Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người khuyết tật nghe nói trong khám bệnh, chữa bệnh

Nguyễn Ngân 08/11/2022 17:22

Rào cản ngôn ngữ đã ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận thông tin của người điếc trong cả môi trường bệnh viện cũng như trong việc tìm hiểu các kiến thức y khoa. Việc không sử dụng ngôn ngữ nói và nhân viên y tế không biết ngôn ngữ kí hiệu đã làm cho người điếc gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về các dịch vụ trong cơ sở y tế.

Tỷ lệ phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu thấp

Việt Nam, nhìn chung, hệ thống chính sách về khám bệnh, chữa bệnh cơ bản đã bảo đảm quyền khám bệnh, chữa bệnh của người khuyết tật (gồm cả người khuyết tật nghe nói) trên cơ sở tinh thần của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; Hiến pháp năm 2013; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Người khuyết tật năm 2010 và một số văn bản pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, theo Báo cáo về vấn đề tiếp cận thông tin cho người khuyết tật nghe nói tại cơ sở y tế mới đây cho thấy Luật Người khuyết tật và các luật chuyên ngành khác chưa chú trọng đến việc đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe hiệu quả đối với người điếc. Hiện, người điếc gặp nhiều rào cản ngôn ngữ trong giao tiếp với nhân viên y tế, ngay cả khi có người nhà đi cùng. Theo Báo cáo Điều tra về người khuyết tật của Tổng cục thống kê dân số, cả nước có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói, trong đó tỷ lệ 10% học hết bậc tiểu học và 17,5% học hết THCS đối với người điếc.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người khuyết tật nghe nói trong khám bệnh, chữa bệnh -0
Thiếu nguồn nhân lực về phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu trong lịch vực y khoa. Nguồn: INT

Bên cạnh đó, mặc dù Bộ Y tế cũng đã ban hành “Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam” trong đó, một bệnh viện được đánh giá chất lượng rất tốt (mức 5) phải “có nhân viên phiên dịch cho người khiếm thính hoặc có phương án hợp tác ký hợp đồng với người phiên dịch trong trường hợp có người bệnh khiếm thính đến khám, chữa bệnh. Bảo đảm đáp ứng được người phiên dịch cho người bệnh khiếm thính trong vòng 90 phút khi được yêu cầu”. Song, thực tế nguồn nhân lực về phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu trong lĩnh vực y khoa còn khá hạn chế. Tính đến nay, chỉ có khoảng 15 phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu được cấp các chứng chỉ đào tạo về phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu của Bộ giáo dục và đào tạo và chủ yếu tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo ngôn ngữ kí hiệu cho cán bộ y tế còn khá manh mún, phần lớn do các trung tâm dạy ngôn ngữ kí hiệu do người điếc sáng lập triển khai. Hiện nay, cả nước có khoảng 3 Trung tâm dạy ngôn ngữ kí hiệu cho đối tượng là người lớn có nhu cầu. Trong thời gian gần đây, các bệnh viện lớn đều có nhu cầu cử cán bộ y tế học ngôn ngữ kí hiệu để đáp ứng Tiêu chí A2.5 trong Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện. Trong khi đó, các chủ đề liên quan đến việc giao tiếp với người điếc trong bệnh viện cho cán bộ y tế chưa được tập trung phát triển.

Khuyến khích xã hội hoá trong phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu

Là một người khiếm thính, chị Trần Thị Dung ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, “tôi cảm thấy việc có phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu tại bệnh viện thực sự cần thiết. Nó giúp bệnh nhân là người điếc như tôi có thể chủ động trình bày những cảm giác, triệu chứng của mình, tự quyết định được việc mình có tham gia chữa trị bằng phương pháp đó hay không, hỏi về cách sử dụng thuốc như thế nào... Điều khó khăn duy nhất là chi phí phiên dịch, đôi khi còn đắt hơn cả chi phí khám chữa bệnh, và chi phí này do người điếc tự chi trả. Tôi hy vọng tương lai bệnh viện có thể thuê phiên dịch cho các bệnh nhân người điếc, để các bệnh nhân người điếc có thể khám chữa bệnh như những người nghe nói bình thường khác, và trả chi phí bằng với họ”.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người khuyết tật nghe nói trong khám bệnh, chữa bệnh -0
Tăng cường quyền tiếp cận thông tin cho người khuyết tật nghe nói trong khám bệnh, chữa bệnh. Nguồn: INT

Cả nước có 933.896 người khuyết tật nghe và 836.247 người có vấn đề về giao tiếp (tính đến cuối năm 2016, đầu năm 2017). Người khuyết tật nghe nói gặp không ít khó khăn trong khám bệnh, chữa bệnh do rào cản về ngôn ngữ: Một số người khuyết tật nghe, nói không biết chữ hoặc không thể viết, khi khám bệnh, chữa bệnh chỉ có một mình, không có người thân hoặc người thân không thể phiên dịch.

Đại diện Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng ACDC cho biết để bảo đảm quyền của người khuyết tật nghe, nói trong khám bệnh, chữa bệnh dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cần khẳng định ngôn ngữ ký hiệu là một trong những ngôn ngữ được sử dụng trong hoạt động khám, chữa bệnh. Cần khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh bố trí nhân viên ngôn ngữ ký hiệu, cộng tác viên khác hỗ trợ trong khám chữa bệnh cho người điếc, khuyến khích xã hội hoá trong phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu cho người khuyết tật trong khám, chữa bệnh.

Đồng quan điểm, Phó trưởng Ban vận động thành lập Hội người Điếc Việt Nam Nguyễn Hoàng Lâm cũng cho rằng Luật Người khuyết tật cần sửa đổi theo hướng công nhận quyền được khám bệnh chữa bệnh có sử dụng ngôn ngữ kí hiệu của người điếc và dịch vụ phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu trong khám bệnh chữa bệnh là dịch vụ hỗ trợ thiết yếu đối với người điếc. Bổ sung điều khoản quy định về việc các cơ sở y tế phải bố trí phiên dịch ngôn ngữ kí hiệu hoặc các thiết bị hỗ trợ khác (như dịch vụ phiên âm có sự hỗ trợ của máy tính, tài liệu viết...). Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật nghe, nói trong khám chữa bệnh. Tăng cường sự tham gia của người điếc có trình độ trong việc nghiên cứu và xây dựng các chương trình đào tạo phiên dịch khám bệnh chữa bệnh trong lĩnh vực y khoa....

Nguyễn Ngân