Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dầu khí

Quang Vũ, Thảo Mộc 05/08/2022 15:52

Chiều 5.8, tại TP. Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dầu khí".

Sửa Luật để đáp ứng thực tiễn hoạt động dầu khí

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Chí Thanh nhấn mạnh, Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động dầu khí, đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới.

Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dầu khí -0
Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Chí Thanh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Quang Vũ

Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới đã có những thay đổi trong hoạt động khai thác; môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí kém hấp dẫn; số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết giảm đáng kể, thậm chí những năm gần đây không ký được hợp đồng mới… đã đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm đáp ứng thực tiễn hoạt động dầu khí trong giai đoạn tới. Vì vậy, Quốc hội đã nhất trí đưa Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022.  

Nhằm góp phần hoàn thiện dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) với nguyên tắc xuyên suốt mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh là: “Xây dựng Luật Dầu khí để phát triển ngành dầu khí với mục tiêu phát triển kinh tế nhưng gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm an toàn cho người, tài sản, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam”; Petrovietnam tổ chức tọa đàm với chủ đề "Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dầu khí", để cập nhật diễn tiến quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi). Cho đến thời điểm hiện nay, Luật Dầu khí (sửa đổi) đang được các cơ quan của Quốc hội thẩm định và sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới đây. 

Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dầu khí -0
Ông Phan Giang Long, Phó trưởng Ban Tìm kiếm Thăm dò, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông tin về tiến độ xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: Quang Vũ

Thông tin về việc cập nhật tiến độ xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi), ông Phan Giang Long, Phó trưởng Ban Tìm kiếm Thăm dò Tập đoàn cho biết, sau khi Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) ngày 15.6.2022, từ đầu tháng 7 đến nay, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì cùng cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công Thương) và Petrovietnam nghiên cứu, rà soát và chỉnh lý Dự thảo Luật Dầu khí trên cơ sở ý kiến của các Đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật Dầu khí dự kiến sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8.2022; dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ Tư (Tháng 10.2022) Quốc hội Khóa XV.

Đổi mới cách tiếp cận, bao quát toàn diện ngành dầu khí

Theo ông Phan Giang Long, việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) không chỉ thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23.7.2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… mà còn nhằm đổi mới cách tiếp cận, cơ cấu lại dự án Luật để bao quát toàn diện ngành dầu khí, tránh cách hiểu là Luật cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. 

Bên cạnh đó, thống nhất nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng Luật là phát triển ngành dầu khí để phát triển kinh tế nhưng gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, phù hợp với luật pháp quốc tế; cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động dầu khí thông qua chính sách ưu đãi đầu tư. Đồng thời, bảo đảm an toàn cho người, tài sản, lợi ích chính đáng của nhà đầu tư khi tham gia điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia của Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam.

"Trên cơ sở đó, Petrovietnam tiếp tục đề xuất hoàn thiện một số nội dung về hoạt động điều tra cơ bản; ngôn ngữ của hợp đồng dầu khí; mua sắm hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí; thực hiện Quyền tham gia và Quyền ưu tiên mua lại Quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí; quy định về các Báo cáo ODP, EDP, FDP; quy định về ưu đãi trong hoạt động dầu khí; quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán" - ông Phan Giang Long cho biết.

Góp ý về cơ chế khuyến khích đối với hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí, theo đại diện Viện Dầu khí Việt Nam, tại khoản Điều 5 của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) về chính sách của nhà nước về dầu khí, có quy định “Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí tại Việt Nam”. Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí, dự thảo cần làm rõ các cơ chế ưu đãi đối với nhà đầu tư khi tham gia thực hiện hoạt động này (trong nội dung dự thảo mới chỉ đề cập các đối tượng, chính sách ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư khi tham gia vào hợp đồng dầu khí để thực hiện hoạt động dầu khí được quy định tại Chương VI).

Sửa đổi Luật Dầu khí nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dầu khí -0
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vũ

Băn khoăn về một số chính sách ưu đãi, ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị, đối với các mỏ dầu khí cận biên, bên cạnh các ưu đãi về tài chính theo chính sách ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư, có thể xem xét áp dụng các trình tự, thủ tục phê duyệt theo hướng rút gọn (chỉ định thầu, gộp một số bước trong quy trình phê duyệt để triển khai thực hiện để phù hợp với điều kiện thị trường…)

Trong khi đó, theo đại diện Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Điều 32a của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã bổ sung quy định chi tiết về cơ chế để nhà thầu hiện có, đề xuất đầu tư bổ sung, nhằm gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu trên cơ sở ký hợp đồng dầu khí mới. Tuy nhiên, để bảo đảm hoạt động khai thác được diễn ra liên tục mà không bị gián đoạn do vừa phải thực hiện thủ tục kết thúc hợp đồng dầu khí cũ và ký hợp đồng dầu khí mới, đặc biệt có những công việc cần phải triển khai ngay trong thời hạn của hợp đồng dầu khí cũ, mà không thể chờ đến khi ký mới; cần bổ sung thêm hình thức gia hạn hợp đồng dầu khí cũ, bên cạnh việc ký hợp đồng dầu khí mới.

Đồng thời, ngoài việc cho phép sử dụng miễn phí tài liệu và công trình, phương tiện thiết bị khai thác, PVEP kiến nghị, bổ sung quy định cho phép sử dụng Quỹ thu dọn mà chính nhà thầu đó đã trích lập theo hợp đồng dầu khí cũ, để phục vụ cho việc thu dọn các công trình, thiết bị này sau khi kết thúc hợp đồng dầu khí mới.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về quá trình hoàn thiện và xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi); chính sách ưu đãi để khôi phục lại tính hấp dẫn trong môi trường đầu tư lĩnh vực dầu khí; cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực dầu khí…

Quang Vũ, Thảo Mộc