Tự chủ đại học đứng trước nhiều khó khăn, thách thức
Hồng Hạnh - Nguyễn Liên -Lương Văn Tùng•09/10/2022 08:05
Tự chủ đại học là cuộc chuyển đổi lớn, có ý nghĩa rất quan trọng để giáo dục đại học phát huy được sức mạnh. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, từ thực tế đã xuất hiện nhiều thách thức với các trường đại học, Đại học.
Chủ trương tự chủ đại học là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI (Nghị quyết 29) yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với những định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực. Chủ trương tự chủ được khẳng định tại Nghị quyết: “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của hội đồng trường”.
Trên cơ sở Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012, Nghị quyết 29, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017.
Kế thừa các quy định đã phát huy hiệu quả, thực tiễn triển khai Nghị quyết số 77/NQ- CP, Quốc hội ban hành Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34). Luật số 34 là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy các cơ sở GDĐH trong cả nước thực hiện quyền tự chủ sâu và rộng hơn nữa. Đồng thời, quyền tự chủ của cơ sở GDĐH phải gắn liền với trách nhiệm giải trình để các bên liên quan và xã hội giám sát.
Thi hành Luật số 34, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân
Tại bài phát biểu trong Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học.
Theo định hướng đổi mới đó, giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã và đang chuyển đổi dần cơ chế, từng bước thực hiện các quyền chủ động của mình. Nhờ đó, các cơ sở giáo dục đã năng động hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, cả hệ thống đại học có những chuyển biến mạnh mẽ trong cả nhận thức và hành động, lý luận và thực tiễn.
Dù những giá trị và phương diện tích cực của tự chủ đại học là rõ ràng, tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình triển khai tự chủ đại học hiện nay.
Khó nhất là tự chủ về tài chính, tài sản
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu nhân dân, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, trong năm 2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có chuyến khảo sát về việc triển khai thực hiện tự chủ cũng như kiểm định chất lượng trong các trường đại học và nhận thấy quá trình triển khai thực hiện tự chủ ở các trường đã đạt được một số kết quả.
Trong đó, việc tổ chức bộ máy nhân sự ở các trường tự chủ cơ bản thực hiện theo đúng quy định của luật; thành lập Hội đồng trường, hoạt động Hội đồng trường cũng đang dần đi vào nề nếp.
“Điều đó thể hiện rất rõ ở các trường chúng tôi đến khảo sát. Và sự phân cấp phân quyền để phát huy vai trò của Hội đồng trường, Ban giám hiệu, cũng như của Đảng ủy, có thể gọi là “thế chân kiềng”. Những trường đại học nào mà cả 3 “chân kiềng” này mạnh và giúp cho nhau để trụ vững, thì vấn đề tự chủ giải quyết gọn gàng; nhưng chỉ cần một chân hơi yếu, tầm quan trọng không được nhìn thấy rõ, thì lập tức sẽ là lực cản để thực hiện tự chủ”, bà Mai chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Tuy nhiên, theo bà Hoa, vấn đề tự chủ về tài chính, tài sản ở các trường đang rất khó. Một số trường như trường Đại học Thương mại đã giải quyết được vấn đề này, trong đó có nâng cao chất lượng, giải quyết được chất lượng đội ngũ nhà giáo và thu hút nhà giáo giỏi.
Tuy nhiên, một số trường vẫn “loay hoay” sẽ tự chủ ở mức nào. “Ví dụ, tự chủ hoàn toàn đương nhiên sẽ không nhận tiền từ ngân sách Nhà nước. Nhưng nếu cắt nguồn thu thì không ổn định, mà phụ thuộc quá nhiều vào học phí. Cho nên rất nhiều trường lựa chọn phương án an toàn, tức là tự chủ một phần. Trong thời gian tới, chúng ta phải tính các phương án, gỡ khó để các trường thực sự quyết tâm để tự chủ”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thông tin.
Bà Mai Hoa cho rằng, vấn đề tự chủ trước hết về chuyên môn học thuật để tạo ra một sức sáng tạo lớn cho các trường đại học. Khi tự chủ về chuyên môn học thuật, nâng chất lượng về chuyên môn học thuật lên, chúng ta mới tính đến câu chuyện tự chủ tài chính. Hiện nay, chúng ta dường như đang đi theo “quy trình ngược”, tức trước hết tính đến tự chủ tài chính.
Chưa thống nhất được một mô hình tự chủ
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nêu quan điểm, thực tiễn triển khai tự chủ đại học ở Việt Nam đã bộc lộ nhiều hạn chế vì chưa xây dựng được một lộ trình tự chủ đại học rõ ràng và còn thiếu những hướng dẫn cụ thể trong triển khai tự chủ đại học.
Bên cạnh đó, cơ chế thị trường để các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong đó có các cơ sở GDĐH tự chủ cạnh tranh bình đẳng với nhau chưa được hoàn thiện. Việc triển khai tự chủ đại học trong thời gian qua mới chỉ đề cập tới ở các trường đại học công lập và hầu như chưa đề cập tới các trường đại học tư thục.
