Những ngày tháng Bảy năm nay, tỉnh Quảng Trị tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh, liệt sĩ 27.7; 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Rất đông thân nhân người có công với nước, các cựu chiến binh, cán bộ kháng chiến và người dân từ khắp mọi miền tìm về mảnh đất linh thiêng này, cùng non nước dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những người đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đại tá Đào Xuân Thống - Nguyên đại biểu HĐND tỉnh 2 nhiệm kỳ (từ năm 1989), nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị; nguyên Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh (Bộ Công an) đã nghỉ hưu sống tại thành phố Hồ Chí Minh, dù tuổi đã 75 vẫn nhớ rõ những ngày tháng tuổi trẻ hoạt động cách mạng, vào sinh ra tử, được nhân dân chở che như thế nào.
Liệt sĩ Nguyễn Thị Thủy - Người chiến sĩ đặc tình của Ban An ninh thị xã Quảng - Hà, Quảng Trị
Anh kể cho tôi nghenhững ký ức hào hùng thời tuổi trẻ và câu chuyện xảy ra vào thập niên 60 của thế kỷ trước, trong một lần anh được người dân giải cứu thoát khỏi tay giặc. Những ngày tháng đó, Quảng Trịlà chiến trường rất khốc liệt, địch mở nhiều cuộc càn quét hòng tìm diệt cán bộ, du kích, bộ đội ta. Anh lúc ấy mới tuổi 18, thuộc lực lượng An ninh tỉnh Quảng Trị hoạt động ở địa bàn xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng. Vào một buổi chiều, anh đang ở nhà một cơ sở cách mạng tại làng Như Lệ thì nhận được tin báo địch đi càn tràn vào làng từ nhiều hướng. Tình huống quá bất ngờ, lúc đó, tiếng bọn lính quát tháo ở xóm dưới nghe đã rất gần. Anh bối rối thực sự, rút chạy ra khu an toàn thì không kịp, hầm bí mật thì nằm ở hướng đang có địch tới nên không thể ra đó.
Trong phút chốc sinh tử, em Thủy (con gái ông Cự, gia đình cơ sở cách mạng), bình tĩnh và dứt khoát:
- Anh Thống, vào nấp trong “chồ”, nhanh lên! (Chồ được đóng bằng khung gỗ to chắc chắn rộng chừng 7 - 8m3 để giữa nhà dưới, sàn gỗ dày, vách chình bằng đất sét trộn rơm, có 1 cửa lùa bằng 3 tấm ván, dùng làm kho đựng lúa và các nông sản sau thu hoạch).
Em quyết định quá táo bạo và nguy hiểm, bởi nếu địch phát hiện sẽ đánh đổi mạng sống của cả gia đình Thủy.
Giọng sôi nổi, anh Thống kể tiếp:
Tôi có thoáng do dự, sợ làm liên lụy cho em, nhưng không còn cách nào khác, phó mặc cho em và gia đình lo liệu, trong lòng vẫn có một niềm tin rằng họ biết cách đối phó với bọn địch. Tôi ôm khẩu Carbine M2 luồn ngay vào góc “chồ”; Thủy còn cẩn thận nhúng chiếc khăn ướt dặn tôi bịt mũi, đề phòng trong “chồ” có mùi ẩm mốc hay mùi cay của ớt bột bốc lên gây ho sẽ bị địch phát hiện. Rồi em ấy đậy 2 tấm ván cửa chồ, mở hờ tấm trên cùng để tôi không bị ngộp và để bọn lính khỏi nghi ngờ khi thấy “chồ” đóng kín. Mọi việc xong xuôi, không khí căng như dây đàn, hồi hộp, sẵn sàng với tình huống xấu nhất…
Đại tá Đào Xuân Thống thăm mộ Liệt sĩ Nguyễn Thị Thủy, người đã từng che dấu anh khỏi bị địch bắt vào thập niên 60 thế kỷ trước- nhân kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ 27.7
Sống là nhờ dân
Anh kể tiếp:
Khoảng ít phút sau, một toán lính hùng hổ xuất hiện trước sân. Ngồi trong “chồ”, tôi nghe rõ tiếng chào hỏi của gia đình em Thủy. Sau đó, nghe giọng hạch sách, có lẽ là của tên chỉ huy:
- Nghe nói dạo ni (này) Việt cộng hay về làng lắm phải không cô em?
