Thêm công cụ giám sát quyền lực, “đòn bẩy” nâng cao chất lượng hoạt động

16/09/2022 05:52

NGUYỄN THỊ OANH - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai Ngày 12.9.2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND (có hiệu lực từ ngày ký). Với Nghị quyết kịp thời này, HĐND có thêm một công cụ để giám sát quyền lực và “đòn bẩy” buộc phải tự nâng cao chất lượng hoạt động của mình.

Thêm công cụ giám sát quyền lực, “đòn bẩy” nâng cao chất lượng hoạt động -0
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai giám sát việc triển khai một dự án giao thông kết nối sân bay Long Thành. Ảnh: Trâm Nguyễn

Thực tế cho thấy, ở đâu có quyền lực thì ở đó cần phải có sự kiểm soát, giám sát để bảo đảm việc thực thi quyền lực được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không bị lạm dụng. Là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, kể từ năm 2016, khi Luật về hoạt động giám sát có hiệu lực thi hành, HĐND các cấp có công cụ để thực thi quyền giám sát quyền lực của mình. Sau hơn 6 năm chờ đợi, Luật đã có Nghị quyết hướng dẫn. Đây là tin vui HĐND các cấp chờ đợi từ lâu; qua nghiên cứu toàn văn Nghị quyết cho thấy, đây thực sự là một công cụ để HĐND giám sát quyền lực và tự nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Công cụ để giám sát quyền lực

Ở góc độ là công cụ để HĐND giám sát quyền lực, Nghị quyết hướng dẫn về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của 5 chủ thể giám sát của HĐND. Điểm lưu ý là giám sát của Tổ đại biểu HĐND, một chủ thể giám sát mới đã được hướng dẫn cụ thể, để Tổ đại biểu như một “cánh tay nối dài” của HĐND trong triển khai hoạt động giám sát. Để giúp Tổ đại biểu thực hiện quyền, Nghị quyết quy định Thường trực HĐND thông báo mẫu chữ ký của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để xác nhận tính pháp lý của chữ ký đó.

Đối với hoạt động chất vấn, một hình thức giám sát đặc biệt của HĐND, Nghị quyết cũng quy định rõ chất vấn của HĐND không phải là một vấn đề như cách HĐND các địa phương vẫn thực hiện lâu nay mà là nhóm vấn đề với 4 tiêu chí chọn lựa: Vấn đề bức xúc; có dấu hiệu vi phạm; đã được trả lời nhưng đại biểu HĐND không đồng ý và vấn đề khác nhằm nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước hoặc qua khảo sát, giám sát phát hiện hạn chế, bất cập cần được chất vấn để làm rõ và đưa ra những yêu cầu, giải pháp để kịp thời khắc phục. Về hoạt động tại phiên giải trình của Thường trực HĐND, vốn dĩ là vấn đề Thường trực HĐND lúng túng, nay đã được hướng dẫn.

Xóa bỏ tư tưởng “giám sát đến da, thanh tra đến thịt”

Ở góc độ là công cụ để HĐND tự nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, Nghị quyết quy định rất kỹ và chặt chẽ về hồ sơ trình HĐND, Thường trực HĐND xem xét, quyết định chương trình giám sát hàng năm của HĐND, Thường trực HĐND. Điều này được hiểu là để tổ chức một cuộc giám sát thì ngay từ khâu chọn nội dung đã phải tiến hành một trình tự chặt chẽ, có căn cứ thuyết phục về sự cần thiết, có đối tượng, phạm vi giám sát cụ thể; không trùng lắp nội dung trong vòng 2 năm. Quy định này vừa tránh được việc dễ dãi trong lựa chọn nội dung giám sát, vừa tránh được tình trạng giám sát không đều khắp trên các lĩnh vực. Điều này giúp HĐND nắm được toàn diện các lĩnh vực của đời sống trên địa bàn. Sau khi ban hành chương trình giám sát 15 ngày, các chủ thể giám sát phải có kế hoạch để thực hiện chương trình đó và được tích hợp trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát được lưu ý phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH quy định trách nhiệm cho HĐND các cấp - với tư cách chủ thể giám sát nhiều hơn là chủ thể chịu sự giám sát. Nhưng trách nhiệm đó chính là những cách thức để HĐND thực hiện tốt hơn nữa quyền giám sát mà Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND chưa quy định cụ thể. Hiểu theo nghĩa rộng, là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để Nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua cơ quan đại diện của mình là HĐND.

Điều tôi cảm thấy đặc biệt tâm đắc trong hướng dẫn là hai nội dung (1). Quy định về báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hàng năm của HĐND, Thường trực HĐND; báo cáo gồm các nội dung: Đánh giá kết quả đạt được; mức độ hoàn thành chương trình giám sát; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; trách nhiệm của các cơ quan liên quan; đề xuất, kiến nghị và (2). Việc công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Với 2 quy định này buộc các đoàn giám sát phải nâng cao chất lượng của mình, xóa bỏ tư tưởng “giám sát đến da, thanh tra đến thịt”. Bởi lẽ, nếu chọn nội dung giám sát không phù hợp; giám sát nhưng không phát hiện ra vấn đề, không kiến nghị được những nội dung cụ thể, hợp lý thì chủ thể giám sát khó mà báo cáo kết quả với HĐND, càng khó để công khai kết luận của mình.

Trong thời điểm Đảng ta vừa tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, điểm đặc biệt của Nghị quyết 594/NQ-UBTVQH là đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” và mang hơi thở của cuộc sống, thể hiện bằng quy định: Kế hoạch thực hiện chương trình giám sát phải lồng ghép nội dung giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp cũng chính là một “cú hích” đặc biệt để HĐND tham gia vào quá trình thúc đẩy cải cách quy định, cắt giảm gánh nặng hành chính của chính quyền địa phương.