Trong khi các cơ sở GDĐH công lập tự chủ chịu nhiều ràng buộc và bị kiểm soát theo các quy định hiện hành thì các trường tư thục hầu như vận hành theo cơ chế thị trường với ít ràng buộc hơn. Điều này dẫn tới sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các cơ sở GDĐH. Những đòi hỏi như minh bạch thông tin, đơn giản hóa các thủ tục hành chính… chưa được đáp ứng đầy đủ.
Theo PGS.TS Tuấn, hiện nay, các cơ sở GDĐH đang hoạt động dưới nhiều hình thức với mức độ tự chủ khác nhau trong thực tiễn như: các đại học quốc gia, các trường đại học quốc tế, các đại học vùng, các cơ sở GDĐH công lập thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77/2014/NQ-CP,các cơ sở GDĐH công lập chưa thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77/2014/NQ-CP,cáccơ sở GDĐH tư thục, và các cơ sở GDĐH có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Sau quá trình thí điểm tự chủ, chúng ta chưa xác định được một mô hình tự chủ phù hợp cho các cơ sở GDĐH công lập của Việt Nam. Mặc dù chúng ta đã chấp nhận sự tham gia của các cơ sở GDDH tư nhân, của các nhà đầu tư tư nhân trong GDĐH nhưng chưa hoàn thiện thể chế thị trường để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và hiệu quả cho các cơ sở GDĐH.
Từ thực tiễn cho thấy có nhiều xu hướng đối lập nhau trong quá trình tự chủ đại học. Nhiều trường chưa đủ năng lực thực hiện tự chủ, quen với cơ chế xin - cho, quen được “cầm tay chỉ việc”, không phát huy được tự chủ do "sợ làm sai". Trong khi đó, cũng có trường lại nghĩ đơn giản "tự chủ nghĩa là muốn làm gì cũng được", không tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, vẫn còn có sự khác biệt trong cách thức quản lý của cơ quan chủ quản đối với cơ sở giáo dục đại học. Có cơ quan chủ quản can thiệp quá sâu vào hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương
PGS.TS Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, những điều kiện ở trong nước, khu vực và trên thế giới định hình cơ chế thị trường và cạnh tranh trong giáo dục đại học đang thay đổi nhanh chóng. Điều này dẫn tới hình thức và mức độ cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH của Việt Nam với nhau và giữa các cơ sở GDĐH Việt Nam với các cơ sở GDĐH nước ngoài thay đổi.
Những lợi thế truyền thống bị thay thế bởi những yếu tố mới mà các cơ sở GDĐH công lập không có đủ cơ chế hoặc nguồn lực để có thể thay đổi nhanh chóng. Do vậy, việc lựa chọn một mô hình tự chủ đại học phù hợp ngày càng khó khăn hơn đối với các cơ sở GDĐH công lập.
Về cơ chế, chính sách trong thực hiện tự chủ đại học, PGS Tuấn cho rằng còn có một số hạn chế, bất cập nhất định. Hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa ban hành được một hệ thống các quy định, chính sách riêng để quản lý các cơ sở GDĐH công lập tự chủ mà các cơ sở GDĐH công lập tự chủ vẫn bị ràng buộc bởi các quy định chung cho mọi cơ sở GDĐH. Sự bất cập của hệ thống quy định, chính sách làm giảm hiệu quả điều tiết thị trường của Nhà nước.
Nhiều quy định luật pháp mâu thuẫn với nhau trong quá trình các cơ sở GDĐH triển khai thực hiện tự chủ: Luật GDĐH như Luật Tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Viên chức, Luật Lao động… Mối quan hệ Nhà nước - Nhà trường - Xã hội chưa được xử lý hiệu quả khi các chính sách còn thiếu và chưa đi vào nhiều vấn đề trọng tâm của tự chủ đại học.
“Mặc dù chúng ta chấp nhận sự tham gia của các cơ sở GDDH tư nhân, cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư tư nhân cho GDĐH nhưng chúng ta lại chưa quan tâm tới xây dựng thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cho GDĐH, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở GDĐH”, PGS Tuấn cho hay.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, nguyên nhân của những bất cấp, hạn chế trong tự chủ đại học hiện nay là chưa có sự nhận thức đồng bộ, thống nhất và từ đó đi đến thống nhất hành động về tự chủ đại học trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Nhận thức về tự chủ đại học ở xã hội, trong từng cơ sở GDĐH cũng còn chưa thống nhất; thiếu những đột phá về chính sách, về quy định liên quan đến tự chủ đại học; thiếu chính sách và quy định để hình thành thể chế thị trường đồng bộ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các cơ sở GDĐH; thiếu đồng bộ, nhất quán trong hệ thống luật và các văn bản quy phạm pháp luật luật liên quan đến tự chủ đại học và việc triển khai thực hiện trên thực tiễn.
