Giáo viên, học sinh đánh giá: Đề thi Ngữ văn “có đất” để thí sinh thể hiện quan điểm cá nhân
Kim Thoa•07/07/2022 11:08
Đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 được đánh giá, bám sát cấu trúc đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT đã công bố, “dễ thở” cho thí sinh, tạo cơ hội để các em thể hiện quan điểm cá nhân.
Thí sinh vui vẻ rời phòng thi/ Ảnh gdtd.vn
Kết thúc bài thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh chia sẻ cảm xúc thoải mái khi tiếp cận đề thi. Đề thi có những câu hỏi quen thuộc, kiến thức nằm trong khung chương trình. Thí sinh hào hứng với câu hỏi tạo cơ hội thể hiện quan điểm cá nhân.
Em Nguyễn Minh Anh - thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, tỉnh Thái Bình chia sẻ: Đề thi Ngữ văn năm nay nói chung không khó, nội dung của đề thi nằm trong đề cương ôn tập, được thầy cô truyền đạt trong quá trình ôn luyện.“Đề thi năm nay đối với em có thể gọi là “trúng tủ”. Phần nghị luận xã hội sẽtạo cho thí sinh cảm xúc dạt dào khi chia sẻ về trách nhiệm của giới trẻ để tiếp bước các thế hệ đi trước. Đây là cơ hội tốt để chúng em thoả sức bày tỏ quan điểm cá nhân về một vấn đề quan trọng, mang ý nghĩa lớn lao.Em rất hứng thú và tự tin vào bài thi của mình” – Minh Anh cho biết.
Cô giáo Trần Thuỳ Dương
Về phía giáo viên, có kinh nghiệm nhiều năm ôn luyện cho thí sinh và theo dõi các kỳ thi, cô Trần Thuỳ Dương - Giáo viên luyện thi Văn trực tuyến, tác giả bộ sách “Luyện thi môn Ngữ văn” đưa ra những nhận xét cụ thể về đề thi như sau:
Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức. Ba câu đầu là câu hỏi nhận biết về các khía cạnh xoay quanh nội dung của văn bản.
Câu 4 là câu vận dụng cao, đòi hỏi học sinh rút ra được bài học và thể hiện được suy ngẫm về ý nghĩa của sự hi sinh – một trong những vấn đề rất cần thiết trong nhận thức của giới trẻ ngày nay.
Nhìn chung, các câu hỏi ở phần Đọc hiểu vừa sức với học sinh, không quá mới lạ so với cách thức hỏi của các đề thi các năm trước.
Phần II. Làm văn (7 điểm), đề giữ nguyên cấu trúc gồm 2 phần: Viết đoạn văn Nghị luận xã hội (2.0 điểm) và bài Nghị luận văn học (5.0 điểm).
Câu 1 (2.0 điểm): Câu lệnh đã nêu đầy đủ và chuẩn xác về các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết 1 đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về 1 khía cạnh của vấn đề được rút ra từ đoạn trích phần Đọc hiểu, đó là “trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước”.
“Sống trách nhiệm” là một vấn đề thuộc về nhận thức đối với mỗi cá nhân trong xã hội. Tuy nhiên, rất sợ các em học sinh quá khuôn mẫu, mất đi tính chân thành, không thể hiện rõ quan điểm cũng như suy nghĩ cá nhân. Đối với dạng đề trên, để có thể đạt điểm cao, các em cần chú trọng quan điểm cá nhân, ưu tiên những dẫn chứng gần gũi, thực tế, thời sự.
Câu 2 (5.0 điểm): Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, tuy nhiên vẫn có tính phân loại nằm ở yêu cầu phụ.
Thứ nhất, nội dung chính của bài nghị luận yêu cầu thí sinh phân tích đoạn trích đầu trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, vấn đề không mới, không thách thức với thí sinh và nằm ở mức độ căn bản.
Mức độ phân hóa của đề thi nằm ở yêu cầu phụ của câu nghị luận văn học.
Câu lệnh thứ 2 khó hơn, mang tính chất khái quát và nâng cao khi yêu cầu “liên hệ hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện để rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống”. Với mệnh lệnh trên, đòi hỏi thí sinh phải hiểu “sâu” về nội dung mà truyện truyền tải cũng như thông điệp về nghệ thuật của tác giả.
Nhìn chung, đề thi vẫn theo đúng nhận định ban đầu của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục - Đào tạo) về định hướng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: “Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục Trung học Phổ thông hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản đi nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch Covid-19 mà Bộ GD-ĐT đã công bố; đề thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu của kỳ thi, bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh”.
Cô Trần Thuỳ Dương nhận định: Với đề thi này, phổ điểm 6.0 – 6.5 chiếm đa số. Học sinh Khá có thể đạt 7.0 - 7.5 điểm. Để dành điểm 8.5 - 9.0, thí sinh cần có kỹ năng xử lý đề tốt, thể hiện được tư duy và sự sáng tạo riêng.
Đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022