Khoái Châu - thủ phủ nhãn lồng Hưng Yên bứt phá nhờ VietGAP
Đức Hiệp•26/08/2022 20:37
Nông sản hàng hóa, nhãn lồng Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) đã có bước chuyển mình đột phá cả trong canh tác, nâng cao sản lượng, chất lượng, đem lại nguồn thu ổn định, bền vững cho người dân nhờ sản xuất nhãn sạch. Nhãn được sản xuất theo quy trình VietGAP khép kín từ khâu lựa chọn cây giống, chăm sóc đến khi thu hoạch và chú trọng quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, phân phối đa kênh,…
Xây dựng vùng sản xuất an toàn
Huyện Khoái Châu là huyện nằm ở bờ tả ngạn sông Hồng, diện tích đất tự nhiên khoảng 13.082 ha. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi và sự bồi đắp phù sa của sông Hồng tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ.
Đánh giá về những tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất nông sản hàng hóa, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu Phạm Xuân Thắng nhận định, những nông sản của huyện Khoái Châu có những đặc trưng riêng và được nhiều người biết đến. Trong đó, một số nông sản nổi tiếng như: nhãn muộn Miền Thiết, chuối tiêu hồng Khoái Châu, gà Đông Tảo,… đã và đang là sự lựa chọn của khách hàng trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu Phạm Xuân Thắng
“Đáng chú ý, Khoái Châu cũng là vùng trồng nhãn tập trung lớn nhất của tỉnh Hưng Yên với hơn diện tích khoảng 1.432 ha. Diện tích trồng quy mô tập trung có diện tích lớn tại các xã Hàm Tử, Bình Minh, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình… Nhãn chín muộn Khoái Châu như một sản phẩm độc quyền, nổi tiếng với hương vị độc đáo là niềm tự hào của vùng đất, con người nơi đây. Hiện nay, lãnh đạo huyện Khoái Châu đang quyết tâm đẩy mạnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sinh thái, áp dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, kết nối chặt chẽ với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài nước. Chú trọng bảo tồn nông sản đặc sản của địa phương, gắn với nâng cao chất lượng và bảo vệ môi trường”, ông Phạm Xuân Thắng nhấn mạnh.
Những giống nhãn làm nên thương hiệu của nhãn Khoái Châu hiện nay bao gồm hai nhóm giống chính là: Nhóm giống chất lượng tốt là nhãn chín muộn Miền Thiết (PHM99-1.1); nhãn T2, nhãn T6, nhãn T1, nhãn siêu ngọt và một số nhãn chín sớm khác chiếm khoảng 90% diện tích. Những giống nhãn này được trồng ở vùng thâm canh cao, vùng chuyển đổi. Nhóm thứ hai là nhóm giống nhãn chất lượng thấp như: nhãn nước, nhãn thóc, những giống nhãn này chiếm khoảng 10% diện tích và được trồng ở các vườn cũ, vườn tạp, khu vực công cộng, những nơi trồng phân tán.
Đặc biệt, Khoái Châu cũng là huyện được UBND tỉnh Hưng Yên chọn làm điểm sản xuất nhãn an toàn xuất khẩu vào thị trường Mỹ vào năm 2018. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 592,2 ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), cho sản lượng, chất lượng cao, sản lượng ước đạt 6.500 tấn. Đã có 3 vùng trồng nhãn ở xã Hàm Tử được cấp mã vùng xuất khẩu trái cây ứng dụng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS, với diện tích khoảng 30,67 ha. Toàn huyện có 5 Hợp tác xã nhãn; 23 tổ hợp tác, sản xuất nhãn. Các đơn vị đầu mối tiêu biểu trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ quả nhãn tươi, nhãn sấy, mật ong của huyện là Hợp tác xã Miền Thiết, Hợp tác xã nhãn lồng Khoái Châu, Hợp tác xã nông sản sạch Minh Bảo…
Nhãn Khoái Châu, chinh phục người tiêu dùng bằng những giống nhãn muộn, chất lượng tốt
Chia sẻ về những kinh nghiệm về sản xuất nhãn sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, ông Nguyễn Văn Thế, Hợp tác xã nhãn Miền Thiết (xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu) chia sẻ, hiện nay, diện tích nhãn toàn xã Hàm Tử đạt khoảng 315 ha, đã có 270ha nhãn được cấp chứng nhận VietGAP với 3 mã số vùng trồng với diện tích 31,5ha. Dự kiến năm 2022, sản lượng nhãn toàn xã đạt hơn 2.000 tấn. Những năm qua bà con nông dân luôn nhận được sự hỗ trợ quan tâm, định hướng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… của các cấp chính quyền. Điều này đã góp phần giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất theo thói quen của các nông hộ. Bà con đã chú trọng thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài ra, bà con chủ động diện tích vùng trồng tránh tình trạng được mùa rớt giá, tìm kiếm thị trường ổn định hơn...