“Một trong những nội dung quan trọng có thể coi là nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trên là việc tổng kết và đánh giá kết quả thí điểm tự chủ đại học còn chưa toàn diện, chưa đi vào thực chất.
Cho đến nay chưa có một khảo sát, điều tra đánh giá một cách khoa học, được lượng hóa và toàn diện về kết quả của quá trình tự chủ đại học đến giai đoạn hiện nay (sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đi vào cuộc sống). Do vậy, những nhận định hiện nay vẫn còn có thể mang tính phiến diện, chưa sâu sắc”, PGS Tuấn phân tích.
Xuất hiện nhiều mâu thuẫn
GS.TS. Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, tự chủ tại các trường đại học của Việt Nam đang là một vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện, nhất là đối với các Đại học Vùng (đa ngành) khi thực hiện Luật số 34.
Đại học Vùng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức, chưa gắn liền với chính sách đầu tư, kinh phí hoạt động thường xuyên và các chương trình, dự án trọng điểm. Mâu thuẫn giữa quản lý tập trung với tư cách là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực với đòi hỏi phân cấp ngày càng nhiều hơn cho các trường thành viên.
GS.TS. Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên
Về vấn đề hoạt động Hội đồng trường khi thực hiện tự chủ đại học, GS Quang cho hay, khó khăn là khi thành viên hội đồng bên ngoài tham gia góp ý tài liệu, biểu quyết nhân sự, trao đổi trực tiếp trong các phiên họp, với thời gian hạn hẹp bởi 100% là kiêm nhiệm (tổng giám đốc, nhà lãnh đạo, nhà khoa học,…), khả năng đóng góp về trí tuệ lớn, đóng góp nhiều kinh nghiệm hay, nhưng không thường xuyên.
Bên cạnh đó, việc này nhiều khi bị vướng bởi yêu cầu pháp chế của các quyết định cá nhân khi không có mặt, trong khi hoạt động của nhà trường cần giải quyết các vấn đề nảy sinh, cần những quyết sách trực tiếp, kịp thời.
Về mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Đảng ủy, GS.TS Quang phân tích, muốn trường đại học tự chủ thực sự, Hội đồng trường phải có thực quyền theo Luật định. Điều này đã được Luật số 34 và Nghị định số 99 quy định rõ, Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra yêu cầu Chủ tịch hội đồng trường kiêm Bí thư đảng ủy là xu hướng thuận lợi.
Hiện nay, mặc dù không xuất hiện mâu thuẫn lớn nhưng có hai xu hướng: Nếu các Nghị quyết của Đảng ủy được Hội đồng tuân thủ tuyệt đối, ý kiến khác của các thành viên khác sẽ khó được tiếp thu. Ngược lại, có nội dung của nghị quyết Hội đồng trường có thể chưa “khớp” vào định hướng của Đảng, do vậy cần có sự “đối thoại” trực tiếp giữa Hội đồng và Đảng ủy.
“Như vậy, tính chất chỉ đạo và phản biện, tham gia và quyết định từ 2 chiều giữa Đảng ủy và Hội đồng tuy đồng nhất nhưng chưa thực sự thống nhất cao. Ví dụ, một thành viên Hội đồng - người trong trường, giữa vai đảng ủy viên và vai thành viên Hội đồng chưa rõ”, GS Quang nêu dẫn chứng.
Theo thống kê trong Hội nghị tự chủ đại học 2022 của Bộ GD-ĐT, cả nước có tổng cộng 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Giáo dục đại học.
Cơ sở giáo dục đáp ứng đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ theo khoản 2 Điều 32 Luật Giáo dục đại học
Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện nay chưa phải trường nào cũng hoàn thiện việc thành lập Hội đồng trường. Lý do liên quan đến vấn đề quy hoạch nhân sự. Ngay cả với các trường tư thục, nhận thức vai trò của Hội đồng trường (trước kia là Hội đồng quản trị) cũng có cách hiểu chưa rõ, nhiều trường duy trì Hội đồng quản trị mà chưa thành lập Hội đồng trường. Đó là lý do thứ nhất dẫn đến các trường chưa đủ điều kiện tự chủ.
Ngoài ra, một số trường chưa kiểm định ở cơ sở giáo dục đại học, có trường chưa đủ điều kiện kiểm định, một số trường chưa chuẩn bị điều kiện chưa chín muồi để kiểm định.
Thứ trưởng nhấn mạnh, muốn tự chủ, các trường phải thay đổi chính bên trong, không chỉ có Hội đồng trường mà còn phải xây dựng hệ thống quản trị đại học, hệ thống văn bản. “Đã tự chủ phải thực hiện phân quyền, phân cấp trong môi trường đó làm sao xuống đến tận các giảng viên. Khi hoàn thiện xong bộ máy tổ chức, kiểm định xong mới đủ điều kiện tự chủ”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.