Giáo dục STEM vẫn chỉ dừng lại ở hoạt động phong trào

10/11/2022 14:50

Giáo dục STEM vẫn chủ yếu dừng lại ở các hoạt động mang tính thử nghiệm và phong trào, tùy thuộc rất nhiều vào điều kiện và năng lực cụ thể của từng địa phương và nhà trường.

Tại tọa đàm khoa học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) được Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến đã nêu những quan điểm đáng chú ý về việc nhận diện những điểm yếu trong thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian qua.

Bên cạnh đó, cũng đồng thời đề xuất những giải pháp những việc cần làm liên quan đến nguồn nhân lực STEM chất lượng cao trong thời gian sắp tới.

Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến
Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến

Chất lượng nhân lực chưa theo kịp bước tiến kinh tế

Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO năm 2014 nhận định, Việt Nam chưa có lực lượng lao động kỹ năng cao với cơ cấu và chất lượng như mong đợi. Việt Nam chưa có cơ chế đào tạo và sử dụng hợp lý để tạo được động lực cho lực lượng này làm trụ cột dẫn dắt nền kinh tế phát triển đúng hướng, cạnh tranh và hiệu quả.

Sau nhiều năm tích cực thay đổi, cải thiện chất lượng nhân lực lao động, năm 2019, báo cáo của ILO chỉ ra rằng tăng trưởng việc làm trung bình hàng năm ở Việt Nam trong thập kỷ qua đã tập trung vào các công việc có kỹ năng trung bình và cao. Phân bố việc làm theo trình độ kỹ năng của Việt Nam vào năm 2018 là: trình độ kỹ năng thấp là 36%; trình độ kỹ năng trung bình là 53%; trình độ kỹ năng cao là 12%.  

Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước thu nhập trung bình cao là như sau: trình độ kỹ năng thấp là 32%; trình độ kỹ năng trung bình là 48%; trình độ kỹ năng cao là 20%. Như vậy, sự phân bố chất lượng lao động của Việt Nam dù được cải thiện vẫn còn chênh lệch so với thế giới.

Theo nhận định của ILO (2019), mục tiêu nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đạt 20% như các nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 là khả thi. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao có đạt được tỷ lệ 20% của lực lượng lao động có kỹ năng thì yếu tố quy mô của nguồn nhân lực chất lượng cao chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu lực lượng lao động vẫn là thách thức lớn để phát triển kinh tế.

Theo Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến, xuyên suốt tiến trình đổi mới giáo dục, mặc dù đã có nhiều đổi mới trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giáo dục đại học (GDĐH), chất lượng và hiệu quả đào tạo có từng bước được cải thiện nhưng nguồn nhân lực này không theo kịp bước tiến trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Báo cáo cạnh tranh toàn cầu nhiều năm qua luôn cảnh báo chất lượng đào tạo nhân lực chưa cao của Việt Nam là một trong ba rào cản lớn nhất trước yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Riêng báo cáo cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 đã khuyến cáo cần có những cải thiện đáng kể trong GDNN và GDĐH vì nhiều doanh nghiệp thấy rằng sự thiếu hụt của một bộ phận lực lượng lao động được đào tạo tốt chính là rào cản lớn trong hoạt động kinh doanh, sản xuất.  

Trên thực tế, ngành giáo dục đã có những thay đổi nhưng điều này còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Cụ thể, về số lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên mới chỉ khoảng 20% lực lượng lao động, thấp hơn nhiều so với yêu cầu của thị trường.

Đặc biệt, sự thiếu hụt các nhà khoa học sáng tạo, các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, các doanh nhân giỏi trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Về chất lượng, nhiều cơ sở đào tạo chưa trang bị cho người học những kỹ năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, cũng chưa đào tạo được nguồn lao động đủ năng lực để đáp ứng các yêu cầu mới nẩy sinh, việc làm mới nẩy sinh từ thực tế.

Ngoài ra, tiến sĩ Tiến còn chỉ ra tình trạng mất cân đối về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền vẫn là một điểm yếu trong phát triển nhân lực nước ta. Riêng trong cơ cấu nhân lực chất lượng cao trình độ tiến sĩ, có tới 70% giữ chức vụ quản lý, chỉ còn 30% làm công tác chuyên môn.

Đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Trước những thực tế nêu trên, tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0), mà bản chất là áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội thì việc phát triển nguồn nhân lực STEM, nhất là nhân lực STEM chất lượng cao sẽ là bước đột phá, giải quyết vấn đề này.

Để có được nguồn nhân lực STEM thì cần phải hiểu rõ định nghĩa về giáo dục STEM. STEM thực chất là phương pháp giáo dục tích hợp liên môn, liên ngành, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học thông qua thực hành và ứng dụng, đưa ra giải pháp cho các vấn đề thực tế trong cuộc sống.

Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học nhăm tạo ra những lao động có năng lực làm việc thích ứng cao, giải quyết các vấn đề, công việc mang nặng tính sáng tạo trong nền kinh tế tri thức.