Cũng theo ông Thế, mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm, nhưng hợp tác xã luôn nhắc nhở các thành viên không chạy theo lợi nhuận trước mắt, phải tuân thủ đúng quy trình, tiêu chuẩn Vietgap. Ngay từ đầu vụ nhãn, hợp tác xã đã yêu cầu bà con sản xuất theo đúng quy trình, không sử dụng hóa chất và thuốc diệt cỏ. Chúng tôi sử dụng phân chuồng, ngô, đỗ và đậu tương sản xuất nhãn nên là quả nhãn của hợp tác xã chất lượng giá cũng cao hơn so với cách làm truyền thống.
Áp dụng số hóa trong tiêu thụ
Với kinh nghiệm hơn 10 năm hoạt động sản xuất kinh doanh xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực nông sản Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Agri Việt Hưng Đỗ Đình Hưng chia sẻ, chúng tôi luôn cố gắng chủ động hỗ trợ các hợp tác xã và nhà vườn. Agri Việt Hưng cũng đã nhiều năm đồng hành cùng người dân Hưng Yên trong việc xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu “nhãn lồng Hưng Yên” - nhãn tiến vua đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để nhãn lồng Hưng Yên có thể chinh phục được những thị trường mới khó tính vẫn cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Agri Việt Hưng Đỗ Đình Hưng
“Đặc biệt, cần chú trọng công tác lưu thông, phân phối. Theo đó, các hợp tác xã, nông hộ cần tăng cường hơn nữa việc liên doanh liên kết, nhất là việc liên kết với các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người sản xuất và doanh nghiệp. Trong đó, lấy người tiêu dùng là trung tâm của liên kết. Cần đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu, công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản cho nhân dân. Xây dựng, giữ gìn và phát huy thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên, hương vị tiến vua. Mặt khác, đối với khâu sản xuất, đề nghị nhân dân tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nhất là quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP đang áp dụng theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra vừa đạt chất lượng vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính, ông Đỗ Đình Hưng nêu giải pháp.
Để nhãn muộn Khoái Châu đến được với người tiêu dùng cần có những kênh phân phối hiệu quả
Mặc dù có những chuyển biến tích cực trong phân phối, tiêu thụ, nhưng các chuyên gia cũng khuyến cáo, để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế của thương hiệu nhãn Khoái Châu, các nông hộ, hợp tác xã cần đẩy mạnh việc cải tạo các vườn nhãn có chất lượng kém, thay thế bằng các giống nhãn có chất lượng cao như các giống nhãn T2, T6, nhãn siêu ngọt, nhãn đường phèn có chất lượng cao để hướng tới các đối tượng khách hàng cao cấp trong nước song song với việc xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ,… Cần thay đổi tư duy sản xuất lấy số lượng bằng tư duy sản xuất lấy chất lượng, lấy hiệu quả kinh tế là mục tiêu của định hướng sản xuất, không chạy theo số lượng mà phải đặt chất lượng lên hàng đầu nhằm đáp ứng thị hiếu của thị trường, phù hợp với quy luật của phát triển.
Ấn tượng của khách hàng với nhãn lồng Hưng Yên luôn là chất lượng
Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu Phạm Xuân Thắng cho biết, để tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, thương nhân đến tiêu thụ nhãn trên địa bàn cho bà con nông dân, vụ nhãn năm nay lãnh đạo huyện Khoái Châu có những cách làm mới so với những năm trước. Theo đó, mùa nhãn năm 2022, Ban Thường vụ huyện ủy đã có Nghị quyết giao nhiệm vụ UBND huyện Khoái Châu sớm xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tham gia các lễ hội tiêu thụ nhãn do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức. Lãnh đạo địa phương cũng đã và đang tiếp tục mời gọi các bạn hàng truyền thống, các đơn vị, cá nhân để tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản của huyện Khoái Châu.
“Thông qua các kênh bán hàng đã kết nối với Sen Đỏ, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn và hệ thống siêu thị bán lẻ trong nước ở các địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội. Đồng thời, chủ động tổ chức các hội chợ, hội nghị xúc tiến để ký kết sớm với các bạn hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ nhãn cho các nông hộ và hợp tác xã”, ông Phạm Xuân Thắng chia sẻ.
Ngày 25.8, UBND huyện Khoái Châu đã tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn và nông sản huyện Khoái Châu năm 2022, tại khu vực sân đền Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu với quy mô hơn 50 gian hàng. Đây là hoạt động thiết thực nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản gắn với giới thiệu các di tích lịch sử, di sản văn hóa mang đậm tiềm năng du lịch, lợi thế thu hút đầu tư của huyện Khoái Châu.
Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu Phạm Xuân Thắng đánh trống khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn và nông sản huyện Khoái Châu năm 2022
Đến nay, các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nhãn ở Hàm Tử, Bình Minh, Đông Kết đã sớm ký kết với khách hàng xuất khẩu nhãn đông lạnh sang thị trường của Hàn Quốc từ 100 - 150 tấn. Đến thời điểm này, nhãn sớm thu hoạch khoảng 15% - 20% tổng sản lượng. Kỳ vọng trong thời gian tới, nhãn sẽ chín rộ, đặc biệt là nhóm nhãn đặc sản của Khoái Châu như T6, T1, T2, nhãn Miền Thiết. Đã có một số doanh nghiệp đến ký kết với các nhà vườn, các chủ trang trại với giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, cá biệt có những giống nhãn bán được trên 45.000 đồng/kg vào đầu vụ.