Tạo lập thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý

Minh Đức 01/08/2022 06:47

Điểm b, Khoản 1, Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2021 quy định, người khiếu nại có quyền “nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình".

Để người khiếu nại thực hiện quyền này, Khoản 1, Điều 16, luật này nêu rõ: Luật sư có các quyền như tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại theo đề nghị của người khiếu nại; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền; xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại…

Như vậy, pháp luật đã đề cao vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại. Bởi, luật sư là người hiểu biết pháp luật, có kỹ năng phân tích, đánh giá tài liệu, chứng cứ và đối chiếu với các quy định của pháp luật để định hướng cho người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại của mình theo đúng trọng tâm, trọng điểm và đúng quy định của pháp luật. Việc này, sẽ góp phần tiết giảm thời gian và chi phí cho người khiếu nại; hạn chế tình trạng chuyển đơn khiếu nại lòng vòng do gửi đơn không đúng địa chỉ, làm ảnh hưởng đến thời hiệu, thời hạn giải quyết khiếu nại.

Quy định là vậy, song chiếc cầu giữa người khiếu nại và luật sư vẫn còn lỗi nhịp. Thực tế, người khiếu nại vẫn chưa chủ động liên hệ đến luật sư để nhờ tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Nguyên nhân chính của tình trạng trên là nhiều người khiếu nại vẫn chưa tin tưởng vào đội ngũ luật sư. Không hiếm người cho rằng, luật sư sẽ không giúp ích được nhiều trong việc khiếu nại. Ngoài ra, chi phí phải trả cho luật sư cũng là một trong những yếu tố khiến người khiếu nại không tiếp cận với luật sự.

Thực tế còn cho thấy, không ít sự việc vì nhận thức pháp lý của người khiếu nại còn ít nhiều hạn chế, nên nội dung khiếu nại không đúng pháp luật nhưng người khiếu nại lại quả quyết cho rằng khiếu nại của mình là đúng. Và, khi được luật sư tư vấn… thì giữa luật sư và người khiếu nại không tìm được tiếng nói chung.

Để nâng cao trò của luật sư tham gia giải quyết khiếu nại, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của luật sư; trình tự, thủ tục; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc phối hợp cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan; các chế tài xử lý nếu có hành vi cản trở, gây khó khăn cho luật sư trong quá trình tham gia giải quyết vụ việc khiếu nại... thì một yếu tố không kém phần quan trọng đó là đội ngũ luật sư cần tự nâng cao hình ảnh, uy tín của mình thông qua việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn, cũng như đạo đức hành nghề luật sư. Từ đó tạo niềm tin cho người dân nói chung, người khiếu nại nói riêng khi tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp lý. Đây cũng chính là việc tạo lập thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý trong đời sống xã hội.

Minh Đức