Như vậy, nguồn nhân lực STEM được hiểu là nhân lực ở mọi trình độ đào tạo làm việc trong một phạm vi rộng các công việc gắn liền với việc vận dụng hoặc tạo ra các các sản phẩm và quy trình mới dựa trên tri thức và năng lực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Lực lượng lao động này bao gồm các nhà khoa học, những lao sử dụng kiến thức và kỹ năng STEM để tạo ra hoặc áp dụng các đổi mới sáng tạo và những lao động cần năng lực STEM để hoàn thành nhiệm vụ trong các công việc gắn liền với công nghệ.

Theo tiến sĩ Tiến, lực lượng này vừa đóng vai trò đáp ứng, giải quyết các yêu cầu mới của thị trường lao động mà còn khai thác được các cơ hội trong cách mạng công nghệ 4.0 để đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy kinh tế, đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra.

Với mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 thì cần cơ cấu nhân lực mới để thực hiện thành công. Trong đó, cơ cấu nhân lực mới phải chuyển trọng tâm sang phát triển nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là nhân lực STEM, nhất là nhân lực STEM chất lượng cao.

Trong thực tế, Việt Nam mới chỉ nói nhiều đến giáo dục STEM, còn các khái niệm quan trọng như năng lực STEM, nhân lực STEM, việc làm STEM thì chưa được đề cập nhiều. Trong vài năm gần đây, giáo dục STEM bước đầu được triển khai trong giáo dục phổ thông nhưng nhận thức về STEM trong xã hội cũng như trong nghiên cứu và xây dựng chính sách còn hạn chế.

Nguồn nhân lực STEM thực chất là sự mở rộng của nguồn nhân lực khoc học và công nghệ. Tại các quốc gia phát triển, sự mở rộng sang nguồn nhân lực STEM, với tư cách là lực lượng chủ chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc giá trở thành một ưu tiên phát triển trong chính sách phát triển nguồn nhân lực kể từ khi bước vào nền kinh tế tri thức. Các lĩnh vực STEM và những người làm việc trong đó là những cỗ máy quan trọng của đổi mới và tăng trưởng.

3 thành phần tạo nên hệ sinh thái STEM

Để ưu tiên phát triển nguồn nhân lực STEM, nhất là nguồn nhân lực STEM chất lượng cao, tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng cần đặt nguồn nhân lực STEM trong hệ sinh thái của riêng nó.

Một hệ sinh thái STEM vững mạnh phải gồm 3 thành phần: Hệ thống chính sách, pháp luật Nhà nước một mặt trọng dụng nhân tài, mặt khác tạo động lực và năng lực cho doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, vận dụng tiến bộ khoa học và công nghệ;  Hệ thống giáo dục lấy người học là trung tâm, thúc đẩy học tập suốt đời, theo tiếp cận năng lực, đặc biệt là năng lực STEM; Cuối cùng là văn hóa STEM được quan tâm phát triển để góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng, cơ hội và lợi ích gắn liền với STEM. 

Như vậy, trong hệ sinh thái này, giáo dục STEM là một thành tố tiên quyết trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực STEM. Từ thực trạng giáo dục STEM hiện nay ở Việt Nam, rất cần những nghiên cứu chuyên sâu cùng những điều tra, khảo sát bài bản để tạo cơ sở cho việc cụ thể hóa triết lý STEM thành mô hình giáo dục STEM phù hợp với điều kiện cụ thể và yêu cầu cụ thể của nguồn nhân lực STEM chất lượng cao ở nước ta.

Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến cũng chỉ ra rằng, trên thực tế, việc tổ chức thực hiện giáo dục STEM là đa dạng. Trong thực tế, có ít nhất 5 cách thực hiện giáo dục STEM là đơn môn, đa môn, liên môn, xuyên môn, tân môn (tức là coi STEM là một môn học mới, trong đó không còn ranh giới truyền thống giữa các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).

Ở Việt Nam, giáo dục STEM đã được mô tả trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 như sau: Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.

Bộ GD và ĐT cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn và tài liệu tập huấn về tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong GDPT. Thực tế triển khai cho thấy việc tổ chức thực hiện khá đa dạng, với nhiều hoạt động nhưng do những hạn chế về cơ sở vật chất-thiết bị và sự chưa sẵn sàng của đội ngũ giáo viên nên giáo dục STEM vẫn chủ yếu dừng lại ở các hoạt động mang tính thử nghiệm và phong trào, tùy thuộc rất nhiều vào điều kiện và năng lực cụ thể của từng địa phương và nhà trường. Bên cạnh đó, bản chất của giáo dục STEM là tiếp cận năng lực việc này trong chương trình GDNN và GDĐH chưa  được coi trọng.

Nguyên nhân là bởi khung trình độ quốc gia vẫn chưa được tổ chức thực hiện; điều đó khiến các chuẩn đầu ra của các ngành, nghề đào tạo vẫn chưa được xác lập theo Khung trình độ quốc gia làm cơ sở cho việc xây dựng thực chất chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực.

Vì vậy, để có thể ưu tiên phát triển nguồn nhân lực STEM chất lượng cao, trong các chính sách liên quan đến doanh nghiệp STEM, văn hóa STEM, giáo dục STEM, rất cần quan tâm thực hiện đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam như quyết tâm Đảng và Nhà nước đặt ra.

Nhật Duy (ghi)