Ngành gỗ và cơ hội xuất khẩu vào Canada
Các chuyên gia nhận định ngành gỗ có nhiều cơ hội xuất khẩu vào Canada. Nếu khai thác tốt thị trường, đây sẽ là cửa ngõ để doanh nghiệp mở rộng thị phần tại Bắc Mỹ.
Triển vọng khả quan
Thị trường đồ nội thất gia đình của Canada được dự báo tăng trưởng bình quân 6% trong giai đoạn 2021 - 2025 nhờ sự cải thiện trong hoạt động xây dựng, nhất là nhà ở.

Bộ Công thương cho biết, Canada là 1 trong 10 nhà sản xuất đồ nội thất hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, Canada đã thành nước nhập khẩu ròng các sản phẩm đồ nội thất. Giai đoạn 2014 - 2021, nước này nhập khẩu khoảng 7 tỷ USD/năm, nhiều nhất từ Trung Quốc, Mỹ, còn Việt Nam đứng thứ 13.
Năm 2021, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của nước ta sang Canada đạt 416,4 triệu USD, tăng 27,4%, chiếm 16,7% tổng trị giá nhập khẩu của nước này. Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ sang Canada đạt 111,1 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tại các chuỗi siêu thị lớn như COSTCO, IKEA, LEON’S… không khó để bắt gặp các sản phẩm nội thất sản xuất tại Việt Nam.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài, những số liệu tương đối khả quan cho thấy đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của Canada. Mỗi năm thị trường này lại có thêm 400.000 dân nhập cư nên nhu cầu đồ gỗ rất lớn. Cùng với đó, tác động tích cực từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Triển vọng gia tăng xuất khẩu gỗ sang Canada được đánh giá rất khả quan. Nếu khai thác tốt thị trường này, sản phẩm gỗ và đồ trang trí nội thất của Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đẩy mạnh sang các thị trường khác trong khu vực Bắc Mỹ. Dự báo, trong những tháng tới kim ngạch xuất khẩu sang Canada sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Tìm cơ hội mở rộng thị phần
Tuy vậy, xuất khẩu gỗ sang Canada vẫn có nhiều lo ngại về nguyên liệu, chi phí, đặc biệt là những vụ kiện phòng vệ thương mại. Tháng 12.2020, Canada đã tiến hành điều tra với mặt hàng ghế bọc nệm của Việt Nam. Thời điểm đó, chỉ có 8 trong tổng số hàng trăm doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam trả lời bảng câu hỏi điều tra. Kết quả, 8 doanh nghiệp này chỉ bị áp mức thuế 3,7%, trong khi các doanh nghiệp khác chịu mức thuế 179% và phải nhường thị trường cho đối thủ do không thể cạnh tranh.
Ông Ngô Sỹ Hoài thừa nhận doanh nghiệp chưa chú trọng đến phòng vệ thương mại và vụ việc này là bài học rất lớn. Khi làm ăn với các thị trường lớn, phải trang bị kiến thức về phòng vệ thương mại và tăng cường quản trị doanh nghiệp để đối diện với các vụ kiện thì có đủ các dữ liệu giải trình. Hiệp hội luôn khuyến cáo doanh nghiệp sẵn sàng hóa đơn đầu vào, đầu ra và các bằng chứng chứng minh sản xuất minh bạch. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với với Cục Phòng vệ thương mại để hợp tác trong quá trình điều tra của nước sở tại.
Hiện, các sản phẩm gỗ của Việt Nam mới chiếm 4% thị phần ở Canada. Để mở rộng thị trường, ông Hoài cho rằng các doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, chủ động đưa ra mẫu mã mang "giá trị Việt" thay vì thụ động đợi mẫu mã thiết kế sẵn. Cùng với đó, phải tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, quan tâm đến nhân công bởi chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng giá nhân công ngày càng cao. Đặc biệt là tăng cường năng lực tiếp thị, tận dụng tiện ích 4.0 mang lại.
Chia sẻ về vùng nguyên liệu, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho rằng, khó khăn hiện nay là thiếu nguyên liệu gỗ bạch dương dùng để sản xuất tủ bếp, do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine nên khó nhập khẩu. Các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm loại gỗ có thể thay thế.
Thương vụ Việt Nam tại Canada lưu ý, doanh nghiệp phải nắm được xu hướng và thị yếu của thị trường Canada. Đồ nội thất xuất khẩu phải an toàn cho người tiêu dùng, không có hóa chất theo quy định; phải có đầy đủ nhãn mác có tên bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Riêng với các sản phẩm bọc nệm sẽ phải thử nghiệm theo tiêu chuẩn của hội đồng tiêu chuẩn Canada...