Sự giao kết hài hòa văn hóa Đông - Tây

Hồng Hà 18/10/2022 05:34

Tại Hội thảo “90 năm phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn”, do Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức sáng 17.10, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, Thơ mới là kết quả vận động của một nền văn hóa giao tranh về hệ hình tư tưởng và thi pháp có kế thừa sáng tạo, sự va chạm văn hóa Đông - Tây, sản phẩm của nền văn hóa Việt Nam trong một thời đoạn lịch sử.

Tổng hòa ý thức xã hội, thời đại và nghệ thuật

Theo TS. Nguyễn Thị Hiền, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, văn hóa và văn học có mối quan hệ hữu cơ và văn hóa chi phối mọi mặt đời sống văn học nhưng chính văn học cũng làm nên các giá trị văn hóa tinh thần. “Từ góc nhìn văn hóa, chúng ta có thể khám phá được những kết tinh trong Thơ mới ở tính tổng hòa ý thức xã hội, thời đại và nghệ thuật. Thơ mới là kết quả của quá trình vận động phức hợp của nền văn hóa bản địa cổ có sự giao kết hài hòa với văn hóa Đông - Tây.

Phong trào Thơ mới (1932 - 1945) có những đóng góp quan trọng đối với tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc
Phong trào Thơ mới (1932 - 1945) có những đóng góp quan trọng đối với tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc

TS. Nguyễn Thị Hiền cho biết, trong tổng hòa đó, thể hiện tâm thức văn hóa làng quê thì ở thơ Tế Hanh, ngoài niềm tự hào của nhà thơ về làng chài ven biển miền Trung còn gắn với những hồi ức, hoài niệm, suy tư. Đó là những hình ảnh mộc mạc, có sức mạnh tinh thần trong hành trình dựng nước và giữ nước, đánh thức tình yêu quê hương đất nước ở người đọc. Tìm hiểu các sáng tác của Nguyễn Bính và Đoàn Văn Cừ giúp ta nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục lễ hội và tâm hồn Việt. Xuân Diệu bước vào thi ca Việt Nam là một hồn thơ thiết tha yêu sự sống, khát khao giao cảm, hưởng thụ vẻ đẹp của cuộc sống trần gian…

ThS. Phạm Văn Học, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh cho biết thêm, trong những sáng tác đậm chất làng quê ấy, là điệu hồn dân tộc phảng phất trong ca dao, dân ca. “Trên nền tảng truyền thống, các nhà thơ Thơ mới đã tiếp thu những thành tựu về nhạc tính trong thơ Đường, thơ Pháp để làm giàu nhạc điệu của Thơ mới, vươn xa hơn trên tiến trình văn học. Các nhà thơ Thơ mới dù ít dù nhiều đều bị chi phối bởi quy luật nhạc điệu truyền thống của ngôn ngữ dân tộc. Vì vậy, mọi nguyên tắc tổ chức ngôn từ thơ ca của thể lục bát được tạo dựng theo một thể thức nhất định, tuân thủ nghiêm ngặt cơ cấu tổ chức âm luật về phương thức gieo vần, ngắt nhịp, phối điệu, cơ sở quan trọng để tạo dựng những lời dân ca giàu chất dân gian…”.

Cái “tôi” - trung tâm của mọi cảm xúc

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Thơ mới song song thể hiện mối quan hệ với văn hóa tâm linh, địa văn hóa, văn hóa làng quê, văn hóa dân gian, là những sáng tác với quan niệm khác nhau về con người. PGS.TS. Cao Thị Hảo, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, phân tích, là sản phẩm của nền văn hóa Việt Nam trong một thời đoạn lịch sử, dưới góc nhìn văn hóa, quan niệm nghệ thuật về con người (cái “tôi”) trong Thơ mới là một trong những yếu tố cơ bản, then chốt nhất của chỉnh thể nghệ thuật. Trong đó, tiêu biểu là ba mô thức về con người xuất hiện: Con người cô đơn lạc loài, con người hoài niệm quá khứ và con người mộng ảo.

