào xây dựng căn cứ địa cách mạng, để phát triển lực lượng, tổ chức nhân dân Lào kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Tòng Thị Phóng
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Tòng Thị Phóng

Cùng với đó, từ kết quả thắng lợi to lớn trong Chiến dịch Biên giới tháng 9.1950 và các chiến dịch đánh địch ở trung du, đồng bằng Bắc Bộ và cả trên mặt trận chính trị, ngoại giao tình thế cách mạng thuận lợi cho ta, Bác Hồ và Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc nhằm “tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai có tính quan trọng về chiến lược”, trong đó có Sơn La.

Ngày 14.10.1952, chiến dịch Tây Bắc mở màn. Sau hơn 1 tháng tiến công, một vùng rộng lớn từ hữu ngạn sông Thao đến tả ngạn sông Đà, từ Phù Yên, Mộc Châu, từ Yên Châu đến Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La lần lượt được giải phóng. Trước sức tiến công mạnh mẽ của các lực lượng chủ lực, phối hợp với bộ đội địa phương làm cho địch hoang mang dữ dội, khoảng 11h ngày 22.11.1952, Tiểu đoàn 115 đã tiến quân vào tỉnh lỵ Sơn La, mục tiêu giải phóng Sơn La đã giành được thắng lợi. Đây là mốc son lịch sử, là kết quả tất yếu của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh Sơn La, cùng với sự đồng thuận, nỗ lực và ý chí quyết tâm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ đây, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La thoát khỏi chế độ áp bức, bóc lột của đế quốc và phong kiến tay sai, vững bước trên con đường xây dựng đời sống mới.

Thắng lợi đó đã khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, của Tổng quân ủy và Bộ Tư lệnh, khẳng định sự trưởng thành lớn mạnh của lực lượng vũ trang Việt Nam; là sức mạnh đại đoàn kết quyết tâm chiến đấu của nhân dân các dân tộc Sơn La; khẳng định vai trò hạt nhân lãnh đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và của mỗi cán bộ, đảng viên đã vận dụng sáng tạo đường lối “kháng chiến, kiến quốc” của Đảng vào thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng Sơn La. Khẳng định về chiến thuật của quân đội ta, có sức phát triển rất nhanh chóng, mạnh mẽ, nhất là việc kết hợp thành công sử dụng quân chính quy tiến công với phát huy tác chiến phối hợp bộ đội địa phương, du kích; các chiến thuật công, kiên, vận động tấn công, phục kích, truy kích rất sáng tạo; tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; qua cách đánh đồn Mộc Lỵ từ địa chính trị của Mộc Châu giải phóng Mộc Châu, mở rộng vùng giải phóng, kết nối Sơn La với Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, vùng dọc sông Đà, kết nối Yên Châu, Mai Sơn; đặc biệt, Mộc Châu là điểm tập kết nhân lực, quân lực, hậu cần cho mặt trận Thượng Lào mà cho đến nay các yếu tố đó còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn để ngày hôm nay ta vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển vùng Mộc Châu, bố trí sử dụng cán bộ và lực lượng tại Mộc Châu.

Sau ngày giải phóng Sơn La, đảng bộ quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang, phát huy vai trò hậu phương trong chiến dịch Thượng Lào (1953), nhất là trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng vào ngày 7.5.1954 chấn động địa cầu. Sự nỗ lực cao độ của quân và dân Sơn La đã góp phần tích cực, quan trọng vào thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ; hoàn thành nghĩa vụ là hậu phương trực tiếp của “trận quyết chiến chiến lược”, đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ghi nhận những thành tích xuất sắc của đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng, Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu là đã có 20 tập thể, 6 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Với ý chí cách mạng kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa xây dựng cuộc sống mới, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La tiếp tục hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ là hậu phương chiến lược, góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, Sơn La đã góp phần tích cực vào việc mở rộng vùng giải phóng cách mạng Lào, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế với nước bạn.

Với những thành tích đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Sơn La đã được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng 8 tập thể, 5 cá nhân danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; 4 tập thể, 4 cá nhân danh hiệu Anh hùng lao động; Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương cao quý: Huân chương tự do.

Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, xây dựng Sơn La ngày càng giàu mạnh, văn minh

Những kinh nghiệm lãnh đạo nhiệm vụ chiến đấu giải phóng Sơn La đã để lại nhiều kinh nghiệm quý về: xây dựng tổ chức, xây dựng lực lượng, bố trí lực lượng, chọn điểm, nhân diện, đặc biệt là đã quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Trung ương vào thực tiễn của Sơn La; đã phát huy truyền thống đoàn kết trong đảng bộ, đoàn kết các dân tộc, tuyên truyền vận động đồng bào tin tưởng và đi theo Bác Hồ, theo cách mạng; đập tan, xóa bỏ tư tưởng tự trị, không mắc mưu kẻ xấu kích động; đồng thời cùng chung lo nhiệm vụ giúp đỡ bạn Lào chí tình, chí nghĩa. Đến hôm nay, đã và đang được các thế hệ cán bộ và đảng viên Sơn La phát huy sáng tạo đổi mới. Nên nhiều nội dung công tác trong quá trình lãnh đạo, phát triển Sơn La luôn sáng tạo, linh hoạt, phát triển kinh tế hàng hóa gắn với xuất khẩu, chăm lo toàn diện cho việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đã hoàn thành tốt việc di dân tái định cư thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La; chú ý phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng, biên giới; mở rộng đối ngoại; chăm lo công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm cho nên đội ngũ cán bộ tỉnh Sơn La phát triển nhanh chóng, hài hòa, đoàn kết, hướng về cơ sở, đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân. Tỉnh ta luôn là nơi góp phần bồi dưỡng, đào tạo nhiều cán bộ ưu tú cho Trung ương.

Giải phóng Sơn La - khởi đầu cho hành trình 70 năm xây dựng và phát triển -0

Tự hào về những kết quả đó, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, trong thời gian tới, tôi tin tưởng rằng cấp ủy, chính quyền tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, quan tâm tuyên truyền động viên phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, đoàn kết các dân tộc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới như nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Sơn La đã xác định. Quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, mở rộng quan hệ hợp tác, trọng tâm là các tỉnh Bắc Lào, giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, an ninh biên giới. Phát triển kinh tế gắn với các lĩnh vực xã hội; quan tâm công tác an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân hơn nữa. Tôi tin rằng với ý chí cách mạng kiên cường, không cam chịu đói nghèo, đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La sẽ vươn lên mạnh mẽ, xây dựng Sơn La ngày càng giàu mạnh, văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh.

PV