Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mong muốn được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn vay dài
Ngày 15.8, tại Hội nghị "Kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội", đại diện Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) mong muốn tổ chức ngân hàng quan tâm cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài.
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn
Hội nghị với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp bao gồm các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực, doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố, 43 chủ đầu tư các cụm công nghiệp và gần 20 ngân hàng thương mại. Tại hội nghị, các hội, hiệp hội và doanh nghiệp đã cùng nhau chia sẻ các thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Các doanh nghiệp cho biết, nhằm triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và phục hồi sau Covid-19, các Bộ, ngành Trung ương đã nỗ lực trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp liên quan đến hỗ trợ lãi suất các khoản vay, gia hạn nộp thuế thu nhập cho doanh nghiệp, tiền thuê đất...
Tuy nhiên, một số chính sách trong chương trình phục hồi, hỗ trợ doanh nghiệp tỷ lệ giải ngân còn thấp, tình hình xây dựng một số văn bản hướng dẫn còn chưa đảm bảo tiến độ yêu cầu đề ra, chưa hỗ trợ được người dân, doanh nghiệp vào thời điểm cần thiết, việc tiếp cận của doanh nghiệp với các chính sách tín dụng, các chính sách hỗ trợ khác còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Phó Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Vân cho biết, “dịch Covid-19 với những tác động tiêu cực trong 2 năm vừa qua, các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi giá trị cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy đã có nhiều doanh nghệp phải chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực khác.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh mảng công nghiệp hỗ trợ, yếu tố cần và đủ là cơ chế chính sách cụ thể cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hạ tầng đất đai tiêu chuẩn để doanh nghiệp nước ngoài vào đặt hàng. Đồng thời, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn lực về tài chính, nguồn vốn kinh doanh để mua sắm máy móc thiết bị”, ông Vân chỉ rõ.

Nắm bắt nhu cầu tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, Phó Chủ tịch HANSIBA Nguyễn Vân đề xuất, các tổ chức ngân hàng quan tâm cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ được tiếp cận nguồn vốn tốt, thời hạn cho vay dài, bởi nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải đầu tư 2-3 năm, thậm chí 5-10 năm mới có lãi.
“Bên cạnh đó, mở ra thêm các hình thức tín chấp. Doanh nghiệp có thể thế chấp bằng máy móc thiết bị, nhà xưởng. Có thêm hình thức bảo lãnh 3 bên. Quỹ đầu tư phát triển TP. Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội cũng cần xem xét cho vay các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19, khi mà nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất 3 tại chỗ”, ông Nguyễn Vân kiến nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) Lưu Hải Minh cũng “mong muốn cùng các đối tác là các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính, các quỹ hợp tác cùng nắm bắt các nhu cầu tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp. Phối hợp hỗ trợ cùng doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ đề nghị vay vốn dự án, bảo bảo tính chính xác, hợp lý của hồ sơ, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng trả được nợ vay. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ trong công tác phối hợp khai thác cho vay đầu tư dự án, thời gian và thủ tục hành chính thực hiện trong quá trình hướng dẫn, nộp và xem xét, giải quyết hồ sơ vay vốn theo quy định”, ông Lưu Hải Minh nhấn mạnh.
Trước những kiến nghị từ phía doanh nghiệp, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP. Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn khẳng định, “ngân hàng luôn luôn cần doanh nghiệp chứ không chỉ doanh nghiệp cần ngân hàng bởi đây là mối quan hệ cộng sinh, đáp ứng mong muốn của cả hai bên. Quan điểm chung của các ngân hàng là cố gắng giữ mức lãi suất hiện tại và tìm cách tiết giảm chi phí”. Ông Tuấn cũng kêu gọi các ngân hàng dành những ưu đãi tốt nhất cho doanh nghiệp và mong muốn các hội, hiệp hội tổng hợp nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, sau đó, thông qua Sở Công Thương truyền tải tới ngân hàng thương mại để xây dựng phương án giải quyết tốt nhất cho doanh nghiệp.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thông qua hội nghị, các ngân hàng sẽ xây dựng mối liên kết với doanh nghiệp, qua đó, hỗ trợ tối đa cho những đơn vị này tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. “Ngay sau hội nghị, đề nghị các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để triển khai hiệu quả việc kết nối, xúc tiến vay vốn từ tổ chức tín dụng, phục vụ sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia chương trình kích cầu, đẩy nhanh khởi công hạ tầng những khu, cụm công nghiệp trên địa bàn”.