Con người cô đơn lạc loài xuất hiện nhiều trong thơ Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Vũ Đình Liên, Thế Lữ hay nhóm thi sĩ đồng quê, đó là những nhân vật trữ tình luôn ở trong trạng thái lẻ loi, cô đơn, sợ hãi chính mình; cô đơn lạc loài không tìm được tiếng nói chung với cộng đồng, không tìm được phương hướng, lối đi trong cuộc đời. Con người mộng ảo với các biểu hiện như con người sầu mộng trong thơ Huy Cận; con người phân thân, mộng mị và hoang tưởng trong thơ Hàn Mặc Tử hoặc con người lạc loài tìm về quên lãng trong sự say trong thơ Vũ Hoàng Chương. “Việc nghiên cứu về con người trong Thơ mới cho thấy giá trị của Thơ mới, phong cách của một số tác giả tiêu biểu và những cuộc “giải thoát”, “vượt ngục” của cái “tôi” theo hướng thoát ly thực tại khi Thơ mới đi tìm cho mình một bản thể riêng”, PGS.TS. Cao Thị Hảo nhận định.

PGS.TS. Thái Phan Vàng Anh, Trường Đại học Sư phạm Huế, chứng minh, từ cội nguồn văn hóa, văn học phương Đông, Thơ mới xuất hiện khi làn sóng phương Tây tràn đến và xô đẩy những thành trì quen thuộc trong quan niệm, lối viết của thơ cũ. Tư tưởng, mô hình thơ phương Tây đã làm nên những thay đổi toàn diện nền thơ Việt Nam nếu so sánh với thơ ca truyền thống. Tuy vậy, nhìn sâu vào chân tủy của Thơ mới, hồn cốt Á Đông vẫn không hề mất đi. Các kiệt tác Thơ mới, về thiên nhiên, con người, đa phần đều là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn Đông - Tây, từ nội dung đến hình thức nghệ thuật.

“Những tuyệt tác Thơ mới phần lớn cũng là những bài thơ mà Đông - Tây nhuần nhụy, xuyên thấm trong nhau. Đó là những bài thơ mang các biểu tượng phương Đông, lấy cảm hứng từ các điển cố, điển tích trong văn hóa, văn học phương Đông như Đàn nguyệt, Tiếng sáo thiên thai (Thế Lữ); Phương xa, Đà giang (Vũ Hoàng Chương); Nguyệt cầm, Lời kĩ nữ (Xuân Diệu); Tỳ bà, Mộng Cầm ca (Bích Khê); Giang hồ, Tiếng thu (Lưu Trọng Lư); Tống biệt hành, Tiếng địch sông ô (Thâm Tâm); Huyền ảo, Khuê phụ thán (Hàn Mặc Tử); hay Một con sông lạnh, Tình tôi của Nguyễn Bính... Những bài thơ đó vừa mang âm hưởng của thơ tượng trưng phương Tây, vừa mang tính tượng trưng, một trong những đặc trưng thẩm mĩ của thi ca phương Đông truyền thống (thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Tứ…).

“Trong những va chạm Đông - Tây, Thơ mới có lúc đối lập và tạo ra những tranh luận bất tận về thơ kiểu phương Đông hay thơ kiểu phương Tây, thơ cũ hay thơ mới. Tuy vậy, đi đến tận cùng bản chất của thơ ca, Đông hay Tây đều hướng đến vẻ đẹp của hình ảnh, ngôn từ, của nhạc tính, nhịp điệu… Sau 90 năm nhìn lại, có thể khẳng định, Thơ mới là bản hòa âm Đông - Tây với nhiều cung bậc phong phú. Một thế hệ các nhà thơ dù mang dáng dấp phương Tây hay chân chất hồn Việt đều đã biết chắt lọc tinh hoa Đông - Tây để làm nên một giai đoạn thơ Việt đặc sắc”, PGS.TS. Thái Phan Vàng Anh khẳng định.

Hồng Hà