Phải có đánh giá, tổng kết thực tiễn
Bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng là vấn đề mới nên cần nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thực tiễn và chắt lọc bài học kinh nghiệm quốc tế để có quy định phù hợp, vừa giải quyết vấn đề cấp bách vừa bảo đảm tính bền vững, lâu dài.
Vi phạm sẽ ngày càng nhiều
Tại Tọa đàm trực tuyến “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng” do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương tổ chức chiều 19.10, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết: Trong 5 - 6 năm trở lại đây, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, tốc độ phát triển trung bình từ 25 - 35%/năm. Năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, song thương mại điện tử là một trong số ít ngành vẫn duy trì tăng trưởng hai con số, đạt 16%, quy mô thị trường đạt 13,7 tỷ USD.

Các tổ chức nghiên cứu thị trường quốc tế đánh giá rất cao thị trường thương mại điện tử Việt Nam, nhìn về góc rộng bán lẻ, hàng hóa, dịch vụ gọi xe, du lịch trực tuyến... Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử sẽ trong nhóm hàng đầu khu vực, dự đoán đến năm 2025 quy mô thị trường đạt 57 tỷ USD.
Điều quan trọng hơn, theo bà Lại Việt Anh, không phải là những con số tăng trưởng mà sâu xa là việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp. “Cùng sự mở rộng của thị trường thì những hành vi vi phạm sẽ ngày càng đa dạng, càng nhiều”, bà Lại Việt Anh lưu ý.
Sự lo ngại này của bà Lại Việt Anh hoàn toàn có cơ sở. Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương Trịnh Anh Tuấn dẫn chứng, thông qua đường dây nóng 18006838, hàng năm Cục nhận được hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại tố cáo các vấn đề liên quan đến tranh chấp kinh doanh, vi phạm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Số lượng các khiếu nại tố cáo liên quan đến kinh doanh trên không gian mạng tăng lên rất nhanh và chiếm thứ hai trong tổng số lượng đơn thư (chiếm 15,4%), tập trung các vấn đề như chậm, không trả đơn hàng; chậm trả tiền cho khách hàng, không chịu bồi thường cho hàng hóa, cung cấp sản phẩm không bảo đảm.
Thực tế, việc bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Nghị định số 99/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật; Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử; Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP… Tuy nhiên, các hành vi vi phạm vẫn gia tăng.
Theo ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh, công tác quản lý với thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang có khoảng chênh nhất định: giữa chính sách và thực tiễn, giữa mong muốn và khả năng đáp ứng nhu cầu quản lý.
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, một số quy định không còn phù hợp khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ban hành được 12 năm. Tại Chương III của Luật, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng rất nhiều; nhiệm vụ, trách nhiệm được giao khá rõ và đầy đủ nhưng quyền hạn, nguồn lực để thực thi lại chưa được quy định cụ thể.
Chia sẻ với nhận định trên, ông Trịnh Anh Tuấn xác nhận, nguồn lực hạn chế khiến cơ quan quản lý chưa thể giám sát chặt chẽ hành vi vi phạm. Đặc biệt do đặc thù của giao dịch thương mại điện tử nên việc xử lý các vi phạm hoặc công tác thanh tra, kiểm tra cũng gặp rất nhiều khó khăn vì đối tượng tham gia trên các sàn giao dịch điện tử thường có địa chỉ thiếu minh bạch hoặc là có nơi cư trú không ổn định.
Quản lý cần dựa trên rủi ro
Theo các đại biểu, trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, dự báo sẽ đứng hàng đầu khu vực ASEAN trong 3 năm tới, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng là yêu cầu rất cấp thiết.
Hiện, Chính phủ (Bộ Công thương) đã hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư này, trong đó có chương riêng quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó có không gian mạng. Theo các đại biểu, đây là quy định rất cần thiết.
Góp ý vào dự thảo Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng là một vấn đề hết sức mới mẻ ở Việt Nam và thế giới. Vì vậy, việc thiết kế, xây dựng dự thảo luật lần này muốn bảo đảm tính khả thi đòi hỏi cần phải tiếp tục tổng kết, đánh giá từ thực tiễn của Việt Nam, chắt lọc bài học kinh nghiệm của quốc tế để đưa ra được những quy định phù hợp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách vừa bảo đảm tính bền vững, lâu dài.
Giám đốc Pháp chế và Đối ngoại, Ví điện tử MoMo Đoàn Tử Tích Phước cho rằng, khó khăn lớn nhất vẫn là các tranh chấp, giao dịch với người tiêu dùng càng ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là trên môi trường số, khi mà các phương tiện điện tử giúp giao dịch trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy, công tác quản lý, thực thi pháp luật cần phải có sự ưu tiên, quản lý dựa trên rủi ro và cần nhận diện được đâu là điểm yếu, đâu là vấn đề cần tập trung xử lý, tránh dàn trải sẽ khó hiệu quả.
Điều quan trọng, ông Phước cho rằng, những công cụ về công nghệ, pháp lý, thực thi pháp luật, cơ quan quản lý cũng như xã hội xây dựng chỉ giúp cho người tiêu dùng có “khóa”, còn những người nắm “chìa khóa” là người tiêu dùng. Để bảo vệ và sử dụng “chìa khóa” tốt nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân. Muốn vậy, đòi hỏi nỗ lực chung của toàn xã hội.
Giao dịch trên mạng được bảo vệ như thế nào?
Để có thể điều chỉnh kịp thời các loại hình kinh doanh, giao dịch mới với người tiêu dùng cũng như các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng mới có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0…, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung một chương quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với người tiêu dùng.
Theo đó, giao dịch từ xa, bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.
Điểm đáng lưu ý là dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Cụ thể, dự thảo đã tập trung quy định rõ trách nhiệm của 2 chủ thể là “tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua các nền tảng số”, và “tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số”.
Đối với “tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian” phải thực hiện thêm các trách nhiệm như: Chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; chỉ định, công bố công khai đầu mối tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến sản phẩm, dịch vụ; cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động trên nền tảng khi người tiêu dùng có yêu cầu…
Đối với “tổ chức, cá nhân kinh doanh được xác định là nền tảng số lớn”, còn phải thực hiện thêm các trách nhiệm như: Thiết lập kho lưu trữ các quảng cáo có sử dụng thuật toán để nhắm đến người, nhóm người tiêu dùng cụ thể; đánh giá định kỳ hoạt động kiểm duyệt nội dung, việc sử dụng hệ thống thuật toán và quảng cáo nhắm đến người, nhóm người tiêu dùng;...
Dự thảo cũng đưa ra các quy định cấm đối với “tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số”, như: cấm ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; cấm sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…