Trang bị kỹ năng, nâng cao chất lượng đại biểu

Diệp Anh 22/06/2022 05:25

Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện trên địa bàn mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tú Anh nhấn mạnh, bên cạnh cơ hội học hỏi những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hội nghị còn là dịp để các đại biểu dân cử địa phương trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động để tìm các giải pháp tháo gỡ.

Quan tâm đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri

Trong chuyên đề Tổng quan về HĐND, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã giúp các học viên nhìn nhận rõ về vị trí, vai trò chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của HĐND; kỹ năng thu thập, xử lý thông tin… Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, làm đại biểu dân cử là một nghề khó, đòi hỏi sự dấn thân, nhưng có thể đóng góp được rất nhiều cho dân, cho nước. Quyền lực của HĐND sẽ được nâng cao nếu có thêm sự tiếp sức của truyền thông.

Trang bị kỹ năng, nâng cao chất lượng đại biểu -0
Các đại biểu dự Hội nghị tập huấn

Từ góc độ lý luận và kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu, trong chuyên đề Kỹ năng giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị và giữ mối liên hệ với cử tri của đại biểu HĐND, nguyên Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Ngô Tự Nam cho biết: Theo dõi công tác giải quyết kiến nghị của cử tri trên phạm vi cả nước cũng như tỉnh Hà Tĩnh, thấy rằng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri đã xác định rõ tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong tiếp thu, trả lời kiến nghị của cử tri. Nhiều kiến nghị đã được xem xét, giải quyết thấu đáo, góp phần nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, giải quyết kịp thời những nhu cầu bức xúc của Nhân dân… “Đại biểu HĐND cần hết sức quan tâm đến việc xem xét, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri; thường xuyên báo cáo Thường trực HĐND; có kế hoạch thông tin kịp thời và đầy đủ kết quả việc xem xét, giải quyết kiến nghị đến cử tri”, ông Nam đề xuất.

Trao đổi tại hội nghị, đa số học viên bày tỏ đồng tình với quan điểm: Để thực hiện tốt việc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, cần chú trọng công tác tổng hợp, phân loại các kiến nghị của cử tri để chuyển đến đúng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức để xem xét, giải quyết, nhất là những kiến nghị liên quan đến trách nhiệm chung của một số sở, ngành như: Vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý trật tự, xây dựng đô thị; đền bù, giải tỏa, tái định cư khi thực hiện các dự án; vệ sinh môi trường…

Tăng cường tương tác, nắm bắt tình hình

​​​​​​Trong chuyên đề Kỹ năng giám sát của cơ quan dân cử, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho rằng: Muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử trước hết phải nhận thức đúng vai trò hoạt động giám sát. Giám sát cần được tiếp cận như là một động lực phát triển, để phát hiện những nhân tố tích cực, định hướng chính sách, ngăn chặn yếu kém, khuyết điểm của các cơ quan, chứ không phải chỉ nhằm tìm tòi những mặt yếu kém, mặt chưa tốt để phê bình, kiểm điểm quy trách nhiệm… Xuất phát từ cách tiếp cận đó, giảng viên nhấn mạnh, khi thực hiện chức năng giám sát, đại biểu dân cử cần lưu ý một số vấn đề, như: Tâm thế/thái độ; chọn chủ đề giám sát; xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát; nghiên cứu báo cáo, tìm hiểu thông tin; tạo dựng không khí tích cực, xây dựng và hợp tác trong các buổi làm việc; xây dựng và hoàn thiện báo cáo giám sát; theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận giám sát…

Một trong những nội dung được các học viên đặc biệt quan tâm là Kỹ năng phân tích, đánh giá tác động của chính sách trong ban hành nghị quyết của HĐND. Trình bày chuyên đề này, PGS.TS. Lê Minh Thông cho rằng: Nhận diện các vấn đề thực tiễn là một trong những cơ sở quan trọng để đánh giá sát đúng tính cấp thiết của chính sách được đề xuất xây dựng. Để nhận diện đúng, trúng vấn đề thực tiễn đang xảy ra hoặc sẽ xảy ra thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp chính quyền mà người đại biểu là thành viên, cần căn cứ vào các tiêu chí: Phạm vi không gian, thời gian của các vấn đề; mức độ cấp thiết (độ nóng của vấn đề); phạm vi tác động tính chất và mức độ tác động đến quyền, lợi ích, hoạt động của các đối tượng chịu ảnh hưởng…

Còn để nhận diện đúng, trúng các vấn đề thực tiễn bức xúc cần xử lý ở tầm chính sách, đại biểu HĐND cần tăng cường nắm bắt tình hình thực tế; tăng cường tương tác, tiếp xúc để nắm bắt kịp thời, đầy đủ tâm tư, nguyện vọng và các phản ánh chính đáng của cử tri; chủ động thu thập, tìm kiếm, tiếp nhận, tổng hợp, phân loại, xử lý thông tin qua các phương tiện truyền thông… Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia các hoạt động khảo sát, giám sát do các cơ quan của HĐND tổ chức; tăng cường tương tác, tiếp xúc với các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức để trao đổi, lắng nghe các ý kiến của họ về các vấn đề xã hội bức xúc cần quan tâm giải quyết.

Tham gia thảo luận, các học viên cũng cho rằng, khi tiến hành phân tích, đánh giá về tờ trình và dự thảo nghị quyết, cần tập trung vào các nội dung, như: Sự cần thiết, cấp bách của nghị quyết; các căn cứ của chính sách mới dự kiến; mục tiêu, phạm vi điều chỉnh của chính sách dự kiến trong dự thảo nghị quyết; nội dung, giải pháp… Bên cạnh đó, để lựa chọn được phương án tối ưu cho dự thảo nghị quyết, đại biểu HĐND cần căn cứ vào các tiêu chí như: Tính khả thi của chính sách; mức độ đơn giản về thủ tục hành chính, dễ tiếp cận cho các đối tượng chính sách; tính hiệu quả; tính công bằng; tính phù hợp của chính sách với Hiến pháp và các quy định của pháp luật...

Diệp Anh