Nghĩ sâu, nhìn rộng, vươn tầm thế giới

Hải Đường 14/11/2022 07:12

Sau 6 kỳ tổ chức, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội đã dần khẳng định chất lượng, thu hút được nhiều tên tuổi của điện ảnh trong nước và quốc tế. Đường hướng tiếp theo là tạo dựng và nâng tầm thương hiệu, định vị tầm vóc cho Liên hoan phim trên bản đồ điện ảnh khu vực và thế giới. 

Cơ hội biết mình đang ở đâu

Sau 5 ngày diễn ra sôi nổi, bầu không khí "sống trong điện ảnh" của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI đã khép lại với Lễ bế mạc và trao giải tối 12.11. Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với chủ đề “Điện ảnh: Nhân văn - Thích ứng và Phát triển”, đây là sự kiện đặc biệt trong bối cảnh điện ảnh quốc tế và Việt Nam đã và đang hồi phục sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. 

"Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI tiếp tục khẳng định là một liên hoan phim trẻ, tràn đầy sức sống, năng động, đã có những kinh nghiệm ban đầu để tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, góp phần quảng bá điện ảnh Việt Nam và đưa điện ảnh thế giới đến với khán giả Việt Nam. Qua mỗi kỳ tổ chức, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội dần khẳng định được vị trí trong quá trình phát triển của điện ảnh Việt Nam, quy mô và hình thức dần hoàn thiện, đồng thời tạo được dấu ấn riêng của một Liên hoan phim được tổ chức tại thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến", Cục trưởng Vi Kiến Thành khẳng định.

Góp mặt tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI là một vinh hạnh đối với một tác phẩm độc lập như "Đêm tối rực rỡ". Nhìn nhận như vậy, biên kịch kiêm nữ chính bộ phim, nghệ sĩ Nhã Uyên cho rằng, Liên hoan phim đã làm tốt sứ mệnh kết nối nghệ sĩ trong nước và quốc tế, là cơ hội để nghệ sĩ Việt Nam được gặp gỡ, trao đổi, mở ra hướng hợp tác với nghệ sĩ nước ngoài. "Tôi có gặp, trò chuyện với một đạo diễn làm phim tài liệu cùng chủ đề về bạo hành với phim của chúng tôi, qua đó thấy được hai phim giống và khác nhau ra sao, chất lượng khai thác và sức hấp dẫn với khán giả ở từng quốc gia như thế nào...".

Hay đạo diễn Ji Un Choi (Hàn Quốc) với dự án "BADA", tham gia Chợ dự án Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI chia sẻ: "Đây là một trải nghiệm quý giá khi chúng tôi được trao đổi ý kiến với các nhà làm phim Việt Nam và các nước khác để biết được mức độ quan tâm của công chúng, nghệ sĩ quốc tế với tác phẩm của mình, từ đó phát triển, nâng cao chất lượng dự án phim".

Tham gia các liên hoan phim quốc tế cũng chính là cơ hội để các nhà làm phim Việt Nam biết mình đang ở đâu. Như ý kiến của đạo diễn Phan Đăng Di, điện ảnh là môn nghệ thuật dễ dàng phổ biến trên toàn thế giới, bởi phương tiện cũng như cách thức tiếp nhận điện ảnh khá dễ dàng. Nhưng nếu chỉ phạm vi hẹp trong nước, chúng ta sẽ rất khó nhìn nhận đúng, đánh giá hết giá trị và sức ảnh hưởng của nó. "Nếu bộ phim có cơ hội ra ngoài, dưới nhìn nhận của quốc tế thì mới có cơ hội hiểu được chúng ta có gì và thiếu gì", đạo diễn Phan Đăng Di nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trao giải Phim dài xuất sắc nhất cho đại diện đoàn phim
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh và Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông trao giải Phim dài xuất sắc nhất cho đại diện đoàn phim "Paloma" của Brazil
Ảnh: Trần Huấn

Xây dựng căn cước riêng

Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, TS. Lưu Trọng Hồng ấn tượng về không khí điện ảnh nhộn nhịp, sôi động, hữu nghị của Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI. "Tuy nhiên, tôi nhận thấy dấu ấn của các nghệ sĩ quốc tế đến Hà Nội không được rõ nét lắm. Có lẽ, sau dịch bệnh Covid-19, chính điện ảnh các nước cũng gặp khó khăn, và về phía Việt Nam cũng có khó khăn. Song đây là dịp để chúng ta nghĩ sâu, nhìn rộng, đúc rút kinh nghiệm phát triển điện ảnh, trong đó có vấn đề tổ chức liên hoan phim". 

Nhà phê bình điện ảnh, giám khảo người Pháp Max Tessier đưa ra lời khuyên: "Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội nên tập trung xây dựng danh tính, bản sắc riêng chứ không phải cố gắng để cạnh tranh với các liên hoan phim vốn có năng lực tài chính rất lớn như Tokyo, Busan, Hong Kong... Trước mắt, nỗ lực của Liên hoan phim là tiếp tục duy trì đều đặn, thu hút càng nhiều phim hay và khán giả đại chúng đến rạp càng tốt". 

Nhận định bức tranh toàn cảnh về chất lượng Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ VI là một cách để đóng góp cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam. Đạo diễn, giám khảo Lương Đình Dũng chỉ ra, vì Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội tổ chức 2 năm/lần nên sẽ ít thu hút được tác phẩm ra mắt lần đầu. "Các bộ phim không chờ mình để ra mắt trong Liên hoan phim, nghĩa là chúng ta đã giảm bớt cơ hội quảng bá hình ảnh. Ví dụ, bộ phim lần đầu tiên ra mắt ở Việt Nam, sau đó được giải ở các Liên hoan phim khác thì theo đó sẽ có hiệu ứng quảng bá lớn". 

Nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung đầu tư nguồn lực, qua đó nâng tầm thương hiệu cho Liên hoan phim. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, Liên hoan phim diễn ra đều đặn hàng năm và thường kéo dài 10 - 12 ngày, thậm chí đến nửa tháng. Trong đó, đại biểu quốc tế được mời đến Liên hoan phim chiếm tỷ lệ đông đảo, kèm theo mức kinh phí lớn dành cho các giải thưởng.

"Điều đó chỉ xuất phát từ nỗ lực của Ban tổ chức là chưa đủ, hay thậm chí từ cơ chế huy động xã hội hóa cũng không hẳn bền vững, mà cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tất cả phải huy động nguồn lực, guồng máy vào cuộc thì mới tạo nên hiệu ứng lớn, tầm thương hiệu Liên hoan phim", đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định. 

Hải Đường