Vài giây im lặng, hay là nó có chỉ điểm nên biết tôi đang ở đây. Tôi thầm lo thì tiếng Thủy vọng vào:
- Ngày mô (nào) mấy eng cũng qua đây, Việt cộng có mà dám! Rồi với giọng con gái quê chân chất, ngọt ngào, Thủy mời khách ngồi uống nước chè xanh.
Cuộc viếng thăm bất đắc dĩ kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, toàn chuyện không đâu nhưng chiều hướng tốt vì Thủy đã khiến tên sĩ quan chỉ huy kia mềm lòng, không mảy may nghi ngờ trong nhà có “Việt cộng”. Thời gian như trôi chậm, toán lính được lệnh rút về nơi đồn trú. Cuộc chia tay có vẻ “thân mật” hơn lúc mới đến. Viên chỉ huy vui vẻ khi được em Thủy mời xã giao, nói sẽ quay lại sớm.
Toán lính rời đi, chúng tôi thoát hiểm trong gang tấc, thở phào nhẹ nhõm. Lúc sau, Thủy vờ đi thăm người bà con trong làng, tìm cách nắm tình hình địch rồi quay về hướng dẫn tôi hướng thoát ra khu an toàn. Trời xẩm tối, tôi chia tay Thủy, mang theo cơm nắm cho lúc đói lòng và ân tình của người con gái và gia đình đã bất chấp hiểm nguy chở che cho mình.
Anh kể tiếp: sau lần đó ít lâu, tôi được giao nhiệm vụ mới chuyển sang hoạt động tại địa bàn khác. Còn Thủy nhận nhiệm vụ vào thị xã Quảng Trị mở tiệm may và hoạt động trong mạng lưới đặc tình của Ban An ninh thị xã Quảng - Hà (Quảng Trị, Đông Hà), một cuộc chia ly dài bất tận.
Chiến tranh ác liệt triền miên, không biết bao lần vào sinh ra tử. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi mới biết tin em đã hy sinh trong cuộc chiến đấu “mùa Hè đỏ lửa” Quảng Trị năm 1972, gia đình em đã chuyển vào Nam sinh sống. Rồi tôi tiếp tục bị cuốn theo những nhiệm vụ mới khó khăn, vất vả từ miền Tây Bình - Trị - Thiên đến các chuyên án an ninh, chính trị vì sự bình yên của đất nước.
Tháng Bảy tri ân
“Nửa thế kỷ trôi qua, tìm lại ký ức, dò hỏi thông tin, tháng Bảy năm nay, tôi đã về tìm em nơi làng quê xưa, đến nơi em yên nghỉ, thắp một nén nhang lên mộ em, người đồng chí - Liệt sĩ Nguyễn Thị Thủy - mà suốt 50 năm qua tôi luôn đau đáu trong lòng nỗi tiếc thương.
“Ai viết tên em thành Liệt sĩ Bên những hàng bia trắng giữa đồng Nhớ nhau anh gọi em: đồng chí Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.”
Giọng trầm buồn, anh nghẹn ngào thốt lên mấy câu thơ trong bài thơ Núi đôi của Vũ Cao, rồi nói với tôi rằng: cậu viết gì thì viết, nhưng bài học lớn nhất được minh chứng từ thực tiễn trong 50 năm tôi làm cán bộ cách mạng và công tác trong ngành Công an, tôi còn được sống cho đến hôm nay, đó là bài học “Lấy dân làm gốc”, nhờ có dân mới có mình, hết lòng hết sức vì dân, vì lợi ích chung, giữ lời hứa với dân thì sẽ được dân tin, dân quý, dân bao bọc, chở che vượt qua mọi hiểm nguy. Trong công cuộc chống “giặc nội xâm” và xây dựng đất nước hôm nay, bài học đó còn nguyên giá trị.