Trung Quốc xem xét dự thảo luật bảo tồn đất đen
Các nhà lập pháp Trung Quốc đang xem xét dự thảo luật bảo tồn đất đen, trong đó quy định vấn đề tài trợ thường xuyên của Chính phủ và các biện pháp bảo vệ có mục tiêu, như một phần trong nỗ lực bảo đảm an ninh ngũ cốc của đất nước.
Theo Tân Hoa xã, dự thảo luật được đệ trình để đọc lần thứ ba vào ngày 21.6 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Trung Quốc.
Đất đen, hay đất chernozem, được tìm thấy ở các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh phía Đông Bắc Trung Quốc và ở một số vùng của Khu tự trị Nội Mông, sản xuất khoảng 1/4 tổng sản lượng ngũ cốc của cả nước, đóng vai trò quan trọng đối với nguồn cung cấp lương thực của Trung Quốc. Chernozem một loại đất màu đen chứa tỷ lệ mùn cao (4% đến 16%) và tỷ lệ cao của axit photphoric, phốt pho và amoniac. Chernozem rất màu mỡ và có thể tạo ra sản lượng nông nghiệp cao với khả năng lưu trữ độ ẩm tốt. Tuy nhiên, việc khai hoang quá mức trong nhiều năm đã làm xói mòn chất dinh dưỡng của đất và lớp chernozem của nó ngày càng mỏng đi, gây ra mối đe dọa đối với an ninh sinh thái và sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo tài liệu giải thích về dự thảo, cơ quan lập pháp cấp tỉnh đã không thiết lập được cơ chế bảo vệ hiệu quả và Trung Quốc đang cần nhiều biện pháp được thiết kế đặc biệt để bảo vệ đất đen. Với 37 điều khoản, dự thảo quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương và người sản xuất nông nghiệp trong việc bảo vệ đất đen.
Dự thảo lưu ý, Trung Quốc sẽ xây dựng một cơ chế lâu dài để duy trì chất lượng đất đen thông qua một số biện pháp, chẳng hạn như giới thiệu công nghệ nông nghiệp liên quan và áp dụng công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, đất nước gấu trúc sẽ tiến hành các cuộc điều tra thường xuyên về đất đen, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu để hướng dẫn công việc quản lý một cách khoa học.
Dự thảo ghi rõ, các đổi mới công nghệ về bảo tồn, phục hồi và sử dụng đất đen sẽ được hỗ trợ về mặt chính sách. Các tổ chức dịch vụ xã hội và vốn tư nhân cũng sẽ được khuyến khích đóng góp. Bên cạnh đó, theo dự thảo, phạm vi của khu vực bảo vệ đất đen cần được phân định và điều chỉnh một cách thích hợp dựa trên cả việc khai hoang trước đây và sử dụng hiện tại, nhằm bảo vệ và phục hồi đất đen tốt hơn một cách có hệ thống, theo từng giai đoạn và có mục tiêu.
Văn bản này cũng quy định hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những người gây ra xói mòn đất ở các khu vực đất đen phù hợp với các luật và quy định có liên quan. Nhấn mạnh tầm quan trọng của các trang trại nhà nước trong việc bảo tồn đất đen, chính sách mới cũng kêu gọi các nông trại nêu gương tốt trong các nỗ lực bảo vệ và phải chịu sự giám sát và kiểm tra.
Lần đọc đầu tiên và thứ hai của dự thảo diễn ra vào tháng 12.2021 và tháng 4.2022.
Theo China Daily, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng phát biểu, “đất đen sẽ biến mất trong nhiều thập kỷ nếu không có các biện pháp bảo vệ hiệu quả", đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đất cho các thế hệ tương lai, và cho rằng đất cũng quý giá và quan trọng với Trung Quốc như những chú gấu trúc biểu tượng.
Thực tế, trong những năm gần đây, nhiều biện pháp hữu hiệu đã được áp dụng để bảo vệ đất đen ở Trung Quốc. Chẳng hạn, đối mặt với sự xói mòn của đất đen, Hắc Long Giang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau tùy theo điều kiện địa phương, bao gồm trả lại rơm rạ cho đất canh tác, cũng như tăng lượng phân hữu cơ và tỷ lệ luân canh cây trồng. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh thành lập 20 dự án thí điểm về bảo vệ và tận dụng đất đen, với diện tích 348.400ha...