Bồi đắp tình yêu văn chương qua mỗi giờ học
Môn Ngữ văn, đặc biệt ở bậc Tiểu học có nhiều ưu thế trong hình thành và phát triển hài hòa đức, trí, thể, mỹ cho học sinh. Thông qua hoạt động giáo dục, giáo viên bằng tình yêu văn chương hướng tới phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.
Thầy cô khéo léo dẫn dắt
Chia sẻ về lựa chọn và khai thác các tác phẩm văn học trong dạy học tiếng Việt, cô Bùi Thị Hương, Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, là giáo viên đang dạy học ở giai đoạn chuyển giao hai chương trình, cô nhận thấy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã kế thừa và phát huy những điểm cốt lõi của chương trình cũ. Với môn Tiếng Việt, các tác phẩm văn học đưa vào phù hợp với thực tế cuộc sống, gần gũi hơn. Học sinh thích đọc, thuộc cả bài văn, bài thơ được trích dẫn.
Đồng quan điểm, nhà văn Lê Phương Liên nhận xét, các tác phẩm được lựa chọn đưa vào chương trình, sách giáo khoa mới có văn phong mẫu mực, nội dung phù hợp với các chủ đề theo từng lứa tuổi, lớp học. Vấn đề là, giáo viên cần khéo léo dẫn dắt sự hiểu biết của các em qua chính các tác phẩm văn học này. “Đưa một tác phẩm văn học đến học sinh lứa tuổi tiểu học là một việc khó, tuy vậy giáo viên có thể khơi gợi hình ảnh, câu chuyện bằng những câu hỏi liên quan. Đơn cử, với tác phẩm Cái trống trường em của nhà thơ Thanh Hào, câu hỏi nên hướng tới nhân vật, đồ vật, hiện vật theo chủ đề cụ thể nhằm dẫn dắt các em tìm hiểu tình cảm tác giả; phương thức truyền đạt câu chuyện, cách dùng các biện pháp tu từ, từ… trong tác phẩm”.
Mục tiêu của môn Tiếng Việt ở bậc Tiểu học là giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể: yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương; có ý thức đối với cội nguồn; yêu thích cái đẹp, cái thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động; thật thà, ngay thẳng trong học tập và đời sống… Bên cạnh đó, giúp học sinh bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả kỹ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản: đọc đúng, trôi chảy văn bản; hiểu được nội dung, thông tin chính của văn bản; liên hệ, so sánh ngoài văn bản; viết đúng chính tả, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn, bài văn ngắn… Phát triển năng lực văn học với yêu cầu phân biệt được thơ và truyện, biết cách đọc thơ và truyện; nhận biết được vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật; có trí tưởng tượng, hiểu và biết xúc động trước cái đẹp, cái thiện của con người và thế giới xung quanh được thể hiện trong các văn bản văn học.
Để đạt được các mục tiêu trên, việc khai thác cũng như tổ chức phương thức giảng dạy các tác phẩm văn học ở bậc tiểu học cũng khác nhau. Yêu cầu cần đạt đối với lớp 1, 2 là rèn học sinh kỹ năng đọc tròn vành rõ tiếng và hiểu được nội dung tường minh của văn bản, nhận biết được văn bản nói về ai, cái gì, nhân vật trong các câu chuyện, vần trong thơ; lớp 3, 4, 5, giúp các em hiểu giá trị và nội dung nghệ thuật của văn bản, có thể nhận xét được đặc điểm, tính cách của nhân vật trong bài, nêu cảm xúc bản thân về nội dung tác phẩm…

Ảnh: Đỗ Sơn
Tác giả chăm chút vẻ đẹp tác phẩm, ngôn ngữ
Chương trình Tiếng Việt bậc tiểu học có nhiều phân môn và mỗi phân môn lại có nhiệm vụ khác nhau. Cô giáo Bùi Thị Hương lấy ví dụ, phân môn Luyện từ và câu giúp mở rộng vốn từ cho học sinh; Tập làm văn phát triển năng lực diễn đạt bằng lời nói hoặc chữ viết. Tuy nhiên, đối với Tập đọc, phân môn khai thác tác phẩm văn học nhiều nhất vẫn có thể phát triển khả năng mở rộng vốn từ cũng như năng lực giao tiếp. “Bản thân tôi cảm thấy đây thực sự là mảnh đất màu mỡ để có thể phát huy vốn từ, bởi mỗi tác phẩm văn học sẽ là một chủ đề, nội dung, từ ngữ khác nhau về gia đình, trường học, cuộc sống xung quanh, tình yêu quê hương đất nước. Hơn nữa, tác phẩm văn học vốn đã có đơn vị từ, đơn vị câu, thậm chí là ngữ cảnh. Đấy chính là nơi để các em hiểu được ý nghĩa của từ”.
Giáo viên cũng có thể khai thác, mở rộng vốn từ cho các em bằng cách để các em đặt câu hỏi với những từ các em chưa biết để rồi cùng tìm hiểu với các hình ảnh trực quan; tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Về năng lực diễn đạt chính là khả năng huy động vốn từ để phát triển thành câu, thành lời nói; giúp người khác hiểu được điều mình muốn nói. “Điều quan trọng nhất là để học sinh được giao tiếp nhiều, được đặt câu hỏi, tương tác, trình bày suy nghĩ và nêu ý kiến cá nhân; cũng có nghĩa hãy đặt học sinh làm trung tâm, để các em tự tìm tòi, tự chinh phục kiến thức và thực hành giao tiếp mới có thể đạt được kỹ năng”, cô Bùi Thị Hương nói.
Để cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học đến gần hơn với học sinh, theo nhà văn Lê Phương Liên, trong mỗi bài tập đọc, nên hướng dẫn các em tìm từ lạ, chưa biết; hoặc tìm từ khác thay thế nhằm khơi gợi sự tò mò, lòng ham hiểu biết, khám phá của học sinh; sự tự tin sẽ giúp các em nắm bắt kiến thức, tri thức. Qua đây, các em cũng thấy mạnh dạn hơn trong việc chia sẻ suy nghĩ, ý kiến của mình.
Nhà thơ Phạm Đình Ân, thành viên Hội đồng chuyên gia tư vấn của Báo Văn tuổi thơ, tác giả một số bài thơ đã được đưa vào sách giáo khoa mới cho rằng, để làm tốt các nhiệm vụ trên đây, một tác phẩm văn học đến được với học sinh là khi tác giả của nó phải có tư duy, xúc cảm, nguyên lý cơ bản trong sáng tác cho trẻ em, chứ không chỉ là lý thuyết chung. “Muốn có tác phẩm hấp dẫn, lôi cuốn trẻ em, trước tiên phải yêu các em, trên cơ sở đó giáo dục thẩm mỹ và quyết tâm rèn luyện nghệ thuật, sáng tạo cho các em”.
Nhà thơ Phạm Đình Ân nhấn mạnh, nhằm thực hiện đúng mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh, sáng tác văn học dành cho các em cũng phải chú trọng yếu tố ngộ nghĩnh, giản dị, hồn nhiên, ngây thơ trong các câu chuyện; vui tươi, rộn ràng, hóm hỉnh, hài hước qua từ ngữ, đối thoại; hành động có sắc màu; xây dựng truyện trong thơ thay vì chất trữ tình sa đà ngâm ngợi; đặc biệt, chăm chút vẻ đẹp tác phẩm, ngôn ngữ, chất dân gian để giáo dục các em tiếng nói dân tộc, bồi đắp tình yêu văn chương qua mỗi giờ học tiếng Việt.