Hoàn thiện hành lang pháp lý tri ân người có công
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội NGUYỄN BÁ HOAN, kết quả nổi bật nhất trong công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng trong 75 năm qua là đã xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để tri ân.
Cả nước có trên 9,2 triệu người có công
- Theo ông, đâu là kết quả nổi bật trong công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng trong 75 năm qua?
“Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, đã xem xét giải quyết trên 7.000 hồ sơ tồn đọng. Trong đó, trình Thủ tướng công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho đối tượng thấu tình, đạt lý, đến nay, không có đơn thư khiếu nại”.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội NGUYỄN BÁ HOAN
- Theo tôi, kết quả nổi bật nhất là việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để tri ân người có công với cách mạng
Năm 1947, Sắc lệnh số 20/SL quy định về hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ là chính sách ưu đãi người có công lần đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành. Từ đó đến nay đã có hàng trăm văn bản pháp quy về thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Trong đó, đáng chú ý là Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” năm 1994. Đây là hai văn bản nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 1992, đánh dấu sự tiến bộ trong hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công.
Năm 2020, Pháp lệnh năm 1994 được thay thế bằng Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14, kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng.
Đặc biệt, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19.7.2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng đã đẩy nhanh việc chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc, chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng.
Như tôi đã nói, chính việc hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý đã giúp các cơ quan chức năng có công cụ chăm sóc, tri ân người có công một cách đầy đủ nhất.
- Cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó, có gần 1,2 triệu liệt sĩ; gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; trên 139.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; gần 185.000 bệnh binh. Cùng với đó là gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; gần 111.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; khoảng 1.897.000 người có công giúp đỡ cách mạng; gần 4,1 triệu người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế...
Chế độ ưu đãi được thực hiện đồng bộ, toàn diện, từng bước nâng cao mức sống của người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Từ năm 1994 đến nay, chính sách phụ cấp đã nhiều lần điều chỉnh và kể từ năm 2019 đến nay mức chuẩn là 1.624.000 đồng - cao hơn mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng của cán bộ, công chức hiện nay. Hiện tại, cả nước có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

Nâng cao năng lực giám định ADN xác định hài cốt liệt sĩ
- Công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
- Ngoài việc thường xuyên chăm sóc hơn 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và hơn 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp giám định gene đã đạt kết quả khích lệ. Từ năm 2011 đến hết năm 2021 đã nhận hơn 41.119 mẫu, gồm 34.673 mẫu hài cốt liệt sĩ và 6.446 mẫu thân nhân liệt sĩ. Qua phân tích, so sánh, đối chiếu ADN đã xác định danh tính đối với gần 1.400 hài cốt liệt sĩ, báo tin cho thân nhân và chỉnh sửa thông tin ghi trên bia mộ liệt sĩ.
Ngoài ra, bằng phương pháp thực chứng đã xác định được danh tính đối với 4.089 hài cốt liệt sĩ.
Đặc biệt, năm 2021 áp dụng thí điểm việc xác minh, kết luận thông tin mộ liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk đã bổ sung đầy đủ thông tin đối với 1.260 mộ liệt sĩ tại đây.
- Dù vậy, cả nước vẫn còn gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Đây là nỗi day dứt, là món nợ lớn. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội định hướng xử lý như thế nào?
- Quá trình tìm kiếm, quy tập và xác định thông tin liệt sĩ ngày càng khó khăn do thời gian chôn cất, bị vùi lấp quá dài, mẫu sinh phẩm kém chất lượng; trang thiết bị giám định quá cũ; nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị giám định chưa đáp ứng yêu cầu…
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện vẫn còn vướng mắc khi áp dụng các quy định tại Luật Giá năm 2012 và các văn bản liên quan như Nghị định số 149/2016/NĐ-CP, Thông tư số 56/2014/TT-BTC, Thông tư số 233/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính.
Trước những bất cập trên, tôi nghĩ ngoài quyết tâm cao của tất cả các cấp, ngành, nhất là ngành lao động, thương binh và xã hội thì Bộ Quốc phòng sớm ban hành quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin làm cơ sở để triển khai thực hiện giám định ADN theo quy trình thống nhất. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc ban hành đơn giá giám định hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu các giải pháp thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp nhằm liên thông, tích hợp đồng bộ cơ sở dữ liệu về liệt sĩ; đồng thời kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu về liệt sĩ do Bộ Quốc phòng quản lý để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ và tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực giám định ADN trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!