Nông nghiệp và hành trình "Net Zero"

Hà Lan 24/07/2022 06:07

Y Hưng năm nay 26 tuổi, sống tại buôn Pu Hue, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Anh từng có 2 năm làm việc tại Israel cho một công ty của Thái Lan, sau đó quay về hỗ trợ bố canh tác cà phê theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp thuộc dự án Nescafe Plan Việt Nam từ năm 2014. Những cải tiến của anh trong thực hành nông nghiệp bền vững tưởng nhỏ nhưng lại đóng góp ý nghĩa cho một vấn đề lớn nhất của toàn cầu: giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên diện tích 1,7ha, Y Hưng áp dụng mô hình trồng xen canh 800 cây cà phê tái canh và 500 trụ hồ tiêu, mật độ 3 hàng cà phê xen 2 băng hồ tiêu. Anh cũng che phủ đất bằng những cành cây, cỏ dại đã cắt tỉa.

Về mặt lý thuyết, trồng xen canh góp phần tạo ra tổng sản lượng cao hơn khi các loại cây trồng được lựa chọn để bổ sung cho nhau, đồng thời giúp bảo vệ đất ở giữa các hàng, tăng cường hệ thống rễ và cô lập carbon trong đất. Thực hành che phủ đất không chỉ giúp ngăn cỏ dại phát triển, duy trì độ ẩm và nhiệt độ của đất, chống xói mòn đất, ổn định nhiệt độ của đất, mà còn đặc biệt quan trọng để tăng chất hữu cơ trong đất và do đó hấp thụ carbon giữ trong đất.

Trên thực tế, Y Hưng đã giảm được 40 - 60% lượng nước tưới và hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Niên vụ gần đây nhất (2021 - 2022), Y Hưng thu được 4,2 tấn cà phê và 2,5 tấn tiêu và cho lợi nhuận tăng hơn 220% so với niên vụ 2019 - 2020. Mọi hoạt động đều được Y Hưng ghi lại đầy đủ trên “app” nhật ký nông hộ để tính toán phát thải CO2 và chi phí sản xuất. Việc này một mặt hỗ trợ gia đình anh quyết định các giải pháp phù hợp và tính toán thời điểm bán cà phê, tiêu đen vào thời kỳ có lãi tốt nhất cũng như giảm nhẹ tác động lên môi trường của vườn nhà.

Tất nhiên, không phải nông dân nào cũng quan tâm đến canh tác bền vững, đến mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp và vấn đề phát thải khí nhà kính như Y Hưng. Nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế nước ta - chịu tổn thương nặng nề từ biến đổi khí hậu, đồng thời là nguồn phát thải lớn thứ hai sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Mỗi năm, sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2 quy đổi, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt, 46% là từ hoạt động canh tác lúa nước.

Bởi vậy, ngành nông nghiệp không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26. Tuy nhiên, đây là một hành trình đầy khó khăn và tốn kém, khi theo ước tính gần đây của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần đến hàng trăm tỷ USD đầu tư cho hạ tầng, cho năng lượng và các hoạt động hướng đến đưa phát thải ròng về mức zero.  

 Thực hành nông nghiệp tốt như trường hợp của anh Y Hưng tưởng như nhỏ nhưng là đóng góp đầy ý nghĩa cho nỗ lực chung của cả quốc gia và rộng hơn là toàn cầu. Điều đó hàm ý rằng, về mặt chính sách, làm thế nào để “Y Hưng” không còn là câu chuyện cá biệt mà trở thành nhận thức và thực hành mới phổ biến trong nông nghiệp. Và không dừng ở đó, những “Y Hưng” trong nông nghiệp cũng cần mở rộng sang những ngành khác theo hướng: mỗi hành động nhỏ nhưng thiết thực đóng góp vào sự nghiệp chung.

Rộng hơn, những câu chuyện này cũng cho thấy sự tham gia của doanh nghiệp vào thực hiện giảm thải hết sức cần thiết. Giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu không phải là “chuyện riêng” của Nhà nước và không thể chỉ trông đợi vào nguồn lực công. Điều cốt yếu là Nhà nước có được những chính sách và cách làm đúng để huy động và phát huy tổng lực các nguồn lực đó.

Hà Lan