Kỹ thuật xây dựng pháp luật phải được nâng cao

Hà Lan 13/08/2022 05:41

Một trong những vấn đề đáng quan ngại của công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hiện nay là hạn chế về kỹ thuật lập pháp. Một khía cạnh điển hình là sử dụng ngôn ngữ pháp lý thiếu chuẩn mực và chính xác, dẫn đến khi thực thi khó khăn, không thống nhất, và thậm chí bị lợi dụng để suy diễn và sử dụng trái với ý chí chính thức của văn bản gốc. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được cho là có những vấn đề như vậy.

Trong hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham dự của đại diện gần 300 doanh nghiệp mới đây, đại diện một hiệp hội cho biết ông đã dành vài ba ngày để nghiên cứu dự thảo, thấy rất đau đầu và có quy định đọc mãi vẫn thấy mông lung, như khái niệm "giá đất phổ biến trên thị trường".

Cụ thể, Điều 129 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định một trong các nguyên tắc phải bảo đảm khi định giá đất đó là “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường. Điều 130 quy định: Căn cứ nguyên tắc, quy chuẩn, phương pháp định giá đất, giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành.

Ở phần giải đáp sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải thích, giá đất phổ biến theo thị trường là giá đất đang diễn ra hàng ngày trong cuộc sống và phải được đăng ký chính xác, chứ không phải giá đất ghi trong hợp đồng như hiện nay.

Tuy nhiên, khi dự thảo được thông qua thành luật, thì đương nhiên Bộ trưởng sẽ không thể giải thích từng từ ngữ như vậy cho tất cả những người dân, doanh nghiệp có thắc mắc. Và yêu cầu bắt buộc đặt ra là ngôn ngữ pháp lý phải đủ chính xác, và dễ hiểu - để khi ban hành được hiểu thống nhất. “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường’’ - về mặt kỹ thuật lập pháp, là một trường hợp không đạt yêu cầu. Các thuật ngữ như "phù hợp", "phổ biến", "điều kiện bình thường" về mặt pháp lý là chưa đủ rõ ràng và cần thiết phải được cụ thể hóa. Trong khi khung giá đất là vấn đề đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước (tính thuế, thu thuế); của cá nhân, doanh nghiệp (lợi ích kinh tế, quyền tài sản) - hệ quả sẽ rất lớn nếu khái niệm không đủ rõ ràng và dẫn đến khó khăn lớn cho tất cả các bên khi thực thi trên thực tế.

Tình huống này cho thấy, một trong những vấn đề rất quan trọng khi tiến hành sửa đổi Luật Đất đai đó là kỹ thuật xây dựng pháp luật phải được nâng cao. Bên cạnh việc viết điều luật sao cho thể hiện đúng ý đồ chính sách, mọi khái niệm, nguyên tắc phải được giải thích rõ ràng.

Điều đó cũng gợi ý, bản thân Quốc hội, thông qua các Ủy ban chuyên môn, nên tập trung một số chuyên gia để chỉnh sửa dự thảo về cấu trúc luật, về diễn giải luật, bảo đảm tính kỹ thuật của luật, để một quy định không được hiểu đa nghĩa, cũng như tránh các khoảng hở, khoảng chồng chéo. Thực tế, chúng ta đã huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia trong xây dựng luật. Tuy vậy, việc này cần thực chất hơn nữa thông qua việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của một số chuyên gia để xây dựng dự thảo luật chuyên nghiệp, chất lượng hơn; trong đó có dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - vốn giữ vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển của đất nước, tác động rộng lớn đến mọi khía cạnh của đời sống, kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến cả Nhà nước, doanh nghiệp, người dân...

Hà Lan