Điều gì chờ đợi Mỹ sau khi kiểm soát được lạm phát?

Như Ý 13/08/2022 06:02

Nền kinh tế toàn cầu hiện vẫn quay cuồng trong vòng xoáy giá cả leo thang mạnh trong suốt một năm trở lại đây. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đang đặc biệt chú ý đến điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ "tạm thời" kiềm chế được lạm phát. 

Lạm phát được kiềm chế nhờ IRA 

Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật Giảm lạm phát 2022 (IRA), đây là thỏa thuận lớn với quốc gia này và cũng là giải pháp giải quyết không chỉ những thách thức về lạm phát, mà còn cả những vấn đề quan trọng mà nền kinh tế và xã hội Mỹ phải đối mặt lâu nay. 

Điều gì chờ đợi Mỹ sau khi kiểm soát được lạm phát? -0
Nguồn: ITN

Cụ thể, dự luật sẽ huy động 369 tỷ USD đầu tư vào an ninh năng lượng và khử carbon. Điều đó sẽ giúp giảm chi phí năng lượng và đưa Mỹ trở lại đúng hướng trong việc thực hiện các mục tiêu giảm khoảng 40% lượng khí thải CO2 vào năm 2030, so với năm 2005. Những khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi ích sâu rộng hơn so với những thiệt hại do khí hậu gây ra như cháy rừng, bão, lũ lụt... đối với cuộc sống của con người, và thậm chí còn nhiều hơn so với mức lạm phát ngày nay gây ra. 

Dự luật IRA cũng sẽ giúp giải quyết bài toán chi phí chăm sóc sức khỏe tăng cao vốn đã gây khó khăn cho nước Mỹ từ lâu, với việc giảm cả chi phí bảo hiểm theo Đạo luật Chăm sóc y tế giá phải chăng (Obamacare) và bằng cách giới hạn chi phí thuốc men tự trả đối với những người sử dụng dịch vụ Medicare (chương trình bảo hiểm y tế dành cho những người từ 65 tuổi trở lên). Đất nước cờ hoa là một trong những quốc gia có nguồn đổi mới dược phẩm hàng đầu thế giới, và phần lớn các nghiên cứu cơ bản sau những tiến bộ này được người nộp thuế chi trả. Song, người dân Mỹ vẫn phải trả nhiều tiền hơn cho các loại thuốc kê đơn so với người dân ở các quốc gia khác, một phần là do các công ty dược phẩm được trao quyền trong việc định giá thuốc.

Nếu IRA trở thành luật, chỉ riêng điều khoản trên đã là thành tựu lớn. Hơn nữa, dự luật sẽ mang lại nhiều cải tiến cần thiết cho chính sách thuế của Mỹ. Thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% là đặc biệt quan trọng. Mức thuế doanh nghiệp này sẽ không chỉ làm tăng nguồn thu thuế cần thiết, mà còn giúp ngăn chặn cuộc chạy đua giảm thuế xuống đáy trên toàn cầu. Điều đó đặc biệt quan trọng đối với Mỹ vì giúp việc làm thoát khỏi tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.

Những lợi ích của IRA sẽ được nhận ra vào những năm tới, đặc biệt là khi Mỹ đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh. Có thể nói, đây là một số tác dụng chống lạm phát ngay lập tức, đặc biệt là trong trường hợp giá thuốc. 

Còn nhiều thách thức sau lạm phát 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nước Mỹ đang trên đường thoát khỏi cơn bão lạm phát. Nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu đang kỳ vọng lạm phát dịu bớt trong vài năm tới. Vì bất chấp tình hình dịch ở Trung Quốc vẫn còn phức tạp, chuỗi cung ứng toàn cầu dường như đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay nâng lãi suất trong khi những tác động tích cực của các gói kích thích tài khóa đối với nhu cầu tiêu dùng đang ngày càng mờ nhạt, tiết kiệm của hộ gia đình vì thế mà giảm xuống, kéo theo tốc độ tăng trưởng việc làm cũng đang chậm lại.

