Âm nhạc kết nối vì trẻ em Việt Nam
Tại "Đêm nhạc vì trẻ em Việt Nam", hai nhóm nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản sẽ có những kết hợp mới mẻ và thú vị thông qua hòa âm những giai điệu mang âm hưởng dân gian, truyền tải truyền thống văn hóa của hai nước, từ đó cất lên tiếng nói để âm nhạc kết nối con người.
Chương trình hòa nhạc diễn ra tối 8.10 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, và tối 9.10, tại Phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Phát biểu tại họp báo chiều 7.10, Giám đốc Công ty Plando tại Việt Nam Fujiwara Kunihiko cho biết, chương trình nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai đất nước, sử dụng toàn bộ lợi nhuận từ số tiền bán vé và tiền tài trợ của các mạnh thường quân để gây Quỹ Xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao miền núi của Việt Nam.
Cụ thể, toàn bộ số tiền thu được và khoản tài trợ sẽ được dùng để xây dựng điểm trường Chan II cho trẻ em mầm non thuộc trường mầm non Mường Đăng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, triển khai trong tháng 11.2022.
"Trong tiếng Nhật chúng tôi có một từ gọi là lợi ích. Lợi ích ở đây không phải là tiền, mà là chúng ta làm được gì cho xã hội. Tại sao chúng tôi lại chọn âm nhạc? Vì khác với ngôn ngữ, âm nhạc là sự kết nối con người với con người không có biên giới. Từ sự kết nối ấy, chúng tôi muốn tạo ra những điểm trường cho trẻ em vùng núi xa xôi Việt Nam. Sự kiện năm nay chính là bước khởi đầu", ông Fujiwara Kunihiko nói.

Chương trình hòa nhạc sẽ do các nghệ sĩ thuộc Ryoma Quartet và dàn nhạc tre nứa Sức sống mới phối hợp thực hiện. Ryoma Quartet gồm 4 thành viên là các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật Bản, mong muốn thông qua âm nhạc đưa văn hóa Nhật Bản đến với thế giới và bằng ngôn ngữ âm nhạc không biên giới kết nối, xây dựng tình hữu nghị giữa người dân các nước. Ban nhạc đã có những chuyến lưu diễn rất thành công ở Tây Ban Nha, Thái Lan, Malaysia, Bulgaria, Hàn Quốc…
Sức sống mới là dàn nhạc dân tộc duy nhất ở Việt Nam trình diễn các bản phối chi tiết theo hình thức giao hưởng hóa do nhạc trưởng Đồng Quang Vinh sáng lập. Phong cách tác phẩm đa dạng từ dân ca, nhạc truyền thống, nhạc trẻ cho đến nhạc cổ điển phương Tây. Đây cũng là một trong số ít dàn nhạc dân tộc tại Việt Nam làm khách mời biểu diễn cùng những dàn nhạc giao hưởng thính phòng hàng đầu thế giới và Việt Nam, được vinh danh là dàn nhạc truyền cảm hứng nghệ thuật truyền thống tới công chúng Việt Nam và thế giới.

Tại hòa nhạc, các nghệ sĩ Nhật Bản sẽ trình diễn những bản phối sử dụng nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản là trống gỗ, đàn shamisen, sáo shinobue và đàn violin, còn nghệ sĩ Việt Nam sẽ chơi các nhạc cụ cổ truyền được làm từ tre nứa. Hai nhóm nhạc sẽ có những kết hợp mới mẻ và thú vị thông qua việc hòa âm những giai điệu mang âm hưởng dân gian, truyền tải truyền thống văn hóa của hai nước.
Theo nhạc nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, người sáng lập Dàn nhạc tre nứa Sức sống mới: "Đây là dịp đặc biệt khi để các nghệ sĩ truyền tải thông điệp âm nhạc không có biên giới. Khi ngôn ngữ không biểu đạt được hết thì âm nhạc sẽ biểu đạt. Có mặt ở đây, chúng tôi cố gắng lan tỏa âm nhạc Việt Nam đến bạn bè quốc tế và kết hợp với bạn bè quốc tế để mang âm nhạc các nước đến với khán giả Việt Nam, từ đó chứng minh âm nhạc không có biên giới".