Lựa chọn giới tính khi sinh: Thay đổi thái độ, hành vi

Nguyễn Minh 02/08/2022 16:14

Mặc dù, đã triển khai nhiều giải pháp, song mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là điểm nghẽn trong công tác dân số. Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc tổ chức triển khai các quy định pháp luật liên quan đến công tác dân số, thì cần tính đến yếu tố văn hoá, xã hội, nhất là sự tham gia của nam giới vào vấn đề này.

Một thực hành có hại

Tâm lý ưa thích con trai khiến cho tỷ số giới tính khi sinh nghiêng về con trai trở nên phổ biến ở một số quốc gia - mà nguyên nhân chủ yếu đến từ thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Tỷ số giới tính khi sinh bình thường nằm trong khoảng từ 102 đến 106 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, năm 2021 nhiều địa phương tỷ lệ này là 111,5 bé trai/100 bé gái. Nhóm các tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất tập trung ở phía bắc: Sơn La, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Ðịnh, Vĩnh Phúc, Hà Nội... trong đó cao nhất là tỉnh Sơn La (118,2 bé trai/100 bé gái), tiếp đến là Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội.  

Lựa chọn giới tính khi sinh: Thay đổi thái độ, hành vi -0
Lựa  chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới là một thực hành có hại

Cố vấn về giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, UNFPA Upala Devi cho rằng, tâm lý ưa thích có con trai và thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trước hết là vấn đề bất bình đẳng giới và là hành vi vi phạm quyền con người của phụ nữ. Trẻ em gái và phụ nữ không ngừng bị định giá thấp. Và họ liên tục phải đối mặt với thái độ phân biệt đối xử. Điều đó càng làm hằn sâu tâm lý bị đánh giá thấp vai trò và tiềm năng của bản thân đến mức nhiều gia đình trong xã hội chọn không sinh con gái - họ đã lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới để đảm bảo có con trai trong gia đình.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kirahara phân tích thêm, lựa chọn giới tính khi sinh được coi là bắt nguồn và nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam. Tâm lý thích con trai đã ăn sâu vào văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều cặp vợ chồng khi biết người vợ mang thai con gái (đặc biệt con gái thứ hai) thì họ có xu hướng bỏ thai vì họ muốn có con trai hơn.

“Thực trạng ở Việt Nam cho thấy, số lượng trẻ em gái ở Việt Nam tương ứng với 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt năm 2019 và sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy về mặt nhân khẩu học bao gồm vấn đề sức ép hôn nhân, ngày càng có nhiều nam giới gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời. Theo dự báo có khoảng 1,5 triệu nam giới dư thừa vào thời điểm năm 2034 và đến năm 2059 thì con số này sẽ tăng lên 2,5 triệu, bà Naomi Kirahara nhấn mạnh.

Thúc đẩy thay đổi hành vi

Lựa chọn giới tính khi sinh: Thay đổi thái độ, hành vi -0
Những  hệ  luỵ  trong KT-XH  do mất cân bằng giới tính khi sinh

Hiện, Việt Nam có 3 nhóm giải pháp can thiệp nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Bao gồm, truyền thông nâng cao nhận thức của mọi người về hậu quả; thực hiện các quy định nghiêm cấm sử dụng công nghệ trong xác định giới tính thai nhi và đình chỉ thai nghén; triển khai các chính sách KT-XH nhằm vào việc cải thiện vấn đề bình đẳng giới, nâng cao địa vị phụ nữ, trẻ em gái trong xã hội, từng bước khắc phục tư tưởng trong nam, khinh nữ.

Đánh giá các giải pháp đều trên Vụ trưởng, Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế TS. Đinh Huy Dương cho rằng, chưa đạt được kết quả như mong muốn. Ông Dương phân thích, nhóm giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức là nhóm giải pháp chủ yếu, song cũng chưa được đầy đủ, sâu, rộng, chưa tới được tất cả các đối tượng. Trong khi đó, nhóm giải pháp nghiêm cấm sử dụng công nghệ trong xác định giới tính thai nhi thì chưa được thực hiện nghiêm túc.

Cho đến nay, có rất nhiều văn bản liên quan đến việc nghiêm cấm sử dụng công nghệ trong xác định giới tính thai nhi và đình chỉ thai nghén. Chẳng hạn Điều 7, Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở định kiến giới; Điều 100, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng…

Tuy vậy, chế tài không được thực hiện nghiêm túc, chưa được giám sát, kiểm tra chặt chẽ. Vẫn còn hiện tượng in tài liệu tuyên truyền về lựa chọn giới tính thai nhi; quảng bá các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi; cán bộ y tế tiết lộ về giới tính thai nhi, bằng chứng là rất nhiều phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi trước khi sinh… ông Dương cho hay.

Lựa chọn giới tính khi sinh: Thay đổi thái độ, hành vi -0
Bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản cho phụ nữ.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara gợi ý, để góp phần ngăn chặn lựa chọn giới tính trước sinh và tâm lý thích con trai, đồng thời tôn vinh vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội thì điều quan trọng là phải thúc đẩy sự thay đổi thái độ hành vi của mọi người đối với vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến.

Muốn làm được điều này, các chương trình truyền thông cần tập trung hơn nữa vào vấn đề xã hội và định kiến giới về vấn đề tâm lý ưa thích con trai hơn con gái dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Đối tượng truyền thông cần tập trung nhiều hơn vào nam giới, đặc biệt là nhóm thanh niên thông qua các kênh truyền thông sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, truyền thông kỹ thuật số và các nền tảng xã hội cùng với các chương trình truyền thông truyền thống. Ở góc độ khác, Cố vấn về giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, UNFPA Upala Devi cho rằng, mọi nỗ lực giải quyết tình trạng ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới cần phải thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản cũng như quyền sinh sản của trẻ em gái và phụ nữ.

Nguyễn Minh