Bên cạnh đó, trạng thái bình thường mới sau lạm phát có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào tình trạng lực lượng lao động thu hẹp, đầu tư thấp, tốc độ tăng lương trì trệ và bất bình đẳng tràn lan vốn là những yếu tố kéo lùi tăng trưởng trong nhiều năm. Không giống như lạm phát, vấn đề mà Fed và các Ngân hàng Trung ương khác đối phó bằng cách tăng lãi suất, kịch bản sau lạm phát sẽ rất khó dự đoán, và điều này đồng nghĩa với khó khăn trong việc đưa ra giải pháp. Quy mô lực lượng lao động đang thu hẹp lại do già hóa dân số, cũng làm tăng tỷ lệ phụ thuộc nguồn lực lao động vào các quốc gia khác. 

Già hóa dân số từng được nhắc đến là nguồn gốc của rất nhiều vấn đề trong nền kinh tế. Nó làm giảm động lực tăng trưởng, và là nguyên nhân chính gây ra “đình trệ kinh niên”, cũng như từng được xem là rủi ro kinh tế nghiêm trọng nhất của thời đại ngày nay trước khi đại dịch Covid-19. Tình trạng “đình trệ kinh niên” là sự kết hợp giữa mức tiết kiệm cao và đầu tư yếu, khiến thị trường tăng trưởng không nhiều, lãi suất thực và lạm phát đều ở mức thấp dai dẳng.

Theo ông Olivier Blanchard - nguyên là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), người lao động có tuổi thọ tăng và thời gian hưu trí dài hơn sẽ chi tiêu ít đi và tiết kiệm nhiều hơn. Tỷ lệ sinh thấp cũng làm giảm lực lượng lao động trong tương lai trong khi người già về hưu tăng lên. Sẽ rất khó tìm hướng giải quyết cho bài toán này. Một số chuyên gia kinh tế gợi ý rằng, các chính phủ có thể chi tiêu nhiều hơn để củng cố nhu cầu tiêu dùng, nhưng lập luận đó khó nhận được ủng hộ sau khi các gói kích thích tài khóa lớn năm 2020 - 2021 đã góp phần gây ra lạm phát kinh hoàng nhất trong vòng 40 năm trở lại đây.

Hơn nữa, tình trạng kinh tế đình trệ không chỉ do vấn đề già hóa dân số gây ra, mà còn là vấn đề bất bình đẳng thu nhập và thế độc quyền của doanh nghiệp cũng có thể làm giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm. Các rủi ro có thể xảy ra sau hàng loạt sự kiện như đại dịch, căng thẳng địa chính trị và đứt chuỗi cung ứng, cũng gây áp lực lớn đối với kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp. 

Trước những nguy cơ mà vấn đề nhân khẩu học gây ra, các nhà hoạch định chính thường cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng đây không phải là chính sách được ủng hộ về chính trị. Một giải pháp khác là thúc đẩy tốc độ tăng trưởng năng suất. Hai nhà kinh tế Daron Acemoglu và Pascual Restrepo của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát hiện ra rằng, các xã hội đang già đi nhanh hơn lại có tốc độ tăng trưởng cao hơn, một phần là do đầu tư nhiều hơn vào tự động hóa. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy tăng trưởng năng suất không gây ấn tượng.

Giáo sư Đại học Chicago và cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI), ông Raghuram Rajan gợi ý, nếu chính sách tiền tệ không thể giúp phục hồi tăng trưởng và các biện pháp kích thích tài khóa gây ra lạm phát, có lẽ giải pháp tốt hơn là tăng chi tiêu chính phủ cho xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, từ đó đưa nước Mỹ thoát khỏi tình trạng tăng trưởng ảm đạm và tăng năng suất lao động tốt hơn. 

Như Ý