Trăm năm thoáng chốc
Sáu mươi năm sự nghiệp Bảo Quốc, thời gian như bóng câu qua cửa. Má Giàu khóc và nói: “Má già rồi tụi con à!"...
NSND Ngọc Giàu thuộc thế hệ nghệ sĩ thứ hai sau lớp nghệ sĩ tiên phong của cải lương, sau những huyền thoại như Phùng Há, Năm Phỉ. Trong “Sân khấu về khuya”, má đóng vai Mỹ Tiên, một nhân vật thứ chính bên cạnh cặp đôi huyền thoại Thành Được - Thanh Nga. Vở diễn này, một kiệt tác của soạn giả Năm Châu, không chỉ là đỉnh cao của đoàn Thanh Minh Thanh Nga mà còn là một tuyên ngôn về nghệ thuật.
Cũng là cái nôi là đoàn Thanh Minh Thanh Nga, chú Sáu Bảo Quốc đã sải những bước đầu tiên trong sự nghiệp. Thuở ban đầu, chú thích đá banh và… quậy phá nhiều hơn. Rồi một hôm diễn viên nhí của đoàn không thể diễn, ba của chú mới hỏi khích: Con đóng được không. Tuổi nhỏ sính cường, chú dõng dạc đáp: “Được chớ!”. Và hai chữ “được chớ” đó đã khởi đầu cho một sự nghiệp vàng son kéo dài hơn nửa thế kỷ.
Cô Lệ Thủy là lớp tiếp theo. Cùng với Minh Vương, Bạch Tuyết, cô đã kéo cải lương, đặc biệt là sau 1975 sang một bước ngoặt mới. Họ không còn hát bình thản như thế hệ trước mà chuyển sang một giọng điệu kịch tính hơn. Cũng là “Cô bán đèn hoa giấy”, nhưng Lệ Thủy và Thanh Hương - thần tượng của cô - mang đến hai tinh thần hoàn toàn khác.
Và thời đỉnh cao của cải lương đã dừng lại ở cái tên còn lại, Kim Tử Long. Ngôi sao một thời của “Mưa bụi” là chứng nhân sống của một thời đại mà băng video cải lương tràn mọi nẻo. Nghệ sĩ cải lương chạy show mệt nghỉ, quay băng mệt nghỉ trước khi lụi tàn vì khán giả chán ngán và thị trường xuất hiện những loại hình giải trí khác.
Đêm 3.7 vừa qua, sau khi diễn xong, má Giàu khóc trên sân khấu. Đã lâu rồi sân khấu cải lương không đông như thế, lâu rồi má không trang điểm để ra diễn lại những tuồng tích đỉnh cao một thời, bên cạnh những đồng nghiệp đàn em (đa số người đồng niên của má đã qua thế giới bên kia cả rồi). Sáu mươi năm sự nghiệp Bảo Quốc, thời gian như bóng câu qua cửa. Má khóc và nói: “Má già rồi tụi con à!". Mỹ Tiên xuân sắc ngày nào nay đã là một cụ già tám mươi. Má đóng vai mẹ của The trong "Nửa đời hương phấn". The một thời của Thanh Nga, người đã rời bỏ chúng ta 44 năm, để trở thành một huyền thoại bất tử và trở thành tổ nghề của biết bao thế hệ nghệ sĩ cải lương sau này.
Nhìn lên các vị tiền bối xuất hiện trên sàn diễn, tôi như thấy trăm năm sân khấu trôi qua trước mắt mình. Sân khấu là nơi chưng cất hồn dân tộc, nên dẫu giọng đã xuống, nhan sắc nhạt phai, nhưng người nghệ sĩ đứng trên đó bỗng như được sống lại thời hoàng kim. Và để tiếp tục sống, sân khấu cần một lớp thế hệ nghệ sĩ mới nói lên được tiếng nói của thời đại hôm nay.
Những huyền thoại ở đây để nhắc nhở chúng ta là họ đã từng làm mới bản thân như thế nào để giữ cho sân khấu luôn sáng đèn. Sau tất cả, nghệ sĩ cần sân khấu như cá cần nước. Buổi diễn vừa qua đã chứng kiến nhiều cụ già chân đi không nổi vẫn cố lê từng bậc thang lên để nhìn lại thần tượng một thời. Có những người vẫn giữ thói quen cũ là lao lên thẳng sân khấu khi nghệ sĩ đang diễn để trao cho họ chiếc bao thơ chứa tiền.
Cái bao thơ chứa tiền ấy từng là tiếng trống chầu trong những show hát bội, kích thích nghệ sĩ cháy hết mình trong những nhân vật. Tiếng trống ấy sẽ không mất, nó chỉ chờ một thanh âm thành ý là sẽ nổi lên thôi…