Tô đậm truyền thống hiếu học

Ngọc Phương 06/09/2022 06:12

Từ thời chiến tới thời bình, trên miền núi về miền xuôi, tại trường học cũng như muôn nơi trong lao động sản xuất, truyền thống hiếu học vẫn luôn được các thế hệ giữ vững. Tinh thần ấy đã được nghệ sĩ các thời kỳ truyền tải sinh động trong nhiều tác phẩm mỹ thuật.

Những lớp học đã đi vào lịch sử

“Khi còn bé, chúng tôi phải đi học dưới làn bom đạn. Đến trường, học trò không chỉ học con chữ, mà học cả bện mũ rơm, làm khiên chống bom bi. Mỗi học sinh khi đi học, ngoài đeo túi vải đựng đồ dùng học tập, trên đầu luôn đội mũ rơm, đeo khiên lá” - nhà điêu khắc Lê Thị Hiền chia sẻ khi nhìn lại tác phẩm kích thước nhỏ được làm bằng chất liệu gang mang tên “Những năm chống Mỹ”, trưng bày trong Triển lãm “Truyền thống hiếu học” đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tô đậm truyền thống hiếu học -0
Truyền thống hiếu học được thể hiện sinh động trong các tác phẩm nghệ thuật

Rất lâu mới được nhìn thấy tác phẩm ra đời cách đây gần 40 năm (nay thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng), nữ nghệ sĩ cho biết: “Tác phẩm ghi lại kỷ niệm không thể nào quên trong quãng đời học trò. Khoảng 14 - 15 tuổi, tôi đi sơ tán ở Nghĩa Lộ, ngày ngày đi học rất xa, lội suối trèo đèo, bom đe dọa thường trực, không có vật dụng chống bom thì rất nguy hiểm. Mỗi cái khiên khá nặng, nhưng chống bom bi rất tốt, đang học mà nghe thấy tiếng bom nổ, chúng tôi ngồi thụp xuống, đầu có mũ, lưng có khiên bảo vệ... Dù nhiều vất vả, nguy hiểm, nhưng ngày ngày chúng tôi đều háo hức đến trường”.

Những ngày tháng ấy như hiển hiện trước mắt công chúng qua những gì tác phẩm thể hiện - một cô bé đội mũ rơm vui tươi trên đường đến trường. Ký ức khó phai của một thế hệ học trò đi qua chiến tranh đã được nữ nghệ sĩ ghi lại trong tác phẩm của mình 20 năm sau đó, khi đất nước đã ở thời bình (1985).

Tinh thần học tập sôi nổi của lớp học trò lớn lên trong những năm tháng gian khó của đất nước được các họa sĩ khắc họa chân thực và sống động trong nhiều tác phẩm mỹ thuật như: Lớp học miền núi (Hoàng Đạo Khánh), Lớp 5 dưới lòng đất (Ngô Tôn Đệ), Lớp học bổ túc ở Tây Nguyên (Nguyễn Thế Vinh), Giờ học văn hóa nữ du kích Củ Chi (Đào Hữu Phước), Giúp đỡ bạn (Cõng bạn đi học - Đào Văn Can), Đi học đêm (Nguyễn Thế Minh)... Các tác phẩm cho thấy thời kỳ này, vượt qua những khó khăn, tàn khốc của chiến tranh, các trường học phải sơ tán thậm chí học dưới hầm nhưng sự nghiệp giáo dục không bị ngừng trệ mà còn phát triển, việc học luôn được quan tâm triển khai rộng khắp.

Trước đó, ngay trong những năm đầu nước nhà giành độc lập, dù còn muôn vàn khó khăn, một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất, thiết thực nhất mà chính quyền Cách mạng vừa ra đời phải giải quyết là “nạn dốt”. “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ” - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 3.9.1945. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào Bình dân học vụ được diễn ra rộng khắp trên cả nước. Đây là những bước đi đầu tiên, quan trọng, định hướng của Chính phủ Lâm thời Việt Nam cho việc tiếp nối truyền thống học tập.

Phong trào Bình dân học vụ với mục tiêu diệt giặc dốt, chống nạn mù chữ... cũng đã truyền cảm hứng để những nghệ sĩ thế hệ mỹ thuật Đông Dương theo các ngả đường, đi khắp vùng miền ghi chép, ký họa hình ảnh chân thực, sống động về giai đoạn lịch sử này, thể hiện qua các tác phẩm: Lớp trung học đầu tiên (Diệp Minh Châu), Lớp học bình dân làng Bền (Trần Văn Cẩn), Bủ Đường biết đọc (Tô Ngọc Vân)...

Thông điệp về học tập suốt đời

Đã 77 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào Bình dân học vụ, truyền thống hiếu học, tinh thần ham học hỏi vẫn được tiếp nối, đẩy mạnh. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, học tập được mở rộng, không chỉ là việc học chữ của học sinh trên ghế nhà trường, của sinh viên trên giảng đường, mà còn là sự trao đổi kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp, trao truyền tri thức, kỹ năng của thế hệ trước và sau...

Triển lãm "Truyền thống hiếu học" diễn ra đến ngày 11.9, trưng bày 50 tác phẩm thuộc các thể loại hội họa, đồ họa, điêu khắc, trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, màu nước, thạch cao, gang... thể hiện sự phong phú và đa dạng trong sáng tác mỹ thuật từ những năm sau 1945 cho đến gần đây. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh hy vọng triển lãm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc, động viên thế hệ trẻ tiếp nối cha ông, rèn luyện, phấn đấu để trở thành chủ nhân tương lai đích thực của đất nước.

Truyền thống hiếu học không bị gò bó, khuôn hẹp hay hạn chế vì bất cứ ngăn trở nào. Học từ khi còn nhỏ trong nhà trẻ, lớn hơn biết tự cắp sách tới trường cùng chúng bạn, hay tự rèn luyện, bằng nhiều hình thức khác nhau như học nhóm, đọc sách, học vẽ... Đây cũng là mảng đề tài mà nhiều nghệ sĩ khai thác và thành công.

Xem lại tác phẩm khắc gỗ Học thêu (năm 2004) của mình được trưng bày tại triển lãm, họa sĩ Vi Kiến Thành cho biết: Tác phẩm thể hiện nhóm cô gái dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái đang hướng dẫn nhau thêu thùa, làm sản phẩm thổ cẩm, thể hiện sự đoàn kết của các dân tộc, qua việc học hỏi lẫn nhau trong việc gìn giữ nét văn hóa độc đáo của đồng bào. Tác phẩm còn thể hiện tình đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam...

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ gần 20.000 hiện vật tác phẩm, thuộc nhiều chủ đề. Nói về truyền thống học tập, nhiều tác phẩm thể hiện việc học tập ở vùng tự do cũng như vùng kháng chiến thời chiến, cho tới các tác phẩm ghi lại những lớp học chữ, học nghề không chỉ trong nhà trường, mà mọi lúc, mọi nơi trong quá trình lao động, sản xuất. Dịp này, Bảo tàng đã chọn 50 tác phẩm của các thế hệ họa sĩ để giới thiệu tới công chúng. “Các tác phẩm đã cho thấy tinh thần học tập không chỉ giới hạn trong nhà trường, ở lứa tuổi học sinh mà được lan tỏa, nâng lên thành xã hội học tập, với ý nghĩa học tập suốt đời. Đây là thông điệp Bảo tàng muốn truyền tải đến đông đảo khách tham quan triển lãm” - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Trần Thị Hương nhấn mạnh.

Ngọc Phương