Hướng tới xây dựng Tòa chuyên trách

Anh Dũng 07/10/2022 06:36

Trong quá trình hội nhập, nước ta đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về thương mại, đầu tư song phương và đa phương. Do đó tính chuyên nghiệp, hiệu quả khi giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài tại Tòa án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điều này, đòi hỏi hình thành hệ thống Tòa chuyên trách với đội ngũ thẩm phán đủ năng lực, am hiểu pháp luật quốc tế.

Mới giải quyết được tính hợp lý của bộ máy

Mặc dù, chưa có thống kê đầy đủ nhưng có thể thấy số lượng các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài được Tòa án giải quyết rất khiêm tốn so với khối lượng các loại vụ việc khác. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này có nguyên nhân từ chính hạn chế trong cơ cấu tổ chức của hệ thống Tòa án.

Cụ thể, trước đây tất cả Tòa án các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tổ chức Tòa Kinh tế. Điều này có bất cập là trong khi quan hệ kinh tế giữa các vùng miền phát triển không đồng đều, dẫn đến không đồng đều về số lượng tranh chấp thương mại thì tổ chức Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các vùng miền lại gần như tương đương nhau. Trên thực tế, các tranh chấp chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế trọng điểm. Do đó, có tình trạng thẩm phán Tòa Kinh tế ở khu vực này xét xử rất nhiều án kinh tế nhưng thẩm phán Tòa Kinh tế ở khu vực khác lại chưa bao giờ xét xử án kinh tế mà chỉ xét xử loại án khác.

Nhận thấy rõ sự bất cập nêu trên, từ năm 2018, Tòa án Nhân dân Tối cao đã sắp xếp lại Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố. Theo đó, hiện nay chỉ có 16 Tòa án cấp tỉnh có Tòa Kinh tế, các địa phương còn lại có Tòa chuyên trách chung để giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại, hành chính, lao động. Tuy nhiên, việc sắp xếp này mới chỉ giải quyết tính hợp lý của bộ máy. Tại nhiều địa phương có Tòa Kinh tế, các thẩm phán vẫn phải xét xử các loại án khác, hoặc các vụ việc thương mại vẫn được phân bổ cho các thẩm phán tại các Tòa chuyên trách khác.

Theo Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao Đào Thị Minh Thủy, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đối với các tranh chấp có tính chất đặc thù về trình tự, thủ tục hoặc cần có sự chuyên sâu về pháp luật nội dung như phá sản, sở hữu trí tuệ, thương mại có yếu tố nước ngoài…, các nước thường có Tòa chuyên biệt với đội ngũ thẩm phán chuyên trách. Đơn cử, Trung Quốc có Tòa đường sắt chuyên xét xử các tranh chấp liên quan đến vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, Thái Lan có Tòa giải quyết phá sản, Tòa giải quyết các vụ việc có giá trị nhỏ…

Việc nước ta chưa tổ chức Tòa chuyên trách trong lĩnh vực thương mại nói chung, thương mại có yếu tố nước ngoài nói riêng như các nước phần nào làm hạn chế cơ hội đào tạo cho các thẩm phán. Khi thẩm phán không có chuyên môn sâu sẽ dẫn đến việc giải quyết bị kéo dài, chất lượng giải quyết không được bảo đảm. Hậu quả là doanh nghiệp nước ngoài sẽ mất niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Xây dựng Toà án chuyên trách
Nguồn: ITN

Nâng cao năng lực của thẩm phán

Với những đặc thù về thủ tục tố tụng cũng như sự đa dạng trong áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về tài phán quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết tổ chức Tòa chuyên biệt để giải quyết có hiệu quả đối với loại việc này.

Mặt khác, cần nghiên cứu xây dựng Luật tố tụng điện tử để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng ở mọi nơi thông qua nền tảng số. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Một số nước có nền tư pháp phát triển và công nghệ hiện đại như Pháp, Đức, Mỹ đã ban hành luật về tố tụng điện tử và triển khai nhiều hoạt động tố tụng trên nền tảng số từ khi thụ lý vụ án đến khi hoàn thành xét xử. Ở nước ta, các đạo luật về tố tụng cũng đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến trong giai đoạn xét xử. Đặc biệt, ngày 12.11.2021, trên cơ sở đề xuất của Tòa án Nhân dân Tối cao, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Tuy nhiên, các quy định này chưa khai thác hết tiềm năng của công nghệ thông tin trong hoạt động xét xử.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, Thẩm phán Đào Thị Minh Thủy cho biết, muốn giải quyết tốt các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, các thẩm phán không chỉ cần nắm vững pháp luật trong nước mà còn phải nắm vững các cam kết quốc tế của Việt Nam, nhất là các văn kiện mà Việt Nam đã ký kết khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện tổ chức của Tòa án, cần nâng cao năng lực của đội ngũ thẩm phán thông qua tăng cường bồi dưỡng kỹ năng xem xét, đánh giá chứng cứ; nâng cao trình độ ngoại ngữ; kỹ năng vận dụng pháp luật trong nước, quốc tế và các kỹ năng cần thiết khác. Đồng thời đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn xét xử để ban hành kịp thời hướng dẫn khắc phục những cách vận dụng không thống nhất của các Tòa án địa phương, đặc biệt về việc áp dụng luật nước ngoài.

Ngoài việc xây dựng, công bố án lệ trong nước, cũng cần chú ý đến việc cập nhật những án lệ thương mại của các nước có nền kinh tế phát triển, tăng cường cơ sở dữ liệu về nguồn luật áp dụng cho hoạt động giải quyết tranh chấp. Những năm qua, các Tòa án đã công bố gần 500.000 bản án, quyết định về kinh doanh, thương mại trên Cổng thông tin điện tử. Đây là hình thức hỗ trợ rất tốt cho việc đào tạo thẩm phán, tác động tích cực đến cách hiểu và việc áp dụng, vận dụng thống nhất quy định pháp luật.

Anh Dũng