"Con đường" trở về tranh dân gian

Hải Đường 13/10/2022 06:17

Vẫn tôn trọng những giá trị nghệ thuật tranh dân gian xưa nhưng nâng đường nét, văn hóa lên tầm cao mới. Đó là cách nhóm nghệ sĩ của Latoa Indochine đang thực hiện, để di sản truyền thống hòa quyện với hơi thở đời sống đương đại.

Tận dụng thế mạnh 3 dòng tranh

Những năm qua, trước khó khăn về tiêu thụ sản phẩm cũng như thiếu vắng tầng lớp kế cận tại làng nghề làm tranh truyền thống, nhiều dự án nghệ thuật đã được khởi phát nhằm đưa tranh dân gian ứng dụng vào đời thường nhưng vẫn chưa nhận được nhiều quan tâm. Mới đây, họa sĩ Lương Minh Hòa cùng các cộng sự của Latoa Indochine đã đưa ra cách thể hiện mới, qua triển lãm "Con đường" (đang trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội) với gần 120 tác phẩm tranh dân gian trên chất liệu sơn mài khắc. 

Theo Chủ tịch Latoa Indochine Phạm Ngọc Long, lật giở từng trang lịch sử văn hóa ta sẽ bắt gặp những dấu ấn vàng son của hội họa dân gian Việt Nam. Ở đó, tranh dân gian có vị trí rất quan trọng, gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu của người xưa. Một xã hội Việt Nam thu nhỏ được tái hiện sinh động qua từng chạm khắc, nét vẽ của tranh dân gian. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện đại, nhu cầu chơi tranh và sử dụng tranh không còn phổ biến như trước, dẫn đến nguy cơ mai một, thất truyền.

"Bởi vậy, chúng tôi đã thai nghén suốt 5 năm qua câu hỏi làm sao giữ gìn được giá trị văn hóa tranh dân gian và nâng tầm, lan tỏa giá trị ấy trong xã hội hiện đại. Sau rất nhiều nghiên cứu thử nghiệm các giải pháp, câu trả lời được đưa ra là chuyển thể tranh dân gian lên chất liệu sơn mài khắc, tức kết hợp sáng tạo hai phương pháp làm tranh lâu đời là sơn mài và sơn khắc, nhằm giúp tranh dân gian trở nên hiện đại, sang trọng, thích ứng cao với các kiểu không gian kiến trúc khác nhau", ông Phạm Ngọc Long cho biết. 

Mỗi tác phẩm tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng được họa sĩ phác thảo, dùng công nghệ khắc lõm từng chi tiết để tạo các nét đen như tranh truyền thống. Tiếp đó dùng sơn then, cánh gián để mài lên màu, rồi thếp vàng, thếp bạc, mỗi màu là một lớp, sau mỗi lớp là một lần mài. Bằng cách ấy, các họa sĩ có thể tận dụng và kết hợp cả ba dòng tranh truyền thống là sơn mài, tranh khắc và tranh dân gian, mang lại tính độc đáo, hiện đại cho tác phẩm. Nói như họa sĩ Lương Minh Hòa: "Ông cha đã sáng tạo và đúc kết ra kỹ thuật làm tranh tài hoa, vậy thì tại sao chúng ta không tận dụng bằng cách kết hợp thế mạnh của các dòng tranh ấy với nhau?" 

Các họa sĩ của Latoa Indochine tạo tác tác phẩm từ đường nét tranh dân gian, kỹ thuật sơn mài và tranh khắc - Nguồn: Latoa Indochine
Các họa sĩ của Latoa Indochine tạo tác tác phẩm từ đường nét tranh dân gian, kỹ thuật sơn mài và tranh khắc
Nguồn: Latoa Indochine

Kỹ thuật mới, sắc thái mới

Latoa Indochine được thành lập từ tháng 6.2022, hội tụ các họa sĩ có cùng đam mê, tâm huyết với sơn mài truyền thống và văn hóa dân gian, với các tên tuổi quen thuộc trong giới nghệ thuật như Lương Minh Hòa, Nguyễn Văn Phúc (H.T.Phúc)... cùng với sự cộng tác kỹ thuật của Nguyễn Mạnh Hà, Hoàng Đình Duy, Nguyễn Trọng Khang, Phạm Huy Tuấn, Đinh Quang Hùng, Nguyễn Văn Điện. 

Tranh dân gian ấn tượng ở nội dung phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, vật chất, được nghệ nhân lành nghề khắc họa ước mơ ngàn đời của người lao động về cuộc sống gia đình thuận hòa, ấm no, hạnh phúc, về xã hội công bằng, tốt đẹp... Tranh khắc gỗ vốn giàu tính biểu đạt hình tượng thẩm mỹ, trong khi tranh sơn mài lại nặng về chiều sâu. Theo họa sĩ Lương Minh Hòa, "để kết hợp những yếu tố đó không đơn giản. Nếu căn ke quá sẽ trở thành mỹ nghệ, còn tự do quá thì không khác gì in ấn đồ họa trên gỗ, không toát lên sự tinh tế và mang lại cảm xúc mới mẻ".  

Lồng ghép ba dòng tranh truyền thống có thể dẫn đến hiểu lầm chỉ là sao chép đơn thuần. Họa sĩ Lương Minh Hòa phản biện, điều quan trọng là truyền tải trọn vẹn tinh thần của tranh truyền thống, cho nó đời sống mới, sức hấp dẫn mới. "Nhiều họa sĩ cho rằng tác phẩm phải là tạo tác độc nhất vô nhị, còn chúng tôi cùng nhìn về truyền thống, quan tâm học hỏi nét tài hoa của ông cha và trân quý nó, mong muốn bảo tồn nó, giống như ta uống dòng sữa mẹ để lớn lên, để trưởng thành. Trong triển lãm 'Con đường', tôi trưng bày một cây cột đen phản chiếu xuống tấm gương phía dưới, muốn nói rằng quá khứ đã qua, đã mờ rồi, không thể nhìn thấy hay chạm tới, nhưng vẫn là cái nền cho chúng ta sáng tạo lên tầm cao hơn".

Xã hội thay đổi, nhu cầu của con người thay đổi, góc nhìn thay đổi, và chúng ta sáng tạo để truyền thống phù hợp với thời cuộc chứ không làm thay đổi bản chất của nó. Đó là quan điểm để các nghệ sĩ của Latoa Indochine thực hành nghệ thuật. Ông Phạm Ngọc Long cho biết, giá trị cuối cùng của "Con đường" trở về hội họa dân gian xưa là để "đi đến tận cùng của truyền thống", giữ lấy hồn cốt văn hóa truyền thống để sống với hiện đại.

Hay như nhận định của nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê: "Các bức tranh sơn mài khắc với đề tài tranh dân gian đã giữ nguyên nét, hồn cốt của tranh dân gian nhưng tạo được cho tranh những sắc thái mới bằng các kỹ thuật chạm khắc, dát vàng, dát bạc... Những bức tranh sơn mài dát vàng, dát bạc tạo được các mảng màu đối lập và bắt sáng làm cho các bức tranh dân gian mang một hình ảnh mới sang trọng và giá trị hơn. Đây thực sự là một dự án bảo tồn và phát huy tranh dân gian có ý nghĩa, cần được nhân rộng và phát triển".

Hải Đường