Giám sát ngay trong giai đoạn triển khai các Nghị quyết của Quốc hội
Khác với các nhiệm kỳ trước, sau khi kết thúc việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Quốc hội mới tiến hành giám sát. Nhiệm kỳ Khóa XV, việc giám sát được tiến hành ngay trong giai đoạn triển khai. Cụ thể, năm 2023, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện các Nghị quyết về 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Tại Hội nghị Tập huấn kỹ năng hoạt động dành cho đại biểu dân cử là người dân tộc thiểu số do Hội đồng Dân tộc tổ chức, các đại biểu đã được bồi dưỡng các kỹ năng giám sát chuyên đề liên quan đến lĩnh vực dân tộc, qua đó phục vụ đắc lực cho chuyên đề giám sát năm 2023.
Quan trọng nhất là danh mục dự án đầu tư phải hết sức thiết thực
Tại hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã tạo ra bước chuyển mới trong tư duy và cách thực hiện chính sách dân tộc. Theo đó, các chủ trương, chính sách mới mang tầm chiến lược, phù hợp với thực tiễn và khả thi. Quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách thuộc Chương trình này là cơ hội lớn để vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển toàn diện, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập của người dân, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về thu nhập và đời sống so với các vùng khác, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là hiện hữu bởi Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được triển khai trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn chậm. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: “nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia khá lớn, nhưng vốn cho một hạng mục thì nhỏ, trong khi đó, chúng ta phải giải quyết cho được những vấn đề mang tính đặc thù như nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, ổn định dân cư, tạo sinh kế…”.
Theo các đại biểu tham dự hội nghị, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là chương trình lớn, thay đổi cách tiếp cận từ “nặng” về hỗ trợ, cho không sang đầu tư phát triển. Nhiều địa phương đã rất tích cực triển khai thực hiện Chương trình, đơn cử như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã xây dựng và phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình và bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện nhằm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Với quan điểm hết sức tiết kiệm chi, khai thác nguồn thu mới để dồn nguồn lực chăm sóc cho nhân dân toàn tỉnh, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hết sức coi trọng việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của chính sách dân tộc và đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đi sâu, đi sát, làm việc với nhiều cấp chính quyền
Các đại biểu cũng xác định các giải pháp chủ yếu để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia này là phải phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình. Chính sách phải phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền, gắn với củng cố quốc phòng an ninh. Đồng thời phải đa dạng hóa hơn nữa các nguồn lực thực hiện Chương trình, huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Sơn La nhấn mạnh, “để thực hiện thành công Chương trình, quan trọng nhất là danh mục dự án đầu tư ở các địa phương phải hết sức thiết thực, theo khả năng nguồn lực hiện có”. Đặc biệt, phải bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân, phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho biết thêm, năm 2023, Quốc hội sẽ giám sát tối cao “việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025”.
Khác với các nhiệm kỳ trước, sau khi kết thúc việc triển khai thực hiện Nghị quyết thì Quốc hội mới tiến hành giám sát, nhưng nhiệm kỳ Khóa XV, việc giám sát được tiến hành ngay trong giai đoạn triển khai thực hiện nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và có giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
Do vậy, một trong những kỹ năng giám sát quan trọng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc là các đại biểu phải gắn bó sâu sát với thực tiễn. Giám sát chuyên đề liên quan đến lĩnh vực dân tộc phải đi sâu, đi sát, làm việc với nhiều cấp nhất, từ cấp xã, thôn, huyện, tỉnh, đến các bộ, ngành có liên quan. Các đại biểu khi tiến hành giám sát cần nắm rõ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại địa bàn giám sát; dành thời gian tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các hộ gia đình, người dân, đối tượng thụ hưởng chính sách về cách thức triển khai của chính quyền địa phương. Từ đó, tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn khi triển khai chính sách, nguyện vọng của người dân; nắm chắc thông tin để đối chứng với những kết quả nhận định trong báo cáo của các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan. Đáng lưu ý, nếu ở cấp xã có vấn đề thì liên quan đến cấp huyện, nếu vấn đề tương tự ở nhiều huyện thì có liên quan đến cấp tỉnh, do đó, đại biểu dân cử phải trau dồi kỹ năng phân tích, tổng hợp vấn đề để xác định đúng, trúng các vấn đề đặt ra cần có sự vào cuộc của cấp nào, cơ quan nào.
Trong quá trình giám sát cần thường xuyên đặt câu hỏi việc tổ chức triển khai chính sách ở địa phương có đúng quy định không? Chính sách có thực hiện đúng đối tượng, định mức không? Việc cấp ngân sách và chi trả như thế nào? Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ra sao? Hiệu quả của chính sách, tồn tại, bất cập, đề xuất, kiến nghị. Việc nêu vấn đề và đặt câu hỏi rất linh hoạt, tùy thuộc vào nội dung báo cáo của địa phương, có rõ ràng đầy đủ không và cần đối chiếu với những thông tin thu nhận được khi khảo sát hộ gia đình, hiện trường và kết quả làm việc để phân tích, so sánh, phát hiện những vấn đề cần được trao đổi, hoặc nhận định thông qua giám sát…
Hội nghị tập huấn kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử là người dân tộc thiểu số diễn ra trong 2 ngày, nhằm thảo luận, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, quý báu, góp phần trang bị, làm phong phú thêm kiến thức, kỹ năng hoạt động, giúp các đại biểu dân cử thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có kỹ năng giám sát, nhất là tới đây, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai từ đầu nhiệm kỳ.