Cần chế tài mạnh hơn với hàng hóa có khuyết tật
Tình trạng vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng vẫn diễn ra khá phổ biến do các quy định liên quan đến sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật chưa cụ thể, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Chính vì thế, việc hoàn thiện nội dung này trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến góp ý.
Chưa thống nhất về khái niệm
Tuy có nhiều nội dung được chỉnh sửa so với Luật hiện hành, song các quy định liên quan đến sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) (Sau đây gọi là Dự thảo) vẫn còn một số vấn đề cần được cân nhắc và xem xét thêm. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý khi góp ý vào Dự thảo.

Trước hết là đang có sự thiếu thống nhất về khái niệm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật của Dự thảo với văn bản quy phạm pháp luật khác. Cụ thể, Dự thảo quy định việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra thực hiện theo pháp luật dân sự. Nhưng Bộ luật Dân sự năm 2015 lại không có quy định nào về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chỉ có quy định về hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, trong khi hai khái niệm này không đồng nhất với nhau.
Ngoài ra còn có sự thiếu thống nhất, chồng lấn trong cách giải thích về cùng một từ ngữ ngay trong dự thảo luật. Đơn cử, Khoản 4, Điều 3 giải thích sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gồm 3 loại dựa trên nguồn gốc phát sinh khuyết tật đó là: khuyết tật phát sinh từ thiết kế kỹ thuật; khuyết tật phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, lưu giữ và sử dụng; sản phẩm, hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trong quá trình sử dụng nhưng không có hướng dẫn, cảnh báo đầy đủ cho người tiêu dùng. Điều 33 về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật lại tiếp tục giải thích, phân loại các sản phẩm, hàng hóa này dựa trên khả năng gây thiệt hại đến tài sản hay sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Do đó, cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất trong việc giải thích các từ ngữ, khái niệm ngay trong dự thảo luật. Đồng thời đối chiếu Dự thảo với các văn bản pháp luật khác có liên quan về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không gây vướng mắc, khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.
Bổ sung biện pháp xử lý
Ngoài Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật còn được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật như Luật Chất lượng, sản phẩm hàng hóa năm 2018; Luật Dược năm 2016; Luật Thủy sản năm 2017; Luật An toàn thực phẩm năm 2018…
Một số ý kiến cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cả Dự thảo đều chưa có định nghĩa về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, trong khi đối với việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thì luật này chính là văn bản luật chuyên ngành điều chỉnh trực tiếp.
Bên cạnh đó, tuy Dự thảo đã có các quy định về trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nói chung, trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật nói riêng nhưng còn khá chung chung. Dự thảo cũng chưa tính đến trường hợp nhà sản xuất, nhà cung cấp cố tình chậm trễ trong việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa khuyết tật thì trách nhiệm pháp lý đặt ra như thế nào.
Để nâng cao hiệu quả của việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, bên cạnh các biện pháp xử lý hành chính hiện nay như cảnh cáo, phạt tiền hoặc một số hình phạt bổ sung khác đã được quy định tại Nghị định số 19/2012/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy vậy, nhiều chuyên gia đề xuất: cần bổ sung biện pháp xử lý hình sự trong trường hợp chậm trễ hoặc không thực hiện việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về tài sản hoặc sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Như vậy, mới bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm.
Theo TS. Phan Thị Lan Phương, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là sự tiện ích của mạng internet đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Họ ít dành thời gian để đọc báo giấy, xem truyền hình hay nghe đài phát thanh do hạn chế về thời điểm phát sóng. Thay vào đó là chuyển sang sử dụng các kênh đọc, nghe, nhìn ứng dụng kỹ thuật số.
Vì vậy, ngoài các kênh thông tin như Dự thảo quy định thì cần bổ sung phải bắt buộc đăng tải trên trang thông tin chính thức của tổ chức, cá nhân kinh doanh đó để thông tin đến với người tiêu dùng nhanh hơn. Cũng cần có quy định về thời gian cụ thể đối với việc công bố, công khai thông tin của sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật bị thu hồi tính từ thời điểm phát hiện và thực hiện thu hồi sản phẩm để đáp ứng nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực hiện kịp thời như Dự thảo đã đặt ra.